Trung tâm thiên niên kỷ Wales


KT&ĐS – Trung tâm thiên niên kỷ Wales bắt đầu mở cửa chào đón du khách từ tháng 11 năm 2004. Không chỉ đơn thuần là một trung tâm nghệ thuật hiện đại, nó đã trở thành một trong những biểu tượng quốc gia của xứ Wales cũng như là một điểm đến văn hoá trên toàn thế giới






Nằm trên mảnh đất có diện tích 1,9 ha ở vùng vịnh Cardiff, công trình là nơi biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc khác nhau như opera, múa balê, múa hiện đại và phổ biến rộng rãi là nhạc kịch. Về mặt không gian chức năng, trung tâm gồm có một phòng biểu diễn lớn với sức chứa 1.900 chỗ ngồi, hai phòng biểu diễn nhỏ 250 chỗ được thiết kế khác nhau để phù hợp với từng loại hình biểu diễn, phòng diễn tập, phòng sản xuất, phòng thu âm, không gian triển lãm và những không gian giải trí khác như nhà hàng, quán bar và các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Trung tâm cũng bao gồm một khu ở cho 150 thành viên của tổ chức Urdd Gobaith Cymru, và là ngôi nhà chung của sáu tổ chức văn hoá hàng đầu xứ Wales.


Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư người bản địa Jonathan Adams, thuộc công ty Capital Percy Thomas, kết hợp cùng công ty Arup Acoustic cho việc thiết kế âm thanh. Ngay từ bản thiết kế đầu tiên được kiến trúc sư giới thiệu vào những tháng đầu năm 1998, ý tưởng chính cũng như mục tiêu đặt ra là công trình phải thể hiện được tinh thần và hình ảnh đặc trưng của xứ Wales với một phong cách mà mọi người có thể dễ dàng nhận thấy và nhớ mãi, giống như nhà hát biểu tượng của nước Úc, Sydney Opera House. Cảm hứng để thiết kế công trình của kiến trúc sư bắt nguồn từ khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng của vùng vịnh Cardiff (công trình chỉ cách bờ biển có vài mét), cũng như là những giá trị truyền thống về văn hoá và xã hội của xứ Wales. Kiến trúc sư đã không thiết kế công trình dựa trên khuôn mẫu của kiến trúc đương đại nước Anh (sử dụng vật liệu khung thép và kính), mà quyết định xây dựng bằng những vật liệu truyền thống của địa phương như đá, kim loại, gỗ và kính. Công trình cũng được tính toán rất kỹ nhằm phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu vùng dọc bờ biển phía nam này của xứ Wales. Mặt ngoài của toà nhà được bao phủ bởi nhiều lớp đá có màu sắc khác nhau. Những viên đá này đã được khai thác từ nhiều mỏ đá trên khắp đất nước (khai thác đá là một ngành công nghiệp truyền thống quan trọng của Wales từ hàng thế kỷ nay), và sau đó chúng được cắt gọt thành từng viên nhỏ theo những kiểu cách khác nhau nhằm tạo ra những kết cấu đối lập tự nhiên. “Những lớp đá được sắp xếp theo thứ tự từng hàng là biểu tượng cho sự trường tồn vĩnh cửu của đất nước chúng tôi trải dài qua năm tháng…”, kiến trúc sư Jonathan giải thích. Tổng cộng đã có 2.500 tấn đá đã được sử dụng cho công trình. Vữa màu đen cũng được sử dụng nhằm giảm bớt tác động về mặt thị giác của nó ở các mạch giữa các viên đá.


Ở một số điểm, các lớp đá được tách ra bởi những dải băng kính, cho phép ánh sáng tự nhiên chiếu vào trong nội thất công trình. Những băng kính này dày 15cm, được chế tạo bằng cách gập các lá kính dưới nhiệt độ nóng chảy để tạo thành những khối kính vững chắc.







