Kiến trúc đô thị được tác thành bởi nhiều yếu tố và sau rất nhiều cố gắng của những người đã có công tạo ra nó, kiến trúc đã thuộc về người được thụ hưởng, gìn giữ và sử dụng nó. Nói đến văn hóa kiến trúc trong đô thị, không thể không nói đến một vấn đề vô cùng quan trọng đó là công việc giữ gìn cho kiến trúc được tốt và được đẹp mãi. Ðiều này đòi hỏi rất nhiều đến ý thức sử dụng kiến trúc của mọi người, trong từng ngôi nhà và trên các đường phố.
Kiến trúc cũng giống như con người, nó có khai sinh và có chân dung, có ngày, đêm và cả một cuộc đời. Người ta ngắm vuốt nó từ lúc còn là bản vẽ. Người ta khắt khe với nhau từng phân tấc về độ nhô, độ lùi của nó. Tốn kém và mất công lắm nó mới được phê duyệt. Ðấy là chưa nói, người ta còn phải tổ chức thi, thi nhiều vòng để tìm ra nó, người thiết kế nó phải bảo vệ trước những hội đồng toàn là những chuyên gia hàng đầu về kiến trúc, những công trình xấu khó mà lọt qua mắt các vị đó được. ở những hội nghị này người ta giảng cho nhau về cái đẹp, về sự hợp lý với khí hậu của nước mình, kể cả những vấn đề về phong thủy và văn hóa dân tộc… Ðúng, tất cả đều nỗ lực mong muốn có được những công trình kiến trúc làm đẹp thêm cho cảnh quan đô thị. Ấy thế mà chỉ sau vài tháng, bao nhiêu sự khắt khe của những người tác thành nên công trình kiến trúc đã chẳng còn ý nghĩa gì. trên bộ mặt của nó, người ta đã thêm đủ thứ, dưới dạng treo buộc, bưng đậy, bịt kín. Có vẻ là một hình thức tạm thời, nên không sợ bị phạm luật, không sợ bị ai ngăn cấm. Có ngôi nhà, đội trên đầu nó cả chục cái két nước bằng Inox để quảng cáo. Toàn cảnh đường phố có vẻ rất dân chủ, phóng túng và dễ dãi. Không biết đâu là bộ mặt giả, bộ mặt thật của kiến trúc ngôi nhà. Chẳng có ở đâu cảnh quan đô thị với những công trình kiến trúc mà bộ mặt của nó lại tùy tiện, lại ngây ngô nhốn nháo một cách kỳ dị như ở các thành phố của nước ta, các thành phố lớn, cảnh lạ lùng càng nhiều. ở đâu cũng thấy sự thêm bớt tạm bợ. Một trong những quan niệm tạm bợ đến khó hiểu là việc tùy tiện treo biển hiệu, quảng cáo trên mặt chính của kiến trúc, với một mật độ dày đặc không thể chấp nhận được.
Các tuyến phố không phải là hình ảnh của những ngôi nhà mà là một tập hợp các biển hiệu, quảng cáo quá cỡ đua chen muôn hình vạn dạng. Nó giống như một cái chợ khổng lồ, ngẫu nhiên trưng bày đồ họa. Kiến trúc còn lại một chức năng duy nhất là cái khung để đỡ các tấm biển quảng cáo này. Một sự thật, ai cũng có vẻ như hiểu rằng, quảng cáo chỉ là tạm thời, nên mặt tiền của ngôi nhà cùng các cửa tạm một thời gian bị bịt lại cũng được. trong nhà không cần nhìn ra bên ngoài, không cần có ánh sáng chiếu vào, không thông thoáng được cũng chỉ là tạm thời thôi! … Có lẽ đây là một quan niệm mới về kiến trúc? Bất chợt, tôi nghi ngờ khả năng nhận thức của mình! Lúc này, câu chuyện của mấy ông giáo trong Nhà trường trở thành buồn cười và ngớ ngẩn, khi phải mang đủ thứ lý thuyết để bắt bẻ học trò về tạo dáng Kiến trúc, về phân tích cái đẹp của tỷ lệ mặt đứng công trình. Rồi còn hăng hái hơn một loạt những lý sự về thông gió, chiếu sáng, còn cao siêu hơn cả đến những vấn đề về ngôn ngữ biểu hiện, về triết lý hình thức và nội dung… Cao siêu hơn nữa là những hội thảo của giới Kiến trúc sư cả nước, toàn xét đến những vấn đề học thuật ở những giá trị sâu sắc của nghề nghiệp. Ðặc biệt là dưới sự chủ trì của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thì nội dung của các cuộc hội thảo còn căng thẳng hơn nhiều vì toàn xét tới những vấn đề của bản sắc dân tộc, của xứ sở vùng miền… trong khi đó, hàng trăm nẻo đường, hàng ngàn con phố trên khắp đất nước ta vẫn được phát triển theo một “lý thuyết riêng” của nó. Ðã không biết bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu công sức cho câu chuyện hàng ngày về bảo tồn khu phố cổ – bảo tồn những giá trị ngẫu nhiên của một thời đô thị. trong khi đó, chúng ta lại đang có một ngẫu nhiên nữa mà mọi người dường như cũng đã quen rồi thì phải. Hàng ngày trên các đường phố, dòng người cứ cuồn cuộn trôi để đến những nơi chốn mà họ phải đến. Có lẽ cũng chẳng mấy khi phải suy ngẫm về bộ mặt của những ngôi nhà ở xung quanh họ… Âu cũng là chuyện bình thường, vì hình như nó phải thế là hợp lý. Song có biết đâu, trong khi mọi người không có thì giờ để ngắm nhìn đường phố của mình, thì những người khách nước ngoài lại có rất nhiều thì giờ để ngắm nhìn đường phố của chúng ta. Ðương nhiên là họ phải ngắm nhìn thật kỹ rồi, có như vậy họ mới thấy hết được nét văn hóa ở xứ ta. Họ cũng phải chụp ảnh thật nhiều, vì họ mất tiền để đi du lịch. Tôi phải thừa nhận rằng, mình là người theo chủ nghĩa tôn trọng quy luật, tôn trọng nguồn gốc của xuất xứ. Cái gì tất yếu phải thế thì nên tôn trọng nó, tuy nhiên tôi cũng không thể nào chấp nhận được cái tự nhiên phát triển của kiểu đô thị không có hình ảnh kiến trúc công trình. Một loại cảnh quan đô thị với những kiến trúc không có cửa, không có mái. Một kiểu đô thị, đường phố với những bộ mặt tạm không có giới hạn thời gian. Một kiểu đô thị dễ dãi, phóng túng quá mức dường như không có luật định. Một kiểu đô thị mà bộ mặt kiến trúc hàng ngày của nó, đã nói lên sự quản lý thiếu công bằng giữa đồ án kiến trúc và quá trình sử dụng kiến trúc. Ðời một ngôi nhà và một đời người được bao lâu? trong khi cái khái niệm tạm thời kia đã kéo dài hơn cả chục năm. Một người bạn Kiến trúc sư, do bận đã không kịp chụp bức ảnh công trình do mình thiết kế hôm khánh thành. Anh nói với tôi: “đã chờ hơn 8 năm nay, tôi chưa được nhìn lại bộ mặt thật của nó”. Ðâu có phải ở phương Tây, ở nước Mỹ… người ta thiết kế giỏi hơn mình nhiều lắm, thế nhưng đô thị của người ta rất dễ chịu, sạch sẽ và đẹp. Có lẽ không phải những đất nước này, luật lệ quy định về cách thức quảng cáo, khắt khe hơn ở nước ta. Mà đây là cả một vấn đề về nhận thức cái đẹp. Có lẽ sự khác nhau là ở chỗ, người chủ của các công trình kiến trúc có kiểm soát được hành vi làm đẹp cho ngôi nhà của mình hay không? Hiện tượng đã đến mức báo động này, cho thấy chẳng những chủ nhân của các ngôi nhà đã không có ở trong họ thái độ trân trọng cái đẹp của không gian kiến trúc. Không có được ý thức để hiểu rằng, mọi hành vi tạm thời của ngôi nhà mình đã làm giảm đi giá trị văn hóa của cả tuyến phố đó, của không gian đô thị đó. Cả một tuyến phố, nhà nào cũng là một bộ mặt tạm và tạm kéo dài, khác gì bộ mặt giả chính lại là bộ mặt thật. Hàng ngày chúng ta phải sống và ngắm nhìn đô thị của chúng ta là như thế? Biết bao giờ mới thay đổi được quan niệm này, biết bao giờ chúng ta có được ý thức kể cả khi ngôi nhà đã cũ cũng phải gọn gàng sạch sẽ, ông cha ta có câu “đói cho sạch, rách cho thơm”, và “tốt đẹp thì phô ra, xấu xa thì đậy lại”. Mong sao mọi người sống trong đô thị luôn có ý thức rằng, cho dù thành phố của chúng ta đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, phải xây dựng, nâng cấp sửa chữa nhiều, nhưng phải trên nguyên tắc, làm đâu sạch đấy! “Sạch”, trong một chừng mực nào đó, đã là khái niệm đẹp rồi. Những công trình đã xây dựng, cho dù kiến trúc theo phong cách nào thì nó cũng biểu hiện một sự nghiêm túc của nó, một kết quả lao động kiến trúc của nhà chuyên môn đó. Cốt sao đô thị không thể là hình ảnh của một sự luộm thuộm, một sự bệ rạc nghèo hèn (ví như những chỗ bưng, đậy, vá víu, treo buộc, rách mục… một cách tùy tiện, vô ý thức) sẽ không còn gì để nói tới văn hóa đô thị! Thói quen ứng xử với kiến trúc theo kiểu bản năng ở các đô thị lớn đã đến lúc phải rất thận trọng. Mọi việc sẽ không dễ dàng như những việc nhỏ trong gia đình. Người Việt ta có vẻ như được khen là chăm chỉ, nên việc gì cũng nghĩ là có thể tự làm lấy được. trong nếp suy nghĩ của người dân một đô thị văn minh, những ứng xử mang tính chuyên nghiệp luôn được coi trọng. Kiến trúc là lĩnh vực rất cần ý thức ứng xử chuyên nghiệp. Hãy tập làm quen với việc khi không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, phải nghĩ ngay đến những nhà tư vấn, trợ giúp. Hãy bớt đi cái kiểu “Bố muốn thì con làm, Thủ trưởng bảo thì nhân viên thực hiện” mà không cần đến bất cứ một nhà chuyên môn nào. Hình ảnh của một đô thị văn minh, các công trình Kiến trúc không thể là kết quả của những sản phẩm nghiệp dư được. pGS Tôn Ðại đã đặt cho kiến trúc đường phố của chúng ta một cái tên khá đặc sắc, đó là loại “kiến trúc dân gian mới”. Từ nay đến 2020, nếu vẫn là những hình ảnh này thì làm sao có thể tự hào là một đất nước công nghiệp được. Một đồng chí lãnh đạo của nước ta, khi đi thăm Nhật Bản về, đã nói trên báo rằng: “Tôi đi đến đâu, Kiến trúc nhà dân của người Nhật cũng thấy có một hình ảnh giống nhau”. Tôi hiểu điều nhận xét này, vì tôi cũng đã chứng kiến như vậy. Không phải sự giống nhau như thiết kế điển hình, các ngôi nhà vẫn có kiểu dáng khác nhau, cao thấp khác nhau, song tất cả đều sống hòa thuận bên nhau. Ðó chính là văn hóa, về một sự ngăn nắp và không tùy tiện, kể cả chất liệu và màu sắc. Và tôi cũng hiểu rằng, nhận xét trên có được, bởi kiến trúc đó đã tạo nên một ấn tượng đối với ai đó đã nhìn thấy nó. Nói như thế không có nghĩa là kiến trúc đường phố của chúng ta không có ấn tượng, phải nói rằng cũng rất ấn tượng, duy chỉ có điều khác nhau giữa ấn tượng có văn hóa và ấn tượng thiếu văn hóa mà thôi. Tôi mơ ước tới một ngày nào đó được đi dọc các con phố, ngắm nhìn mặt đứng của từng ngôi nhà, xem xét từng chi tiết kiến trúc của các Kiến trúc sư để thấy được cũng không ít những lao động nghề nghiệp của họ. Xem xét những người chủ nâng niu, trân trọng và giữ gìn theo thời gian ngôi nhà của mình. Sẽ hạnh phúc biết bao, khi trong mình không còn cái cảm giác thật giả lẫn lộn. |