Trang chủ » Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2020: Phải áp dụng công nghệ tái chế

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2020: Phải áp dụng công nghệ tái chế

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments








Thực trạng



Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 21.500 tấn/ngày, nhưng công nghệ xử lý còn hạn chế, chủ yếu là chôn lấp và chế biến chất thải hữu cơ thành phân compost. Gần đây, đã có một số công nghệ trong nước được nghiên cứu, phát triển với nhiều ưu điểm như khả năng phân loại rác tốt hơn, đặc biệt là đã tái chế, tái sử dụng được phần lớn lượng chất thải, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường như công nghệ SERAPHIN, ANSINH-ASC và MBT-CD.08 với sản phẩm là phân hữu cơ, các sản phẩm nhựa tái chế và viên nhiên liệu, đã được triển khai áp dụng tại Nhà máy xử lý rác Đông Vinh (Nghệ An), Nhà máy xử lý rác Sơn Tây, (Hà Nội); Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (TT-Huế); Nhà máy xử lý rác Đồng Văn (Hà Nam), bước đầu đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, các công nghệ trong nước đều do DN tư nhân tự nghiên cứu phát triển nên việc hoàn thiện công nghệ cũng như triển khai ứng dụng trong thực tế còn gặp một số khó khăn.



Phân loại rác.



Dự báo



Dự báo của Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT cho biết, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các đô thị ước tính khoảng 37 nghìn tấn/ngày và năm 2020 là 59 nghìn tấn/ngày cao gấp 2 – 3 lần hiện nay. Như vậy, với lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị gia tăng nhanh chóng và các công nghệ hiện đang sử dụng không thể đáp ứng yêu cầu do điều kiện Việt Nam mật độ dân số cao, quỹ đất hạn chế, việc xác định địa điểm bãi chôn lấp khó khăn, không đảm bảo môi trường và không tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác thải. Việc áp dụng các công nghệ mới hạn chế chôn lấp chất thải rắn nhằm tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải là cấp bách.



Vì vậy, vừa qua, Bộ Xây dựng đã xây dựng Chương trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp giai đoạn 2009 – 2020, với quan điểm kết hợp đầu tư của Nhà nước và khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, đảm bảo đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 các địa phương đều được đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ xử lý hạn chế chôn lấp, đặc biệt đối với các khu xử lý chất thải rắn có tính chất vùng bằng các nguồn vốn khác nhau nhằm giải quyết triệt để vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt đô thị trong toàn quốc.



Giai đoạn 2009 đến 2015 sẽ có 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó khoảng 60% được tái chế, tái sử dụng, sản xuất phân hữu cơ hoặc đốt rác thu hồi năng lượng. Giai đoạn 2016 đến 2020 sẽ có 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, sản xuất phân hữu cơ hoặc đốt rác thu hồi năng lượng.



Công nghệ



Để thực hiện được yêu cầu trên, cần phải đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp cho các địa phương trong cả nước theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2009 – 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 – 2020.



Việc lựa chọn dự án phải đáp ứng được các tiêu chí ưu tiên theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1: là các đô thị thuộc vùng ĐBSCL thường xuyên bị ngập lụt; các đô thị đang sử dụng bãi chôn lấp không hợp vệ sinh và chưa có các dự án đầu tư; các đô thị là trung tâm vùng, đô thị du lịch, các đô thị có công trình xử lý chất thải rắn có tính chất vùng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn 2: Tiếp tục thực hiện theo các tiêu chí của giai đoạn đến 2015 trong trường hợp vẫn còn dự án đáp ứng yêu cầu; các đô thị còn lại trong đó ưu tiên các đô thị có bãi chôn lấp đã hết hạn sử dụng và không mở rộng quy mô bãi chôn lấp.



Việc thực hiện Chương trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp giai đoạn 2009 – 2020 có ý nghĩa to lớn đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia giải quyết những bức xúc về chất thải rắn, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn trong cả nước. Các nhà máy xử lý rác thải của chương trình được xây dựng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế chôn lấp rác thải, tiết kiệm kinh phí, đất đai, hạn chế gây ô nhiễm môi trường… và giải quyết triệt để vấn đề rác thải hiện đang gây bức xúc tại các đô thị.







Hiện một số DN đề xuất thực hiện xứ lý rác tại một số địa phương:


 


Cty Kiều Thi: Nhà máy đốt rác phát điện tại Hà Nội công suất 2.000 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 175 triệu đô-la Mỹ.


 


Cty Tâm Sinh Nghĩa: Nhà máy đốt rác phát điện tại Hà Nội công suất 2.000 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 190 triệu đô-la.



Cty Naanovo Energy, Canada: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải kết hợp sản xuất điện năng (Thanh Hóa) 360 tấn/ngày, tổng mức đầu tư  748,8 tỷ đồng.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.