Chi tiết tay nắm cửa ra vào

Phía trên những bức tường đá là phần mái vòm của khối không gian biểu diễn lớn, nó được bao phủ bằng một lớp thép không gỉ màu đồng đã qua xử lý ôxy hoá để phù hợp với khí hậu vùng vịnh Cardiff. Cái mái này gợi lại cho chúng ta hình ảnh của những lò luyện kim loại của ngành công nghiệp thép (đã từng là ngành công nghiệp chủ chốt của xứ Wales). Kiến trúc sư đã quyết định không sử dụng vật liệu đồng hay nhôm vì cả hai vật liệu này đều bị thay đổi màu sắc do thời tiết.


Một phần quan trọng khác ở phía ngoài công trình cũng gây được ấn tượng mạnh mẽ, chính là hàng chữ lớn khắc ở phía trước phần mái vòm, ngay trên lối vào chính của công trình – hai câu thơ được viết bằng hai thứ tiếng (tiếng Anh và tiếng Xento – ngôn ngữ riêng của xứ Wales). Cách thức viết chữ trên lối vào của công trình là một phong cách khá cổ điển và truyền thống, tuy nhiên trong công trình này nó đã được kiến trúc sư phục hồi và sử dụng dưới một cách nhìn nhận hiện đại. Mỗi chữ cái cao hơn 2m cũng chính là những cửa sổ để du khách đứng ở khu vực giải lao phía trong có thể nhìn ra phong cảnh ngoài vịnh Cardiff.


Không gian nội thất được bắt đầu với sảnh đón tiếp và khu vực thông tin bán vé dài khoảng 30m, là một không gian rộng, thoáng đãng mang hơi thở đương đại. Lối vào chính từ phía tây và nam dẫn tới những không gian đệm ở tầng trệt rồi từ đó vào các không gian biểu diễn khác nhau, nhà hàng, quầy bar hay những cửa hàng lưu niệm xung quanh. Lối vào phòng biểu diễn lớn dành cho khán giả theo những cầu thang rộng bằng gỗ từ tầng một đến tầng năm cũng nằm ngay ở không gian đệm này. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện hay những sân khấu nhỏ dành cho thiếu nhi với những trò chơi văn hoá nghệ thuật.


Ngay từ sau ngày mở cửa, trung tâm thiên niên kỷ Wales đã trở thành một trong những nơi biểu diễn nghệ thuật sống động và độc đáo nhất ở châu Âu. Khung cảnh thơ mộng của vùng vịnh Cardiff, vẻ đẹp ấn tượng của công trình cũng như các buổi biểu diễn, không gian giải trí đã thu hút được rất nhiều du khách tham quan. Bất kỳ ai tới đây cũng đều tìm thấy một cảm xúc đặc biệt cho riêng mình.



























Lối vào chính của công trình nằm dưới những hàng chữ khổng lồ. Không gian giải lao

Lối dẫn vào không gian biểu diễn Không gian triển lãm định kỳ

Khoảng không đệm dẫn tới các phòng biểu diễn cũng là nơi tổ chức các sự kiện hay những sân khấu nghệ thuật nhỏ dành cho thiếu nhi. Thang dành cho khán giả vào các phòng biểu diễn
Toàn cảnh trung tâm Hình ảnh một buổi biểu diễn tại trung tâm (ảnh sưu tầm)

Công trình  Nhà hát và trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia


Thiết kế  Jonathan Adams (công ty Capital Percy Thomas)
Diện tích  37.000m2
Địa điểm  Vịnh Cardiff, xứ Wales, Vương quốc Anh
Gia thành xây dựng  106,2 triệu bảng Anh
Khởi công xây dựng Tháng 2 năm 2002
Mở cửa giai đoạn 1  Tháng 11 năm 2004
Mở cửa giai đoạn 2  Tháng 1 năm 2009


Bài và ảnh: THS.KTS Vũ Hoàng Hà
(MA BFH/HES-SO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *