400 nghìn đô-la cho dự án xây dựng chính sách nhà ở Đây là số vốn mà UN-Habitat (Tổ chức định cư LHQ) sẽ tài trợ cho Dự án về chính sách nhà ở tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình UN-Habitat tại Việt Nam cho biết như vậy. Theo đánh giá của UN-Habitat, với tốc độ đô thị hoá nhanh như hiện nay, đã đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam. Và đã đến lúc Việt Nam cần có các giải pháp để phát triển bền vững.
Là một tổ chức theo dõi về định cư của LHQ tại Việt Nam, UN-Habitat rất quan tâm tới vấn đề nhà ở cho người nghèo, nhất là ở khu vực đô thị. Vấn đề đầu tư cho hạ tầng đô thị cũng đang là yêu cầu đặt ra cho việc phát triển đô thị bền vững. Theo ước tính của tổ chức này, Việt Nam đang cần khoảng 23 tỷ đô-la đầu tư cho hạ tầng đô thị đến 2010, trong đó riêng lĩnh vực nhà ở cho người thu nhập thấp cần khoảng 8,4 tỷ đô-la… Chính vì vậy tại Việt Nam, UN-Habitat cũng đặt ra các mục tiêu về hỗ trợ để đưa ra các chính sách về phát triển đô thị bền vững và tăng cường năng lực, khung thể chế trong quy hoạch và phát triển đô thị; hỗ trợ xây dựng chiến lược, chính sách nhà ở và nâng cấp đô thị; hỗ trợ trong việc giảm thiểu các tác động về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo ông Nguyễn Quang, trước áp lực ngày càng tăng về nhà ở cho người thu nhập thấp và nhu cầu hoàn thiện chính sách nhà ở vì mục tiêu “nhà ở phù hợp cho mọi đối tượng”, Dự án về Chính sách nhà ở tại Việt Nam đã được đề xuất với các mục tiêu cụ thể đó là hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan quản lý phân tích một cách hệ thống về lĩnh vực nhà ở đô thị và ở cấp quốc gia nhằm cải thiện về nhà ở; tăng cường năng lực của các cán bộ hoạch định chính sách nhà ở và khung thể chế, tài chính cho việc cung ứng và tiếp cận nhà ở thu nhập thấp, hỗ trợ trực tiếp cho chương trình, chính sách về nhà ở, đặc biệt cho đối tượng thu nhập thấp. Dự án sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm, bắt đầu bằng việc thực hiện một “Hồ sơ lĩnh vực nhà ở tại Việt Nam”- đây là một phân tích tổng hợp về lĩnh vực nhà ở trong một quốc gia, theo UN-Habitat ,Việt Nam là nước đầu tiên tại Châu Á thực hiện nghiên cứu này.
Tính thực tiễn Về phía Bộ Xây dựng cũng như đại diện các tổ chức, hiệp hội đều cho rằng sự hỗ trợ của UN-Habitat trong lĩnh vực này rất cần thiết và hữu ích đối với Việt Nam, đồng thời cũng gợi ý các giải pháp để sao cho Dự án đạt được hiệu quả cao khi áp dụng vào thực tiễn. Cụ thể theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), dự án cần quan tâm một cách toàn diện hơn tới cả vấn đề nhà ở khu vực nông thôn bởi thực tế khu vực ĐBSCL, các vùng sâu, vùng xa, miền núi… đang rất khó khăn về nhà ở. Vấn đề về cải tạo nhà chung cư cũ, xoá nhà ổ chuột, vấn đề chất lượng nhà tái định cư… cũng được các đại biểu đề cập để tìm giải pháp, chính sách thực hiện. Bà Lê Bích Thuận – Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị Nông thôn đề cập: Cần phải tìm lời giải cho bài toán cải tạo chung cư cũ, bởi thực tế đây chính là các khu ổ chuột hiện đại. Do yêu cầu tái định cư tại chỗ cho người dân cộng với bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, khi cải tạo, các khu chung cư đều nâng cao tầng và như vậy phá vỡ quy hoạch, hạ tầng trong đô thị. Đây là vấn đề chúng ta đang lúng túng trong giải quyết. Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khi xây dựng chính sách nhà ở, cần quan tâm tới những vấn đề mang tính đặc trưng của người dân Việt Nam. Ví như người dân có tâm lý muốn ngôi nhà là của mình (không muốn đi thuê). Nhà ở của người nghèo không chỉ là chỗ ở mà còn là nơi tạo ra thu nhập. Nếu họ có nợ thì khả năng chi trả rất nhanh, vì vậy họ cũng cần những căn nhà có chất lượng, bền vững… Tất cả những yếu tố đó cần được tính đến để đưa vào chính sách. Quan điểm về chính sách nhà ở của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong nhiều năm nay, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề nhà ở của người dân, tuỳ theo điều kiện của đất nước để đưa ra chính sách nhà ở cho các đối tượng cụ thể, như chính sách nhà ở cho CBCNV, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ngập lũ, gần đây nhất là nhà ở cho nhân dân nông thôn, hay bắt đầu tiến tới khu vực đô thị… Tuy nhiên, không một Chính phủ nào (kể cả các nước phát triển) có thể bảo đảm nhà ở cho tất cả các đối tượng, mà phải theo quy luật thị trường. Các đối tượng tham gia phải tự lo nhà ở trên cơ sở chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên trong xã hội có một số đối tượng rất nghèo, không có thu nhập. Đối tượng này cần được Nhà nước tham gia với vai trò là chủ thể bảo đảm nhà ở. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, chính sách nhà ở Việt Nam vẫn còn chưa cơ bản, chưa thống nhất được các ý kiến của các tầng lớp xã hội do chưa được khảo sát, nghiên cứu một cách khoa học, chính vì vậy với sự trợ giúp của UN-Habitat sẽ là cơ hội để Bộ Xây dựng hoàn thiện chính sách nhà ở. |
Cơ hội để hoàn thiện chính sách nhà ở
62