Số: /BXD-HĐXD V/v:góp ý kiến thiết kế cơ sở Dự án đầu tư xây dựng các nhà máy nước thải tập trung quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày tháng 7 năm 2009 Kính gửi: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Bộ Xây dựng đã nhận văn bản số 1471/KH&ĐT-TĐ ngày 18/5/2009 của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội đề nghị góp ý kiến về thiết kế cơ sở Dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (2010 – 2015). Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Bộ Xây dựng có ý kiến về thiết kế cơ sở công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (2010-2015) như sau: I. Thông tin chung về Dự án: 1. Tên dự án: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (2010-2015) 2. Chủ đầu tư: Sở Xây dựng Hà Nội. Đại diện Chủ đầu tư (giai đoạn chuẩn bị đầu tư): Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội 3. Địa điểm Xây dựng: Địa bàn thành phố Hà Nội. 4. Tổng mức đầu tư: Khoảng 10.276,48 tỷ đồng Việt Nam. 5. Nguồn vốn thực hiện dự án: Vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam. 6. Nhà thầu khảo sát địa hình, địa chất công trình, lập thiết kế cơ sở: Liên danh Công ty tư vấn Nippon Koei (Nhật bản) và Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam (Viwase). 7. Tiêu chuẩn áp dụng: Thiết kế các công trình thuộc Dự án áp dụng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. 8. Phạm vi, quy mô đầu tư của Dự án Phạm vi: Xây dựng hệ thống cống thu gom chính và cống bao vận chuyển nước thải từ khu vực nội thành ra các trạm xử lý nước thải Yên Xá và Phú Đô, bao gồm lưu vực S2 và S3 với tổng diện tích 7.330 ha (trong đó, lưu vực S2: 4.936 ha và lưu vực S3: 2.394 ha), thuộc lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực sông Nhuệ, bao gồm các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân và Cầu Giấy, một phần quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và Từ Liêm. Quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng 02 nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn và hệ thống cống thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải. II. Nội dung hồ sơ đề nghị góp ý kiến thiết kế cơ sở. 1. Các văn bản pháp lý – Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 07/8/1995 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Thoát nước Hà Nội” (QĐ 430). – Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020” (QĐ108). – Quyết định số 4315/QĐ-UBND ngày 28/09/2006 của ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Dự án đầu tư công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội- Dự án II; – Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 15/02/2008 của ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung qui mô lớn nhằm cải tạo môi trường Hà Nội (2010-2015). – Quyết định số 3115/QĐ-UBND ngày 07/8/2007 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu dịch vụ tư vấn của dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội – dự án II. – Quyết định số 5227/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Hợp đồng dịch vụ tư vấn của dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội – dự án II. – Văn bản số 855/QHKT-HTKT ngày 09/5/2008 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội về việc thoả thuận vị trí trạm xử lý nước thải quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (giai đoạn 2010-2015). – Văn bản số 118/VQH-T2 ngày 4/3/2009 của Viện Quy hoạch Hà Nội về việc cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật cho ô đất xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô, Từ Liêm. – Văn bản số 748/VQH-T3 ngày 07/11/2008 của Viện Quy hoạch Hà Nội về số liệu hạ tầng kỹ thuật khu đất xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội kèm theo bản vẽ sơ đồ hệ thống HTKT và cao độ khống chế khu vực Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. – Văn bản số 754/NS-KT ngày 05/11/2008 của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (VIWACO) thoả thuận nguồn cấp nước Dự án xây dựng nhà máy nước thải Yên Xá. – Văn bản số 5829/CV-ĐLHN-P04 ngày 11/9/2008 của Công ty điện lực Hà Nội thoả thuận cấp điện Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Thanh Trì. – Quyết định số 69/2007/BXD-GPXD ngày 05/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho phép Công ty NIPPON KOEI CO., Ltd (Nhật Bản) được thực hiện các dịch vụ tư vấn và lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn của Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (Dự án II). 2. Tài liệu thiết kế: – Thuyết minh thiết kế cơ sở; – Bản vẽ thiết kế cơ sở; 3. Nội dung thiết kế chủ yếu: Đối với lưu vực S2: – Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm. – Xây dựng hệ thống cống thu gom và cống bao (dọc hai bờ sông Tô Lịch và sông Lừ) với tổng chiều dài 38,3km, đường kính từ 400-2400mm. Tại lưu vực S2, phần hiện trạng hệ thống cống chung (khoảng 2.977 ha) sẽ thu gom vào tuyến cống bao dọc sông Tô Lịch; Diện tích còn lại (khoang 1.959 ha) lắp đặt cống riêng thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. * Giai đoạn 1: (đến 2015) – Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 135.000 m3/ngày đêm. – Xây dựng 26,1km cống thu gom và cống bao, đường kính từ 400-2400mm. Đối với lưu vực S3: – Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Phú Đô công suất 84.000 m3/ngày đêm. – Xây dựng hệ thống cống thu gom và cống bao với tổng chiều dài 21,6km, đường kính từ 400-2400mm. Tại lưu vực S3, phần hiện trạng cống chung (khoảng 430 ha) sẽ được thu gom vào cống bao dọc sông Tô Lịch. Hầu hết diện tích còn lại (khoảng 1.913 ha) lắp đặt cống riêng thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Phú Đô. * Giai đoạn 1: (đến 2015) – Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Phú Đô công suất 21.000 m3/ngày đêm. – Xây dựng 8,4km cống thu gom và cống bao, đường kính từ 400-2400mm. Thiết kế sử dụng công nghệ xử lý bùn hoạt tính truyền thống (kiểu diễn ra quá trình nitrat hóa và khử nitrat). Khử trùng bằng clo ( nếu nước thải sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải sẽ không tái sử dụng hay xả ra nguồn có yêu cầu đặc biệt về bảo vệ môi trường). Xử lý bùn cặn bằng giải pháp tách nước cơ học. Các tuyến cống thu gom, cống bao, đường kính từ 400mm đến 2400mm, chủ yếu được xây dựng lắp đặt chính giữa làn đường, dọc theo các tuyến đường giao thông hiện có và đường quy hoạch. III. ý kiến nhận xét về thiết kế cơ sở 1. Về sự phù hợp với quy hoạch thoát nước đã được phê duyệt: a. Về định hướng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn: Định hướng xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung quy mô lớn về cơ bản phù hợp với định hướng phân vùng xử lý nước thải trong Quy hoạch chung điều chỉnh của thành phố Hà Nội năm 1998 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998. b. Vị trí nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có diện tích 13 ha, xử lý nước thải cho lưu vực S2 nằm ở thôn Trung, thôn Thượng, thôn Chùa Nhĩ, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì; Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô có diện tích 6 ha cho lưu vực S3 tại cánh đồng Phú Đô, thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Vị trí hai nhà máy này đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội thoả thuận tại văn bản số 855/QHKT-HTKT ngày 09/5/2008. Chỉ giới đường đỏ của nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn đã được Viện Quy hoạch Xây dựng xác định tại văn bản số 118/VQH-T2 ngày 4/3/2009 và số 748/VQH-T3 ngày 07/11/2008. c. Quy mô công suất Quy mô công suất có thay đổi lớn so với quy hoạch thoát nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 07/8/1995 và thay đổi so với định hướng quy hoạch thoát nước trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 (lưu vực S3 trong QĐ108 là 51.500 m3/ngàyđêm trong TKCS là 84.000 m3/ngày; lưu vực S2 trong QĐ108 là 147,800 m3/ngày trong TKCS là 270.000 m3/ngàyđêm). Vì vậy quy mô công suất trạm xử lý nước thải cần được chuẩn xác sau khi Quy hoạch tổng thể thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hà Nội được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh. 2. Việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng – Tiêu chuẩn nước thải sau xử lý: Thiết kế sử dụng TCVN 5945:2005 và Quyết định số 22/2006/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và môi trường để xác định các chỉ tiêu nước thải sau khi ra khỏi trạm xử lý. Tuy nhiên số liệu trong thuyết minh thiết kế cơ sở không khớp với tiêu chuẩn này. Vì vậy phải làm rõ các chỉ tiêu nước thải sau xử lý theo tiêu chuẩn sẽ áp dụng làm cơ sở tính toán thiết kế, kiểm tra, nghiệm thu các công trình xử lý. Mặt khác việc áp dụng TCVN 5945:2005 (là tiêu chuẩn nước thải công nghiệp), mặc dù tiêu chuẩn này quy định nhiều chỉ tiêu hơn TCVN 7222:2002 (là tiêu chuẩn thải nước áp dụng cho nước thải sinh hoạt/đô thị), song có một số chỉ tiêu lại thấp hơn TCVN 7222:2002 . Cần thoả thuận với cơ quan quản lý khoa học công nghệ và môi trường có thẩm quyền về việc sử dụng tiêu chuẩn nước thải sau xử lý, dây chuyền công nghệ, trên cơ sở điều kiện nguồn tiếp nhận, số liệu kiểm tra thành phần và chất lượng nước đầu vào nhằm đảo bảo yêu cầu môi trường, điều kiện kinh tế kỹ thuật, chi phí vận hành của Dự án. – Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng cống ba Hiện tại Việt nam chưa có tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu, quy trình vận hành công trình tuyến cống bao thu gom nước thải (có độ sâu lớn). Cần làm rõ tiêu chuẩn thiết kế xây dựng được áp dụng cho hạng mục công trình này. 3.Về dây chuyền công nghệ: Thiết kế sử dụng công nghệ xử lý bùn hoạt tính truyền thống (kiểu diễn ra quá trình nitrat hóa và khử nitrat). Khử trùng bằng clo (nước thải sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải sẽ không tái sử dụng hay xả ra nguồn có yêu cầu đặc biệt về bảo vệ môi trường). Xử lý bùn cặn bằng giải pháp tách nước cơ học. Phương pháp xử lý trên là phương pháp dễ áp dụng, diện tích đất yêu cầu nhỏ, phù hợp với quỹ đất được cấp. Tuy nhiên sau khi chuẩn xác tiêu chuẩn chất lượng nước sau xử lý, cần kiểm tra lại quy trình công nghệ xử lý đảm bảo chất lượng nước đầu ra phù hợp với yêu cầu và chi phí vận hành hợp lý. 4.Về kết nối hạ tầng kỹ thuật của khu vực: Chỉ giới đường đỏ, cao độ xây dựng, đấu nối cấp thoát nước, cấp điện của nhà máy xử lý nước thải đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác định, Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận ngày 7/11/2008 và các cơ quan cung cấp nước, cấp điện thoả thuận. 5. Nhà thầu lập thiết kế cơ sở là Công ty NIPPON KOEI Co. Ltd liên danh với Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam đã được cấp giấy phép nhận thầu tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn của Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên cần bổ sung chứng chỉ hành nghề của các chủ nhiệm và các chủ trì thiết kế theo quy định. 6. Một số yêu cầu đối với Chủ đầu tư và Tư vấn thiết kế : – Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn nhằm bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội là Dự án quan trọng, tác động đến điều kiện sinh hoạt của người dân. Thiết kế cơ sở của Dự án đã có nhiều thay đổi so với quy hoạch chuyên ngành thoát nước của Thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 430 và có một số điều chỉnh so với định hướng quy hoạch thoát nước trong Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108 về diện tích phục vụ; quy mô dân số thiết kế; công suất; công nghệ; tiêu chuẩn; số lượng trạm xử lý nước thải; phạm vi thiết kế cống chung; cống riêng; tuyến cống bao chính; số lượng trạm bơm chuyển bậc và có điều chỉnh so với quy hoạch chi tiết xây dựng các quận huyện (chỉ có vị trí trạm xử lý nước thải và một số tuyến cống vận chuyển nước thải chính về trạm xử lý phù hợp với quy hoạch năm 1998 đã được Thủ tướng phê duyệt). Căn cứ vào Điều 20 của Nghị số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp quy định Điều chỉnh quy hoạch thoát nước (quy hoạch thoát nước được điều chỉnh khi có sự điều chỉnh của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng… ) và căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 447/VPCP-QHQT ngày 18/01/2008; Để có đủ cơ sở triển khai Dự án, Bộ Xây dựng đề nghị Chủ đầu tư báo cáo UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải của Thành phố Hà Nội. Những nội dung lớn của thiết kế cơ sở trong Dự án này như: Phạm vi sử dụng cống chung, cống riêng, quy mô công suất trạm xử lý nước thải, dây chuyền công nghệ, tiêu chuẩn nước thải sau xử lý, hướng tuyến cống thu gom chính cần được xem xét trên cơ sở hiệu quả kinh tế kỹ thuật, xã hội, tính khả thi của phương án và cần được chuẩn xác sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải của Thành phố Hà Nội để làm căn cứ pháp lý cho thiết kế cơ sở của Dự án. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 26 Nghị số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp và Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì ngoài việc xin ý kiến về thiết kế cơ sở của Dự án, các nội dung Dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải quy mô lớn tại Hà Nội “phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”. – Việc xây dựng trạm xử lý nước thải quy mô lớn, nhằm dẫn nước thải ra khỏi nội thành để xử lý tại các trạm xử lý cuối nguồn sẽ làm mất đi một lượng nước bổ cập cho các hồ nội thành trong mùa khô, vì vậy cần nghiên cứu biện pháp bổ cập nước cho các hồ của nội thành đảm bảo cảnh quan môi trường Thủ đô. – Thoả thuận với cơ quan quản lý có thẩm quyền về việc sử dụng tiêu chuẩn nước thải sau khi xử lý xả ra nguồn tiếp nhận, dây chuyền công nghệ trạm xử lý nước thải, khí thải của trạm xử lý. Cần làm rõ chất lượng nước thải sau xử lý đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn áp dụng trong trường hợp lưu lượng nước thải về trạm xử lý lớn gấp 2-3 lần công suất thiết kế lớn nhất và trạm chỉ xử lý nước thải sơ bộ (bể lắng cát, bể lắng sơ bộ, khử trùng). – Đối với trạm xử lý nước thải cần lập một vài phương án kỹ thuật công nghệ xử lý nước thải để so sánh cụ thể chi phí quản lý vận hành, tổng mức đầu tư nhằm lựa chọn phương án đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật theo quy định tại Điều 26 – Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước tại Nghị số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ. – Đối với hệ thống cống dẫn nước thải: Trong thiết kế đã lập một vài phương án so sánh mặt bằng tuyến cống, số lượng trạm bơm, tuy nhiên khi triển khai các bước thiết kế tiếp theo cần lựa chọn hai phương án để so sánh số liệu cụ thể về chi phí đầu tư, chi phí quản lý vận hành, điều kiện thi công để lựa chọn hướng tuyến. – Vị trí trạm xử lý nước thải Phú Đô đã được xác định trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2020, vị trí trạm xử lý này nằm gần phía Trung tâm hội chợ triễn lãm quốc gia và đường Láng – Hoà Lạc, tuyến cống dẫn vào trạm xử lý nước thải phải thi công qua đường này. Cần xem xét thêm yếu tố cảnh quan của công trình và yêu cầu thi công hệ thống cống dẫn nước thải qua đường Láng Hoà Lạc. – Các tuyến cống dẫn nước thải trong thiết kế là các tuyến chính, vì vậy phải kiểm tra khả năng đấu nối các tuyến cống hiện có và các tuyến cống sẽ quy hoạch vào hệ thống cống truyền tải nước thải, cống bao nước thải trong hồ sơ thiết kế cơ sở của Dự án (thiết kế độ sâu ban đầu của cống dẫn nước thải khoảng 2,8m-3m); Xác định vị trí tuyến cống trên đường, đảm bảo khoảng cách giữa các công trình ngầm, thuận lợi trong thi công, quản lý vận hành. Việc thiết kế và thi công tuyến cống bao phải phối hợp với Dự án cải tạo, xây dựng các tuyến đường ven sông thuộc Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II (đang chuẩn bị đầu tư) để đảm bảo đồng bộ, tránh đào đường nhiều lần. – Tuyến cống nước thải vào trạm xử lý Yên Xá bố trí theo đường cong là chưa hợp lý, cần nghiên cứu hướng tuyến cho phù hợp với đường quy hoạch để dẫn vào trạm xử lý theo đường ngắn nhất. – Làm rõ các tiêu chí, cơ sở lựa chọn tuyến cống nước thải, công suất trạm xử lý dự kiến đầu tư vào giai đoạn I. Xác định cụ thể các tuyến cống dự kiến xây dựng giai đoạn I nhằm phát huy công suất trạm xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho các sông chính của Thành phố. – Đối với khu vực sử dụng cống thoát nước riêng cần nghiên cứu cụ thể mô hình thu gom nước thải từ các nhà dân ra hệ thống cống thu nước thải của khu vực phù hợp với điều kiện hiện trạng. – Một số tuyến cống có khoảng cách giữa các giếng thăm chưa phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng cần kiểm tra đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn áp dụng và phù hợp với vị trí đấu nối với cống hiện có. – Về lựa chọn phạm vi xây dựng cống chung, cống riêng: Tiêu chí lựa chọn sử dụng cống chung và cống riêng trong thiết kế cơ sở của Dự án là hợp lý, tuy nhiên do số liệu hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thủ đô chưa đầy đủ, các tuyến cống chung trong các ngõ phố chật hẹp, vì vậy cần có khảo sát kỹ hiện trạng, xác định các lưu vực đang sử dụng cống chung, cống riêng, khảo sát bề rộng đường trên các tuyến dự kiến bố trí cống, khảo sát các công trình ngầm để thực hiện các bước thiết kế tiếp theo đảm bảo tính khả thi của phương án. – Việc lựa chọn các khu vực cống chung và cống riêng có nhiều thay đổi so với quy hoạch chi tiết các quận huyện thuộc Dự án, vì vậy cần thoả thuận với các cơ quan quản lý quy hoạch địa phương để thống nhất quản lý đầu tư xây dựng hệ thống cống trong từng địa bàn. – Làm rõ việc xác định hệ số pha loãng cho hệ thống cống bao (thiết kế lấy =3 là lớn so với một số thành phố khác như TP Hồ Chí Minh) trên cơ sở xem xét đến mức độ ô nhiễm của nước thải đối với nguồn tiếp nhận với các hệ số pha loãng khác nhau để có cơ sở lựa chọn hệ số pha loãng khi thiết kế cống bao, thiết kế ngưỡng tràn. – Cần kiểm tra số liệu BOD đầu vào =200mg/l so với các số liệu thực tế tại Nhà máy xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch tại Hà Nội để có điều chỉnh phù hợp. – Khi tiến hành lập các bước thiết kế tiếp theo cần tính toán công trình xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn nước thải xả ra môi trường theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam được áp dụng, đảm bảo xử lý mùi hôi không ảnh hưởng tới các khu dân cư lân cận ( trong thiết kế lấy khoảng cách ly tối thiểu theo quy chuẩn xây dựng là 40m). – Thực hiện yêu cầu của Sở Quy hoạch – Kiến trúc tại văn bản số 855/QHKT-HTKT ngày 09/5/2008 về việc thoả thuận vị trí trạm xử lý nước thải quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (giai đoạn 2010-2015). – Bổ sung giấy đăng ký kinh doanh của nhà thầu khảo sát địa chất công trình, chứng chỉ hành nghề của chủ trì khảo sát, chứng chỉ hành nghề của chủ trì thiết kế các bộ môn. – Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trình phê duyệt theo quy định. – Trong quá trình thi công xây dựng và sử dụng công trình, phải có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận. Trên đây là ý kiến về thiết kế cơ sở Dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội. Chủ đầu tư và Tư vấn thiết kế căn cứ ý kiến trên để bổ sung, điều chỉnh thiết kế cơ sở trước khi phê duyệt Dự án và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Nơi nhận: – Như trên; – UBND thành phố Hà Nội; – Sở Xây dựng Hà Nội; – Sở Kiến trúc quy hoạch Hà Nội; – Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội; – Lưu: VP, KTQH, HTĐT, HĐXD. KT.BỘ TRƯỞNG đã ký Bùi Phạm Khánh |
Góp ý kiến thiết kế cơ sở Dự án đầu tư xây dựng các nhà máy nước thải tập trung quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội
5