(VTC News) – Nguyên nhân sơ bộ được xác định là do ý thức chấp hành các quy định đảm bảo an toàn của người lao động và trình độ cán bộ quản lý còn kém.
> Khởi tố hình sự vụ tai nạn lao động tại Keangnam
> Khó khởi tố hình sự đối với nhà thầu Keangnam
> Tòa nhà cao nhất Việt Nam thi công trở lại
> Đình chỉ thi công vô thời hạn tòa nhà cao nhất VN
> 2 công nhân tử vong do rơi từ tòa nhà cao nhất VN
> Thêm 2 công nhân tử nạn tại tòa nhà cao nhất VN
Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower do Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vian làm chủ đầu tư. 3 vụ tai nạn liên tiếp vào các ngày 21/7, 22/7 và 27/7 khiến 4 người tử nạn, xảy ra tại các hạng mục do 2 nhà thầu phụ là Công ty cổ phần xây dựng số 1 (Cofico) và Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình thi công.
Nhà thầu chính là Công ty Keangnam Enterprises LTD. 4 nhà thầu phụ gồm: Công ty Cổ phần xây dựng số 1 (Cofico), Công ty Cổ phần xây dựng số 1 Hà Nội (HACC1), Công ty Seoyong (Hàn Quốc). Riêng nhà thầu phụ Seoyong thuê Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình làm nhà thầu phụ về nhân công.
Trao đổi với VTC News, ông Bùi Văn Chiểu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đồng thời là Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, cho biết nguyên nhân sơ bộ dẫn tới vụ các vụ tai nạn liên tiếp tại công trình Keangnam là do ý thức chấp hành các quy định đảm bảo an toàn lao động của người lao động còn kém. Bên cạnh đó, trình độ của các cán bộ quản lý của các nhà thầu thi công (gồm cả nhà thầu chính và nhà thầu phụ), đơn vị giám sát trong công tác quản lý an toàn lao động còn có nhiều hạn chế, cá biệt có một số bộ phận chưa đạt yêu cầu.
Đặc biệt, theo ông Chiểu, trong công trình có sử dụng nhiều công nghệ, thiết bị tiên tiến, chưa có ở Việt Nam như công nghệ cốppha, giàn giáo…, tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ thi công chưa được các bên tham gia thực hiện dự án quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bên.
Công tác thiết kế biện pháp thi công chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật Việt Nam, cụ thể biện pháp thi công xây dựng chưa được nhà thầu chính Keangnam kiểm tra, phê duyệt.
Ngoài ra, theo ông Chiểu, nhà thầu phụ là Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình chưa khám sức khoẻ định kỳ năm 2009 cho công nhân, một số đơn vị khám không có tư cách pháp nhân (Trạm y tế xã); Các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã có kiểm định nhưng chưa thực hiện việc đăng ký với Sở lao động; các biện pháp an toàn, nọi quy về an toàn chưa được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để người lao động biết và chấp hành v.v…
Sau khi kết luận các nguyên nhân chủ yếu dẫn tới vụ tai nạn, Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư xem xét lại toàn bộ các nhà thầu phụ về năng lực và kinh nghiệm thi công, đặc biệt xem xét năng lực cá nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý kỹ thuật thi công, quản lý an toàn lao động trên công trường và các cá nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý thi công của nhà thầu chính.
Đồng thời, Sở Xây dựng yêu cầu phải tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị công nghệ mới tại dự án, đặc biệt đối với các thiết bị công nghệ thi công của hộ cốppha, giàn giáo. Chủ đầu tư, nhà thầu chính xem xét, phê duyệt Biện pháp thi công theo quy định đã ban hành của UBND TP Hà Nội về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại TP.Hà Nội.
Ông Chiểu cũng cho biết, đã yêu cầu Chủ đầu tư phải có bộ phận thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, phát hiện những công việc, những khu vực có nguy cơ mất an toàn lao động trên công trường, để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra tai nạn lao động.
Chủ đầu tư có quyền quyết định tạm đình chỉ thi công một số hạng mục công trình trong dự án Keangnam HaNoi Landmark Tower nếu có dấu hiệu mất an toàn lao động. Các công trình trong dự án chỉ được thi công sau khi chủ đầu tư và các bên tham gia thực hiện dự án thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các yêu cầu nêu trên của Đoàn kiểm tra.
Cuối cùng, Sở xây dựng Hà Nội giao cho Thanh tra xây dựng TP. Hà Nội xử phạt hành chính chủ đầu tư và các bên tham gia thực hiện dự án theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP.