Bê tông hóa sông hồ Hà Nội





65% diện tích sông, hồ bị lấp, số còn lại bị bê tông hóa quá mức khiến khả năng điều hòa của các hồ ở Hà Nội đang “chết” dần.


Đây là nhận định của các nhà khoa học khi chứng kiến hiện tượng Hà Nội liên tục bị ngập lụt chỉ với một trận mưa ở mức trung bình. Các nhà khoa học cũng đưa ra bốn nhóm giải pháp để “cứu” Hà Nội thoát khỏi tình trạng ngập lụt thường xuyên.


Bỏ qua cảnh báo, hồ thành… ao tù


Đưa ra con số về diện tích mặt nước hồ, sông bị lấp bởi các công trình phục vụ cho phát triển kinh tế, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, đau xót nói: “Chỉ tính 10 năm thôi, từ 1986 đến 1996, riêng bốn quận nội thành của Hà Nội mất đi già nửa diện tích mặt nước. Ngay từ khi có các dự án phát triển kinh tế can thiệp vào diện tích sông, hồ, các nhà khoa học cũng cảnh báo. Thế nhưng, các nhà lãnh đạo thành phố khi đó không lường hết hậu quả có thể gây ra cho Hà Nội. Họ vẫn quyết và kết quả là bây giờ người dân Hà Nội thường xuyên bị ảnh hưởng vì tình trạng ngập lụt”.



Không chỉ việc lấp hồ xây nhà, ngay cả các phương án kè bờ sông, hồ cũng được các nhà khoa học “phản biện” mạnh mẽ. “Nhiều cuộc họp với thành phố, chúng tôi góp ý không nên sử dụng phương án taluy quá thoải để kè bờ sông, hồ vì sẽ làm giảm thể tích lòng hồ. Các sông, hồ sau khi kè giống như hình tam giác ngược, lòng sông, hồ bị thu hẹp quá mức, giảm sức chứa và khả năng thẩm thấu. Như vậy, khi mưa, các sông, hồ của Hà Nội trở thành những chiếc ao tù chứa nước, không thoát được đi đâu, làm tích úng cục bộ”, GS Đăng bức xúc.


Nhận định về tình trạng bê tông hóa sông, hồ, GS.TSKH Trần Hiếu Nhuệ, Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cũng nhận định: “Việc bê tông hóa quá mức vô hình chung đã hạn chế khả năng thẩm thấu nước”.


Đưa ra bằng chứng cho nhận định của mình, GS Nhuệ ví dụ về hàng loạt các cầu nhỏ khu vực Hòa Mục, Trung Hòa…. chỉ cần mưa to một chút là nước nghẽn lại.


Sửa sai khi chưa quá muộn


Tuy nhiên, trước những ý kiến đưa ra phương án dỡ kè sông, GS Nhuệ cho rằng: “Nếu sửa lại kè, khơi rộng dòng chảy, sức chứa của sông, hồ là một phương án bất khả thi và vô cùng tốn kém”.


Đưa ra giải pháp “cứu” Hà Nội khỏi bị ngập lụt thường xuyên, GS Nhuệ nêu: “Có bốn giải pháp có thể làm ngay mà cũng không quá tốn kém đó là: Tăng cường hơn nữa các trạm bơm lưu động; phát huy hết công suất của trạm bơm Yên Sở; khuyến khích các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất lớn xây dựng bể chứa nước mưa, vừa tích được nước, vừa có thể tận dụng nước này sử dụng sinh hoạt vào mùa khô; tăng cường các chính sách quản lý để sông, hồ không bị lấn chiếm diện tích sử dụng vào các mục đích khác”.


Một hướng giải quyết cũng được các nhà khoa học hưởng ứng đó là việc tạo diện tích sông hồ trở lại cho Hà Nội. KTS Trần Thanh Vân gợi ý: “Khu vực Mỹ Đình, Hà Nội có thể tạo hệ thống công viên hồ nước”. Theo KTS Vân, nếu ở đây có một hệ thống hồ và sông đào diện tích khoảng 1.000ha có thể thu được 15.000.000m3 nước vào ngày mưa và mang lại không khí mát mẻ cho những ngày nắng. Giải pháp các nhà khoa học đưa ra là vậy, song việc thực hiện được hay không lại phụ thuộc nhiều vào những nhà quản lý. Nếu Hà Nội không khẩn trương “sửa sai” thì cuộc sống của người dân còn gặp nhiều phiền toái, hơn nữa Hà Nội còn bị “mất điểm” khi mang danh là thủ đô của một đất nước.


Bởi theo cảnh báo của TS Nguyễn Hoàn, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam: “Cả thế giới có 12 thảm họa thiên nhiên thì Hà Nội đã hứng 11 thảm họa: nước mặn dâng cao khi nước ngọt đầu nguồn các dòng sông cạn kiệt; ngập lụt do mưa; lũ quét; bão cường độ cao; lốc; hạn hán, nắng gắt; sét; rét đậm, rét hại; sạt lở đất, đá; động đất; dịch bệnh”.


(Theo Đất Việt)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *