Trang chủ » Trăm năm quy hoạch Hồ Tây qua ảnh

Trăm năm quy hoạch Hồ Tây qua ảnh

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Ngay từ đầu thế kỷ XX , người Pháp đã xây  nhiều công trình ở phía Nam Hồ Tây như: trường học, nơi ươm cây, vườn hoa, nhà xưởng, biệt thự… Năm 1923, kiến trúc sư Esnes Hebrad đến Hà Nội nhậm chức Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc.

Ảnh trái: Phương án Hebrrad. Ảnh phải: Đường Cổ Ngư mờ sương, chụp vào năm 1920-193.

Ít lâu sau, Hebrad đã vẽ quy hoạch vùng Hồ Tây: nhấn mạnh như một công viên khổng lồ, chia Hồ Tây thành hai hồ nhỏ hơn có vị trí quan trọng trong Hà Nội với ý đồ biến đây thành Thành phố vườn lớn nhất châu Á cùng thời.

Quy hoạch Hà nội công bố năm 1943 do kiến trúc sư Luis Georges Pineau  thực hiện. Trích đoạn Hồ Tây: khác với phương án chia thành 2 hồ nhỏ, phương án giữ nguyên trạng mặt nước, thảm cỏ và các làng xóm truyền thống – Ý tưởng "Thành phố vườn" vấn được nhấn mạnh với tính khả thi trong hoàn cảnh kinh tế – xã hội đương thời.

Ảnh trái: Ảnh chụp Hồ Tây từ trên máy bay “ Bà Già “  với hai cánh bằng vải. Có hàng chục bức ảnh ghép lại thành vùng Hồ Tây để vẽ bản đồ hiện trạng phục vụ lập sơ đồ quy hoạch năm 1943. Ảnh phải: Phương án Pineau

Năm 1959, phía Nam Hồ Tây được quy hoạch với các khối cơ quan trung ương, hình thành trung tâm chính trị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dự án này được khởi công đào móng tại khu Quần Ngựa vào đầu những năm 1960. Tuy nhiên, do chiến tranh nên việc thi công bị ngừng lại và không thực hiện tiếp.

 

Quy hoạch Nam Hồ Tây 1959

Năm 1991, bản nghiên cứu quy hoạch Hồ Tây của Viện Quy hoạch khẩn trương hoàn thành để bố trí không gian cho những khách sạn liên doanh (mọc lên nhanh chóng vào các năm sau đó).

Nhìn ảnh chụp từ máy bay năm 1977, đường Thanh Niên về cơ bản giữ nguyên như vậy từ những năm 1960.

Sau khi hàng vạn thanh niên Thủ đô lao động lao động xã hội chủ nghĩa đắp mở rộng con đường Cổ Ngư xưa, đường được lấy tên mới là đường Thanh Niên.

Nhà thuyền chơi thể thao nhỏ nhắn tao nhã bị thế chỗ bởi khách sạn cao tầng  "ngạo nghễ". Quán bánh tôm chỉ là quán bằng gỗ ngỏ lợp tôn nép dưới tán cây, không bừng bừng khí thế ăn uống như bây giờ.

Ảnh trái: quy hoạch Hồ Tây năm 1961 ,  Ảnh phải: Hồ Tây nhìn từ  trên máy bay (năm 1977)

Theo bản vẽ "Chùa Trấn Quốc" của KTS Louis Bezacier -Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) thực hiện đầu thế kỷ 20, chùa Trấn Quốc giữ nguyên hiện trạng trong thời gian dài.

Còn trong quy hoạch Hồ Tây công bố năm 2004, nhiều màu xanh công viên, thảm cỏ nay đã biến mất để thành nhà ở …..  Hiện giờ, chỉ có các khu vực biệt thự là có nhiều thảm cỏ, cây xanh.

 

Ảnh trái: bản vẽ ghi đầu thế kỷ 20. Ảnh phải: bản vẽ công bố đầu thế kỷ 21

Ảnh chụp bức pa-nô công bố quy hoạch đường kè Hồ Tây năm 2009. Bản vẽ quá sơ lược khiến những người chuyên môn cũng không có được nhiều thông tin.

 

Ảnh trái: quy hoạch của Hồ năm 2004. Ảnh phải: biệt thự ven hồ

Tháng 3/2008, một "nhà thuyền" đang thi công nhờ “Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa “của Sở Giao thông công chính .Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cấp “Giấy chứng nhận duyệt thiết kế hoán cải”. Nhờ dư luận lên tiếng và quyết tâm của các cấp chính quyền, các nhà thuyền từ chỗ neo đậu hai bên đường Thanh Niên nay đã dạt vào hai góc hồ: nơi xa nhất vài chục mét, nơi gần nhất là mấy bước chân .

 

Ảnh trái: Nhà nổi đang thi công và đã đình chỉ tháng 3/2008. Ảnh phải: Nhà thuyền  để dạt vào góc hồ cách đó mấy bước chân.

Tháng 9/2009, Hồ Tây chưa hết bị quây bởi hàng loạt nhà nổi, cầu nổi, sàn nổi thì lại đứng trước nguy cơ bị vây kín bởi màn hình khồng lồ. Điều đó cho thấy, có rất nhiều cách để làm xấu Hồ Tây trong khi các biện pháp xử lý tình thế có kết quả hạn chế. Năm 2006, nhà máy xử lý nước thải trị giá gần 4 triệu USD, công suất 2.300m3/ngày đêm được đưa vào hoạt động. Ảnh chụp mặt hồ đầy rác bên ngoài nhà máy làm ta hoài nghi về sự cần thiết của nó tại đây.

 

Ảnh trái: Rác thải bên ngoài nhà máy xử lý nước thải 4 triệu USD .
Ảnh phải: Tấm biển “chung tay góp sức xây dựng thủ đô Hà nội –trái tim của cả nước.

Tấm biển “chung tay góp sức xây dựng Hà Nội …” thật ít tác dụng. Hồ Tây đang cần một cách tiếp cận mới, khác hẳn những phương cách không đem lại hiệu quả như vậy.

Ngày 16/6/2009, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo công tác quản lý đô thị trong đó lưu ý "kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, san lấp ao hồ trên địa bàn…. Trong quá trình xây dựng các đồ án quy hoạch mới, cần đặc biệt quan tâm, giữ gìn, có phương án cải tạo các hồ, ao để tạo cảnh quan đẹp cho thành phố".

Nên chăng, việc quy hoạch Hồ Tây và Trúc Bạch sẽ tiến hành theo cách: tổ chức thi tuyển các phương án với sự tham gia rộng rãi của các thành phần khác nhau? Phương án đoạt giải sẽ công bố công khai để tất cả những ai "thương quý" Hồ Tây, Trúc Bạch và yêu mến Hà Nội sẽ cùng với các cơ quan bảo vệ hai hồ mãi mãi xanh-sạch … Thiết nghĩ, ấy cũng là những việc làm thiết thực để “chung tay góp sức xây dựng thủ đô Hà Nội –trái tim của cả nước".

Bản quy hoạch Hồ Tây sắp được nghiên cứu là rất cần thiết – cũng như các bản quy hoạch đã từng có trong lịch sử. Nhưng, bản QH lần này rất được kỳ vọng sẽ thực hiện một cách hiệu quả, chất lượng vì đây thực sự là cơ sở hình thành bộ "quy tắc ứng xử nghiêm túc" có đủ-năng-lực để bảo vệ Hồ Tây.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.