Hai năm trước
Đó là dấu mốc thời gian đầu tiên, tôi buộc mình thực hiện trách nhiệm công dân
với Đà Lạt bằng việc chụp ảnh, ghi chép, lưu trữ toàn bộ quỹ kiến trúc biệt thự
của thành phố sau khi đã tập hợp hình ảnh, tư liệu của gần 500 biệt thự Bắc –
trung – Nam. 15 năm trước, lần đầu tiên lên Đà Lạt tôi bị hút hồn bởi núi cao,
thông ngàn và bảng lảng sương sớm hồ Xuân Hương. Nhưng đến lúc này tôi hiểu thêm
rằng chỉ cần tàn tạ một dáng biệt thự thì núi cao kia, thông ngàn nọ, sương sớm
ấy cũng trở nên đơn độc lắm. Nói như KTS Hoàng Đạo Kính: Đà Lạt cho đến hôm nay
vẫn đang sở hữu một hệ thống tài nguyên: thiên nhiên, cảnh quan nhân văn, quỹ đô
thị, quỹ kiến trúc và văn hóa sống đô thị. Hễ một tài nguyên nào bị suy xuyển là
cái tổng thể trọn vẹn bị xộc xệch. Hễ các tài nguyên cùng bị xâm phạm là cái
tổng thể mệnh danh Đà Lạt tan vỡ.
Khi nghe tin các biệt thự trên phố trần Hưng Đạo sẽ được đấu thầu cải tạo và
kinh doanh, tôi cắm cúi ghi tư liệu không sót một mảng tường, một ô cửa, một lối
mòn, những bức tượng xấu mèm hay những phần công trình bị lấn chiếm… Tôi sung
sướng khi tưởng tượng ra một khung cảnh mới của biệt thự hồi sinh. trên nền các
kiến trúc thuộc địa, tôi sẽ vẫn nhận ra đâu là sự cẩn trọng, tỉ mỉ, khoa học và
đầy cảm xúc của một tác phẩm kiến trúc như những gì mình đã quan sát ở Ana
Mandara Nha trang hay Evason Hideaway Ninh Vân – những nơi cho tôi quyền tự hào
rằng đất nước mình đã có những kiến trúc, khu nghỉ cao cấp không thua kém nhiều
nước trong khu vực.
Vậy mà trong lần trở lại Đà Lạt mới đây, trên đường trần Hưng Đạo tôi vẫn là
một người vào thành phố, đếm từng bước buồn tênh – vẫn biết rằng khung cảnh
còn dang dở. Biệt thự 22, chỉ mới tạm hoàn tất lợp ngói. Biệt thự 14 chiếc cổng
thép đã được thay bằng cổng gỗ, tường đang cạo vôi vữa cũ, vài gốc thông bị đốn
nằm ngổn ngang. Biệt thự 35 bóc hết cửa cũ. Biệt thự 23 đang lắp khung cửa. Hai
bên vỉa hai vất vưởng những vạt hoa cẩm tú cầu….
|
Một thái độ ứng xử với quá khứ
May mắn thay, giấc mơ hai năm trước của tôi đã thành hiện thực trên đường Lê
Lai. Khu biệt thự Bellevue (nói theo cách của người pháp) hay khu biệt thự Lê
Lai, Lam Sơn (nói theo cách người Việt) nay đã trở thành Evason Ana Mandara Đà
Lạt.
|
Cũng như việc thi công ở Evason Hideaway Ninh Vân, thời gian cải tạo Evason Ana
Mandara Đà Lạt chỉ mất hơn 1 năm. Nếu cái khó ở Evason Hideaway Ninh Vân là sáng
tạo ra giá trị kiến trúc mới thì dấu ấn ở Evason Ana Mandara Đà Lạt là tôn
trọng, phục dựng, tái hiện một giá trị kiến trúc từng được khẳng định một cách
huy hoàng trong quá khứ.
Tôi thấy mình thấp bé trước dáng cao vút của tường hay lớp mái dốc đứng của
Villa số 5, 13, 15. Đó là lối kiến trúc Anglo – Normal mà hình khối công trình
được phân vị theo chiều đứng rất phổ biến ở miền bắc nước pháp. Thật không gì
thú vị hơn khi chiều xuống được đàm đạo cùng ai đó trên hàng hiên rộng của villa
số 11, xa xa trập trùng núi rừng cao nguyên. Các villa 7, 9, 11 thường có hình
khối kiến trúc phân vị theo chiều ngang, có sân, hiên rộng, có sảnh nhô ra rất
đặc trưng của kiến trúc miền nam nước pháp. Tôi đặc biệt thích dáng nắng trưa
trong vắt đổ bóng xuống lớp mái lớn, gọn mang dáng dấp kiến trúc miền tây bắc
nước pháp ở các biệt thự số 6, 8, 10. trong trang trí nội thất của Evason Ana
Mandara Đà Lạt, không thể bỏ qua các chi tiết gỗ. Từ sàn, tường, trần của tầng
áp mái đến những chiếc tủ, bộ bàn ghế đều được sưu tập hoặc giả cổ giống như
décor của gần 100 năm trước. trên khung cảnh xưa cũ đó điểm xuyết những chiếc
điện thoại cổ hiệu Louis Degeon, chiếc máy quay đĩa cổ hiệu Columbia như để đánh
thức rồi cộng hưởng những tiếng vọng hoài niệm. Thi thoảng sự chuyển động của
hai chiếc xe peugeots, Citroel cổ mang dáng dấp của những tuyệt phẩm điêu khắc
trên con đường lát đá cũng là vừa đủ khiến tôi xao động một ước mơ sống đời
vương giả.
|
Hai năm, hai con đường Lê Lai, trần Hưng Đạo đem lại cho tôi hai khung trời Đà
Lạt khác hẳn như vậy đó.
Và không chỉ với Đà Lạt. 20 năm
qua, trong số gần 500 biệt thự đó đây tôi đã làm tư liệu, tôi có chủ quan chăng,
khi cảm thấy hầu hết các biệt thự đó chưa gặp được chủ nhân đích thực?
|
Bài và ảnh: Xuân
Bình
(KTNĐ số 8-2007)