Kiến trúc xanh trong các khu dân cư

Thông thường, kiến trúc xanh hay kiến trúc bền vững tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của sử dụng nguồn lực gồm năng lượng, nước, vật liệu nhằm làm giảm ảnh hưởng của công trình xây dựng trong quá trình sử dụng tới sức khỏe con người và môi trường. Có 3 giải pháp chủ yếu: thứ nhất là sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các nguồn lực khác. Thứ hai là bảo vệ sức khỏe của con người và nâng cao hiệu quả hoạt động của con người. Thứ ba là giảm chất thải, khả năng gây ô nhiễm và tăng chất lượng môi trường.

Kiến trúc xanh tạo mối quan hệ bền vững giữa con người và môi trường dưới tác động của việc sử dụng các nguồn lực trong không gian sống cho nhu cầu cuộc sống. Các nguồn lực cần sử dụng là các loại vật chất con người cần dùng như một nhu cầu để bảo đảm cuộc sống có chất lượng ngày càng cao hơn, gồm công trình xây dựng, đất đai, nước, không khí, động – thực vật, vật liệu, năng lượng…

Thực tế, nhiều nước đều đang nghiên cứu để đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể của kiến trúc xanh. Các tổ chức quốc tế cũng đã nghiên cứu và hình thành được một số hệ thống chỉ số, tiêu chuẩn có liên quan tới mối quan hệ giữa công trình xây dựng với môi trường, biến đổi khí hậu như hệ thống chuẩn chung thực tiễn để đo các yếu tố môi trường liên quan tới các công trình xây dựng hay hệ thống chuẩn ISO/TS 21931:2006 về tính bền vững của công trình xây dựng thông qua đánh giá các yếu tố môi trường. trong kiến trúc xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các tài nguyên đất, nước, không khí cho xây dựng không gian ở đáp ứng được nhu cầu cao về chất lượng sống nhưng không gây tác hại cho môi trường và con người.

Đối với đất đai, lựa chọn vị trí địa hình phù hợp đóng vai trò quan trọng nhất. Đất cần có độ cao phù hợp để tránh ngập lụt. Tiếp theo, cần tiến hành đo đạc, khảo sát nhằm phát hiện khả năng môi trường bị ô nhiễm gây ra các tác động xấu đến sức khỏe con người do nguyên nhân tự nhiên (các loại khoáng sản, hợp chất có các tia phát xạ, thải ra khí hoặc nước có hạ cho con người) hay nhân tạo (các loại hóa chất độc hại, chất thải nguy hại để lại sau khi sử dụng trong công nghiệp hay hóa chất để lại sau chiến tranh). Cần nghiên cứu, xem xét cảnh quan địa lý của khu đất xem có phù hợp với địa thế phát triển, có không khí và nước lưu thông, có dáng đất bền vững phù hợp với những lợi thế của khoa học “phong thủy”.

Về tài nguyên nước, cần xem xét dưới 5 góc độ. Thứ nhất, tìm kiếm nguồn nước đủ cung cấp cho khu dân cư về cả khối lượng và chất lượng. Thứ hai là giải pháp thoát nước khả thi không làm ảnh hưởng tới môi trường. Thứ ba là khả năng tái sinh nước từ khối lượng con người đã sử dụng để tái sử dụng vào các mục đích phù hợp. Thứ tư là nước được xem như một yếu tố cảnh quan, một thành phần của hệ sinh thái, một điểm quan trọng về “phong thủy” cần xem xét. Và cuối cùng là nước tự nhiên còn đóng vai trò làm mát hoặc làm ấm lên không gian sống trong từng nhà ở. Hiện nay tại đa số các khu dân cư nước ta, người ta thường rất hay sử dụng giải pháp san lấp đất mặt nước để làm đất xây dựng (vì tiền bồi thường thấp). Điều này là nguyên nhân của mất nơi trữ nước khi bị ngập lụt và làm mất không gian mặt nước cần thiết cho môi trường. Nước thải sinh hoạt cũng đang “giết chết” các sông gần khu dân cư.

