Festival nghệ thuật Cầu Long Biên: Nhịp dẫn nối ký ức và ước mơ






Các đại sứ nước ngoài tại Việt Nam
tham gia Festival.


Khai mạc sáng nay, nhằm đúng kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô và đón chào Thăng Long – Hà Nội 990 năm tuổi, sự kiện nghệ thuật mang tính cộng đồng lần đầu tiên diễn ra trên cây cầu lịch sử đã không chỉ có đại diện chính quyền, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và đại diện từ các đại sứ quán nước ngoài, mà còn thu hút đông đảo người dân Hà Nội, du khách quốc tế.



Sau nhiều lần hoãn đi hoãn lại vì “sự cố khách quan”, Festival nghệ thuật cầu Long Biên – ý tưởng lãng mạn của bà Nguyễn Nga cuối cùng thì cũng phần nào trở thành hiện thực.


Tuy rằng, còn nhiều điều phải bàn đến, khi đây là lần tổ chức đầu tiên của một lễ hội cộng đồng với quy mô lớn, nhưng có thể coi festival này như một nhịp dẫn, để nối kết những phần ký ức bao chứa lịch sử, những câu chuyện thực tế của ngày hôm nay và mơ ước của ngày mai.


Đánh thức ký ức


Mảnh mai như một khuông nhạc vắt qua sông Hồng, cây cầu lịch sử của Hà Nội hôm nay lần đầu tiên như thức dâỵ bởi sự xuất hiện của đông đảo của người dân đủ mọi thành phần, tầng lớp đi bộ trên cây cầu. Họ đến với mong muốn được thưởng thức những chương trình, hoạt động nghệ thuật mà ban tổ chức Festival đã công bố từ khá lâu trên các phương tiện thông tin đại chúng.




Cầu Long Biên trong ngày hội.


Kịch bản chương trình có những hoạt động khá độc đáo, lần đầu tiên diễn ra trên cây cầu lịch sử, như sự xuất hiện của toa tàu cổ (đầu tàu hơi nước từ những năm 30 thế kỷ trước) chở quan khách và người dân từ bên kia Gia Lâm về ga Long Biên về phía Hà Nội, hoặc triển lãm hơn 100 tác phẩm sơn dầu khổ lớn dọc hai bên cầu như một gallery nghệ thuật, hay trưng bày những bài thơ, câu thơ hay về Hà Nội dọc lan can cầu.


Những màn thả bóng bay, tái diễn cảnh bộ đội về tiếp quản thủ đô trong ngày giải phóng cách đây đúng 55 năm, thả 100 con diều sáo của đồng bằng Bắc Bộ ở bãi giữa sông Hồng ngay dưới chân cầu không chỉ gợi lại một quá khứ đau thương và hào hùng mà còn mô tả một cuộc sống bình yên của hiện tại, đã gây nhiều xúc động cho người tham dự.




Các cô gái và chàng trai tái hiện hình ảnh
Bộ đội về tiếp quản Thủ đô 55 năm trước.




Trong dòng người đi bộ lên cầu, có rất nhiều cựu chiến binh. Bác Nguyễn Xuân Việt, 79 tuổi ở phường Phúc Xá, vốn là chiến sĩ trung đoàn Thăng Long về tiếp quản thủ đô Hà Nội năm 1954 nghẹn ngào xúc động. Tuổi thơ bác lớn lên ở bãi sông này, gắn bó cả cuộc đời buồn vui với cây cầu, từng chứng kiến người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, từng nhìn thấy cầu bị đánh sập trong chiến tranh… Và bao nhiêu năm tháng hoà bình, cây cầu vẫn lặng lẽ như thế, nó là một phần không thể thiếu trong ký ức, cuộc sống của bác.


“Hôm nay lần đầu tiên tôi thấy cây cầu trở nên lộng lẫy, bao nhiêu người hoà trên cây cầu này cũng như có mặt trong cuộc sống của tôi, tôi không biết gọi cảm giác này là gì, chỉ thấy run lên. Tôi chưa bao giờ nghĩ đời mình sẽ có cơ hội chứng kiến một cái lễ hội như thế này trên cây cầu”- bác nói.


Đối với những người già thì là vậy, họ không thích tham dự vào những nghi lễ của quan khách, mà lặng lẽ đi dọc cầu, tự do trở về ký ức, hồi tưởng lại quá khứ. Không quá quan tâm nhiều những bức tranh, những hoạt động trình diễn, họ bước đi trên cầu, đếm từng nhịp dẫn, sờ từng chiếc đinh tán… Còn đối với thế hệ trẻ, xông xênh áo váy, tay trong tay họ bước lên cầu, chụp ảnh cho nhau, và cũng là dịp để họ hình dung quá khứ của cha ông.




Những cựu chiến binh viết lên cảm tưởng của mình.


Có lẽ phải cần rất nhiều giấy mực, và cũng sẽ không thể nào ghi lại hết những cảm xúc, những hồi tưởng, những ký ức của mọi người, mà trong đó dám chắc bao chứa nhiều phần lịch sử, của Hà Nội, của đất nước. Cũng không chỉ là lịch sử, trong những câu chuyện mà người đi trên cầu, có thể nói ra viết ra, cũng có thể chỉ mới là ý nghĩ, còn cả một phần văn hóa, ẩn chứa và lẩn khuất đâu đó, mà hôm nay, trong một ngày mùa thu rất đẹp, có thể chỉ cần đi và cảm nhận.




Bác Nguyễn Xuân Việt và những hồi tưởng của mình.


Vậy nên đối với rất nhiều người, đặc biệt là thế hệ những người từng sống, xây dựng và chiến đấu trên cây cầu, festival này là một cái cớ hiếm hoi để họ bước trở về ký ức…


Nếu chỉ nghĩ như thế, thì Festival nghệ thuật Cầu Long Biên đã phần nào thành công.


Và những băn khoăn về lễ hội cộng đồng


Tuy nhiên, bởi vì đây cũng là lần đầu tiên tổ chức, một festival nghệ thuật mang tính cộng đồng quy mô, có thể nói là chưa từng có ở Hà Nội, nên cũng đã gặp nhiều những tình huống và khó khăn mà không chỉ ban tổ chức, mà chính cả những người dân tham dự phải đối mặt.




Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội:
“Con người và nghệ thuật sẽ làm nên sức sống của cây cầu”.


Dự trù ban đầu về kinh phí tổ chức khoảng một triệu USD, bà Nguyễn Nga đã hy vọng tìm được tài trợ để thực hiện ý tưởng vô cùng “hoành tráng” của mình là biến cây cầu Long Biên thành một bảo tàng nghệ thuật sống, thành tuyến đường đi bộ vì nghệ thuật và tình yêu Hà Nội mà bà đã từng thấy đâu đó ở nước ngoài.


Mất rất nhiều thời gian và công sức, cuối cùng bà Nga nhận thấy rằng, không thể xin tài trợ để làm nghệ thuật thuần tuý. Những hợp đồng dự án tài trợ cho Festival đều bị đổ bể, bởi không tìm thấy tiếng nói chung giữa những doanh nghiệp tài trợ và người tổ chức.Vậy nên, hôm nay trên các pano, áp phích, những hình ảnh của Festival nghệ thuật Cầu Long Biên hầu như không có logo của nhà tài trợ. Nhưng cũng chính vì vậy, rất nhiều phần trong ý tưởng ban đầu của bà Nguyễn Nga cũng không thực hiện được. Và những người theo dõi dự án nghệ thuật hoành tráng này từ đầu có thể sẽ thất vọng.


Phần trưng bày khá sơ sài, các hoạt động lẻ tẻ và cũng không khác mấy những lễ hội gần đây được tổ chức ở bất cứ nơi nào, đặc biệt công tác an ninh hai bên thành cầu và kể cả vệ sinh cũng chưa được bảo đảm. Những hàng ăn uống trên cầu được mô phỏng quá khứ và văn hóa rất cầu kỳ, nhưng người mua người bán lại luôn “tiện tay” hắt rác xuống sông.


Ngay đầu cầu, người dân chen nhau trèo qua lan can vào giữa khu vực đường sắt vẫn thỉnh thoảng có tàu đi lại, nhưng không có lực lượng vệ nào canh gác. Và trên những tấm vải ban tổ chức căng lên dọc hai lan can cầu để cho người tham dự ghi cảm tưởng, có khá nhiều câu chữ thuộc loại “vẽ bậy”.


Một nhà điêu khắc nổi tiếng (xin được giấu tên) từ nước ngoài về tham dự festival này cho biết, ông vừa vui vừa buồn, vui vì có dịp trở lại, buồn vì công tác tổ chức không được như mong muốn.


Tuy vậy, bà Nguyễn Nga cho rằng “Lễ hội cộng đồng cũng phản ánh chính trình độ văn hóa xã hội, ý thức của người dân. Cần có cả một quá trình lâu dài để hình thành nên điều đó. Đây là lần đầu tiên một festival nghệ thuật cộng đồng tổ chức ở đây, với một không gian hoàn toàn mở, diễn ra trên suốt chiều dài của cây cầu, người dân tự do tham dự, và họ đóng vai trò là chủ thể, một yếu tố cấu thành sự kiện. Chúng tôi không thể ngăn cản họ bằng cách khép kín trong một cái sân khấu. Làm được festival này, tôi chỉ là người tạo ra cái cớ, để mọi người bước lên cầu, có mặt ở đây ngày hôm nay. Câu chuyện tiếp theo diễn ra như thế nào, tuỳ thuộc vào ứng xử của người dân. Nhưng chúng ta không thể vì lo sợ những tình huống xấu mà không làm”.


Mơ ước về một cây cầu đi bộ, một bảo tàng sống về nghệ thuật, cây cầu không chỉ là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, mà là một lưu dấu lịch sử, một điểm đến của du lịch, của văn hóa… của bà Nguyễn Nga (và của rất nhiều người nữa) có lẽ còn cần rất nhiều thời gian nữa để trở thành hiện thực.


Nhưng, Festival nghệ thuật Cầu Long Biên ngày hôm nay, có thể coi như là một nhịp dẫn, nối kết những câu chuyện, những ký ức, những mong muốn và ước mơ, vì một tình yêu với Hà Nội có trong mỗi người.




Đông đảo người dân và du khách đi bộ lên cầu.




Đôi bạn trẻ tranh thủ lên cầu chụp ảnh từ sáng sớm.




Trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trên cầu.




Những câu thơ treo hai bên lan can cầu.




Cờ các nước và biểu tượng hòa bình được cắm trên hai nhịp dẫn
bị đánh sập bởi bom đạn chiến tranh.




“Tôi yêu Hà Nội”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *