KTĐT – Tái định cư, đơn giá đền bù, hỗ trợ khôi phục cuộc sống, đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân là những việc quan trọng của công tác hậu giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong một cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội tổ chức gần đây, nhiều ý kiến đã tham mưu kinh nghiệm của một số địa phương trong việc giải quyết tốt vấn đề hậu GPMB.
Đảm bảo lợi ích cho người dân
TS Đoàn Xuân Thủy (Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù với số lượng dự án lớn, song phương án đền bù của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đảm bảo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp đền bù đúng chính sách, không gây xáo trộn trong nhân dân.
Một địa phương khác cũng làm tốt công tác hậu GPMB trong việc xác định giá đền bù, là TP.HCM. Theo TS Nguyễn Hữu Đạt (Viện Kinh tế Việt Nam), TP.HCM căn cứ vào giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường và khả năng sinh lợi để cân đối và xác định giá đất nông nghiệp để tính bồi thường nên mức giá được nâng lên cao hơn. Đối với vị trí đất mặt tiền, thành phố còn quy định mức hỗ trợ thêm không quá 50% đơn giá bồi thường đất nông nghiệp. Ngoài phương thức hỗ trợ bằng tiền, để đảm bảo quyền lợi cho những người có đất nông nghiệp bị thu hồi trong các dự án kinh doanh nhà ở, thành phố còn áp dụng phương thức bồi thường bàn giao lại nền đất ở đã có hạ tầng kỹ thuật.
Đối với các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất không hợp pháp, hoặc chuyển nhượng từ các trường hợp lấn chiếm, theo quy định không được bồi thường. Tuy nhiên, để người dân được ổn định cuộc sống, thành phố đã hỗ trợ cho các trường hợp này tùy theo thời điểm sử dụng đất với mức không quá 30% đơn giá đất để tính bồi thường và được xét mua một căn hộ chung cư theo giá bán tái định cư hoặc giá không kinh doanh để ổn định cuộc sống và sinh hoạt.
Thực tế giải quyết tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, nhà tại TP.HCM những năm qua cho thấy, đối với người bị thu hồi đất, đặc biệt là nông dân, được bố trí vào nơi ở mới tốt hơn; đối với các hộ dân đô thị thuộc các dự án giải tỏa một phần, được cải tạo, chỉnh trang nhà cửa khang trang hơn trước và phần lớn có kinh tế khá hơn. Một số hộ dân nhập cư tự do, nhà ở lụp xụp không đủ điều kiện tái định cư cũng được thành phố xem xét bán cho căn hộ chung cư theo giá bảo toàn vốn hoặc giá không kinh doanh.
Công bằng, công khai và dân chủ
TS Đoàn Xuân Thủy cho hay, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung thực hiện tốt công tác thuyết phục vận động nhân dân nhận tiền bồi thường, kiên trì vận động, thuyết phục để người dân hiểu và đồng tình ủng hộ. Các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác dân vận, động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách. Công tác đền bù được thực hiện dân chủ, công khai và công bằng.
Theo GS-TS Trịnh Duy Luân (Viện Xã hội học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), trong vấn đề thu hồi đất GPMB và tái định cư, 92% người dân Đà Nẵng sẵn sàng chấp hành. Đại đa số các hộ gia đình đã được tham gia vào việc đo đạc, kiểm đếm đất, tài sản và định giá đền bù khi bị di dời, giải tỏa. Điều này cho thấy mức độ công khai hóa cao trong các hoạt động này tại Đà Nẵng. Quá trình giải tỏa, chỉnh trang này diễn ra tương đối suôn sẻ, rất ít những vụ khiếu kiện căng thẳng, những điểm nóng. Với ý thức vì sự phát triển chung của thành phố, phần lớn người dân đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước mở đường. Từ sự tự nguyện của người dân, các công trình đã tiết kiệm được khoảng 25 – 40% kinh phí đầu tư nên tính khả thi được nâng cao.
Một trong những việc khó khăn nhất và cũng là nhạy cảm nhất đối với người dân là đơn giá đền bù. Đà Nẵng đã sớm ban hành đơn giá này đối với từng loại đất, từng vị trí đất, từng loại nhà cửa, vật kiến trúc, từng loại cây cối, hoa màu… một cách rõ ràng với những chính sách thưởng, phạt cụ thể. Thành phố cũng có những buổi đối thoại trực tiếp giữa cán bộ lãnh đạo với các tầng lớp nhân dân để lắng nghe nguyện vọng, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân cơ sở, các buổi trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi, tham gia ý kiến. Đây cũng là địa phương đầu tiên có lịch tiếp dân của Chủ tịch UBND Thành phố định kỳ hàng tháng. Đây là một nguyên nhân làm cho Đà Nẵng ít có khiếu kiện vượt cấp kéo dài mặc dù đến nay Đà Nẵng đã phê duyệt đến gần 70.000 hồ sơ giải tỏa, với tổng giá trị đền bù hơn 3.700 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Hồng Thái