Vì sao Công ty Duyên Hải thua lỗ nặng ?

Công ty Duyên Hải thuê 777 ha đất ven biển ở thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) trong nhiều năm qua, rồi để hoang phí, trong khi hàng trăm hộ dân nghèo không đất hoặc thiếu đất sản xuất…

Sau gần 15 năm “hợp tác làm ăn”, Công ty Duyên Hải sản xuất bị thua lỗ hơn 111 tỷ đồng, mất khả năng tiếp tục sản xuất; địa phương không thu được đồng thuế nào, lòng tin của người dân đối với chính quyền địa phương bị giảm sút…

Thua lỗ mà vẫn được thuê thêm đất

Công ty Duyên Hải được UBND tỉnh Minh Hải (cũ) cấp phép đầu tư ngày 16-9-1994, với vốn đăng ký đầu tư 4 triệu 116 nghìn USD, thời gian hoạt động 25 năm, 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chức năng hoạt động theo giấy phép này là sản xuất tôm thẻ giống và nuôi tôm sú, tôm thẻ. trong quá trình triển khai dự án, công ty đã điều chỉnh giấy phép sáu lần, thời gian hoạt động cũng tăng lên 50 năm với tổng số vốn đăng ký 10 triệu 464 nghìn 816 USD. Ðây là dự án nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp lớn nhất khu vực ÐBSCL và được chính quyền địa phương xem là một thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, từ ngày hoạt động đến nay, công ty này liên tiếp thua lỗ. Theo số liệu báo cáo mới đây của Ðoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu, từ khi được thành lập đến nay, Công ty Duyên Hải bị thua lỗ hơn 111 tỷ đồng (lấy số tròn). Cụ thể, lỗ từ năm 1999 về trước hơn 13 tỷ đồng; lỗ từ năm 1999 đến 2003 là 49 tỷ đồng; lỗ từ năm 2004 đến 2007 gần 49 tỷ đồng… Công ty Duyên Hải liên tục thua lỗ nhưng không hiểu sao vẫn được chính quyền địa phương liên tục “ưu ái” cho thuê thêm đất. Cụ thể, ngày 7-5-1998, UBND tỉnh Bạc Liêu cho phép công ty mở rộng 218,35 ha; đến ngày 30-5-2000 tiếp tục cho phép công ty này mở rộng thêm 46,81 ha. Chưa hết, sau đó họ lại xin thuê thêm 509,784 ha. Ðiều đáng nói là toàn bộ diện tích hơn 509 ha này thuộc dự án di dân, hầu hết đã được cấp cho dân nghèo. Khi chính quyền địa phương giao đất cho công ty, hàng trăm người dân nghèo bị mất đất, rơi vào cảnh túng quẫn. trong khi đó, công ty không đưa vào sản xuất mà cứ để trống.

Theo khảo sát của Ðoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu mới đây, chỉ tính riêng trong năm 2008, diện tích đất công ty không đưa vào sản xuất là 290 ha; số diện tích còn lại (hơn 480 ha) công ty nuôi tôm cầm chừng với năng suất 130 kg/ha/vụ ngang bằng với các mô hình nuôi quảng canh (thả thưa) trong tỉnh. Giám đốc Công ty Duyên Hải Nguyễn trí Thức thừa nhận với chúng tôi: “Diện tích nuôi tôm rất ít, các ao có nước chủ yếu để nuôi cá hoang cải thiện đời sống của công nhân”. Giải thích với thuật ngữ cá hoang, ông Thức nói: “Là cá tự nhiên sinh ra từ đất, không phải bỏ con giống gì cả”.

Mất khả năng sản xuất

Ngày 10-2-2009, Chủ tịch UBND và đại diện các sở, ngành của tỉnh Bạc Liêu đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc Công ty Duyên Hải trần Kia (Việt kiều Mỹ, quê gốc Bạc Liêu). Ông trần Kia chính thức cho biết: Công ty mất khả năng về tài chính và không còn điều kiện để tiếp tục thả nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp tại diện tích 777 ha đất mà công ty này được chính quyền địa phương cho thuê để nuôi trồng thủy sản. Ðồng thời cho biết, Công ty Duyên Hải sẽ hợp tác với một công ty của Anh sản xuất trên toàn bộ 777 ha đất nêu trên. Một ngày sau đó (ngày 11-2-2009) cũng dưới sự chứng kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Anh Lộc, Tổng giám đốc Công ty Duyên Hải trần Kia đã ký thỏa thuận hợp tác cho Công ty Amanda foods ptc Ltd thuộc Tập đoàn prudential (Anh) thuê lại toàn bộ 777 ha đất ven biển để đầu tư phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng. Sự kiện này đánh dấu thất bại trong việc đầu tư nuôi tôm suốt 15 năm của Công ty Duyên Hải tại vùng đất ven biển Bạc Liêu.

Có thể nói, Công ty Duyên Hải – từ một đơn vị có một thời được  xem là “điểm sáng” trong việc nuôi trồng thủy sản, nay trở thành một con nợ lớn. Chúng tôi đã gặp và hỏi chuyện Tổng giám đốc Công ty Duyên Hải trần Kia về nguyên nhân dẫn đến sự thất bại nặng nề và liên tiếp của công ty trong việc nuôi tôm công nghiệp tại Bạc Liêu. Ông trần Kia thừa nhận: “Từ năm 1994 đến nay, chúng tôi đã đầu tư vào đây (hơn 777 ha đất nuôi tôm) hơn 200 tỷ đồng và cho đến nay hầu như bị mất trắng. Hiện chỉ còn tài sản cố định gồm một số máy móc, nhà xưởng cũ kỹ, hoang phế. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu kiểm tra, đôn đốc; do chiến lược đầu tư làm ăn không đúng, không thực tế… nên hậu quả là càng đầu tư vốn càng thua lỗ đậm…”.

Bài học đắt giá…

Vụ cho thuê 777 ha đất ven biển ở Bạc Liêu thất bại về nhiều mặt. Cụ thể, Công ty Duyên Hải thì bị thua lỗ đậm, không còn khả năng tiếp tục sản xuất, buộc phải tìm cách cho công ty khác thuê lại. Ðịa phương 15 năm qua không thu được đồng thuế nào, vì Công ty Duyên Hải trong giai đoạn được ưu đãi và do công ty này hoạt động không hiệu quả. Ðáng lưu ý, do chính quyền địa phương thu hồi đất ở, đất sản xuất của hàng trăm hộ dân từ nhiều năm sống tại vùng biển này cho Công ty Duyên Hải thuê dài hạn, đã khiến nhiều gia đình mất đất ở, đất sản xuất. Hậu quả là tại khu vực ven biển thị xã Bạc Liêu có nhiều người dân không đất, hoặc thiếu đất sản xuất, trong khi Công ty Duyên Hải “ôm” hơn 770 ha đất rồi để hoang, gây bức xúc trong nhân dân…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *