KT & ĐS – Ông Thành ở quận 10 xây nhà to ba tấm, tầng nào cũng có bồn tắm bệ vệ trong toilet, nhưng “ba năm nay, mỗi năm tôi chưa hề xả đầy nước trong bồn được hai lần để thư giãn, thời gian có đâu mà chờ nước đầy, mà ngâm nga…!”, ông Thành thở dốc một lèo.
Ông Thành chỉ leo vào đứng trong bồn, lấy vòi sen mà tắm, bồn của ông loại không có đường gờ nổi ngang ở đáy nên chi “có lần trợt té hỏng cẳng trong bồn, may mà chưa gãy giò!”, ông Thành xác nhận.
Hỏi con ông Thành có thường sử dụng không, chúng bảo, “Mấy khi đâu bác, chờ lâu lắm, thôi đứng tắm đại cho xong; mà hao nước lắm, giá nước thuỷ cục còn đang lên nữa đó bác!”. Nếu đoán định trước được yêu cầu sử dụng trong bối cảnh thiếu hụt thời gian thư giãn thường khi, chắc ông Thành đã lắp đặt buồng tắm đứng. Như vậy, vừa rẻ vừa ít chiếm diện tích trong toilet hơn; hoặc thay vì đặt bốn bồn thì chỉ một thôi là đủ cho khi cần.
Nếu có sự toan tính trước lúc thi công về bố trí, xếp đặt các công năng sử dụng thích hợp với điều kiện hiện hữu của gia đình thì những bất trắc, phát sinh sẽ không hiện ra. Nhà ông Trần Công ở quận 4, một trệt, một gác, mặt bằng trệt chỉ vỏn vẹn 40m2, chiều ngang nhà 4m, chừa thềm làm nơi để xe trước nhà 6m2, cuối sau nhà, chắn ngang một khu vực cũng 6m2 làm nhà vệ sinh; còn lại 28m2 dành cho phòng khách và bếp núc.
Đến khi dọn về ở, sắp xếp mọi thứ trong cái không gian eo hẹp đó mà vẫn không biết đặt cái máy giặt vào đâu, bèn đưa nó vào… toilet, kê cao chân lên cho khỏi mục – “còn vị trí duy nhất đó thôi, chớ sao giờ!”, ông Công nói. Thực ra, nhà vệ sinh, diện tích trung bình chừng 4m2 là được, hội đủ bàn cầu, chỗ tắm đứng, lavabo – cả việc có thể thiết kế tủ kệ dưới lavabo này.
Giới chuyên ngành cho rằng, điều quan yếu không phải là tổ chức nhà vệ sinh cho thật to rộng với đủ mọi thiết bị hiện đại – mà có mấy khi dùng tới; chủ yếu là vừa đủ, tiện ích và hợp sở thích của gia chủ – người sống trong ngôi nhà ấy.
Có trường hợp thiết kế một phòng ngủ chính với phần vệ sinh nằm ngay trong phòng ngủ. Chiếc giường nằm xa nhìn ra một buồng tắm đứng nằm trên hồ nước có cây trồng quanh buồng tắm bằng kính trong suốt, sàn bằng gỗ ghép từng thanh song song, trên là mái kính lấy sáng tự nhiên. Gần đó, chỉ thêm hai thiết bị mỗi bên: một bàn cầu và một lavabo. Tổng thể trông như nhà tắm này nằm bên cây cầu ao.
Kiến trúc sư Trần Văn Phương nói, đơn giản đó là ý thích của gia chủ – người vẫn “thương nhớ những chiếc cầu ao”. Mọi sự hiện diện trong ngôi nhà đều cần đến sự đồng tình, đồng cảm của gia chủ, bởi chính họ sẽ cư trú ở đó chứ chẳng một ai khác. Người thiết kế chỉ dựa vào những ý tưởng mang tính cách tư riêng đó để tác tạo nên công trình cho có thẩm mỹ, có công năng hữu dụng, có sự hợp lý trong kiến trúc là đạt yêu cầu.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu cho rằng, một điều thường gặp phải là thiết kế một đường, gia chủ lại đi sắm thiết bị vệ sinh một nẻo – khi đó lắp đặt vào tréo ngoe, không tương hợp cả về thẩm mỹ lẫn kích thước. Do đó, cần phải được tính toán trước, xem diện tích cỡ nào, vị trí phòng vệ sinh ở đâu trong ngôi nhà; hướng cửa ra vào, cửa sổ, thông gió… ở đâu, khi đó mới định vị cho các thiết bị và cả kích cỡ của nó nữa.
Hoặc lắm khi gia chủ tự đi mua sắm, ôm về đủ các thiết bị, thứ gì cũng thích nhưng không gian nhà vệ sinh lại có hạn. Khi đó buộc phải trả bớt thiết bị vì không thể chèn ép, chất đầy mọi thứ vào như cái… nhà kho được; sự rối rắm nhiều lúc gây tác dụng ngược, biến nơi thư giãn thành chỗ… bực bội.
Bài: Nguyễn Tâm
Minh họa: Hồng Nguyên