Tài nguyên không khí được đề cập trước hết bảo đảm chất lượng không khí, khả năng lưu thông gió tự nhiên vào nhà, đưa ánh sáng trời vào nhà. Thứ hai, cần đưa ra giải pháp tìm kiếm nguồn năng lượng tại chỗ từ tài nguyên không khí như điện từ pin mặt trời, điện từ sức gió nhằm giảm nhiều nhất nhu cầu cung cấp điện từ nguồn điện công nghiệp (hiện nay người ta phấn đấu giảm tới mức bằng “0”). Cuối cùng, gió được coi như một điểm quan trọng về “phong thủy” cần bố trí hướng sao cho có lợi cho sức khỏe cư dân.

Tài nguyên sinh học đang được xem xét vừa có tính truyền thống, vừa có những yếu tố hiện đại. trước hết, những không gian cây xanh cần thiết đang được xem xét như một chỉ tiêu quan trọng nhất về môi trường trong đô thị cũng như trong không gian ở. Việc đưa thiên nhiên vào không gian ở hay đưa không gian ở về gần thiên nhiên được áp dụng như một nguyên lý cơ bản của kiến trúc xanh. Gần đây, việc sử dụng các giải pháp sinh học trong xử lý chất thải môi trường, làm tăng chất lượng môi trường đang đạt những thành tựu quan trọng. Từ đó, có thể tạo ra những bước phát triển quan trọng trong kiến trúc xanh.

Đô thị mới phú Mỹ Hưng ở phía Nam Tp HCM đã đưa triết lý kiến trúc bền vững vào thực thi. trên 2.500 ha đầm lầy không có hiệu quả sử dụng đã được các nhà đầu tư cải tạo với tham vọng trở thành thành phố xanh cho 10 triệu cư dân với hạ tầng, cảnh quan, môi trường hướng theo tiêu chuẩn của kiến trúc xanh.

Ngày 28/8 tại Văn Giang (Hưng Yên giáp Hà Nội), Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng đã khởi công xây dựng khu Đô thị Thương mại và Du lịch Văn Giang (Ecopark) cũng theo triết lý của kiến trúc xanh. Đây là khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích gần 500 ha, với vị trí khá thuận lợi về độ cao, hướng gió, nguồn nước, chất lượng không khí và hệ thống cây xanh, kể cả các yếu tố phong thủy.

Hệ thống cây xanh nhiều chủng loại đã được sắp xếp có trật tự theo loại cây gắn với từng đường phố. Nhà ở được thiết kế để tận dụng tốt nhất nguồn nước tại chỗ, gió tự nhiên, ánh nắng mặt trời… Các giải pháp hợp lý để tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải sinh hoạt… vẫn đang được cải tiến. Ecopark hy vọng trở thành một mô hình đô thị đa chức năng, hiện đại để cư dân được hưởng mọi tiện ích của một đô thị đẳng cấp quốc tế, đủ điều kiện để trở thành trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ năng động, khu mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí hấp dẫn, khu văn hóa hướng tới giá trị cổ kính của Thăng Long (Hà Nội) và phố Hiến (Hưng Yên) với khẩu hiệu “Ecopark nhắm tới sự phát triển toàn diện cho con người”. Để đạt được những tiêu chí vì con người, Ecopark trước hết phải là một khu đô thị đạt tiêu chuẩn của kiến trúc xanh.

“Cuộc sống con người không bao giờ được tách khỏi thiên nhiên. triết lý sống phương Đông có một câu nói rất hay là Thân – Thổ bất nhị, tức là người và đất không thể là hai. Mối tác động qua lại giữa thiên nhiên và con người chính là việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên có lợi nhất cho nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của con người, bảo đảm không làm suy giảm chất lượng môi trường. Mối quan hệ này cần được xem xét khi thực hành về kiến trúc xanh”, ông Võ cho biết.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ
Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính, Đại học Quốc gia Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *