Các loại công nghệ xanh không chỉ tạo ra môi trường thân thiện, có lợi cho sức khoẻ con người mà còn là một ngành kinh tế mang lại lợi nhuận cao. Riêng tại Mỹ kể từ thập niên 90 ở thế kỷ trước lợi nhuận hàng năm trung bình tăng 30 đến 60% và mức chi phí đầu tư cho ngành này năm 2008 vừa qua tăng vọt tới 38% so với 2007 và hiện đang được coi là ngành kinh tế mũi nhọn được chính phủ quan tâm ưu tiên.
1. Bán gạch lát “tái sinh” Đây là sáng kiến của bà Lindsay Smith, 63 tuổi ở Fountain Valley, California, nhà môi trường kiêm nhà viết kịch bản phim nhưng lại rất quan tâm đến môi trường sinh thái. Ý tưởng kinh doanh gạch lát hè đường từ lốp xe tái chế được ra đời từ khi bà Lindsay Smith tình cờ đi qua một khu phố ở Los Angeles thấy công nhân chặt cây vì rễ của nó làm hỏng hè đường. Đây là việc làm bất đắc dĩ gây ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan của thành phố. Từ thực tế này bà Lindsay Smith đã quyết định đến gặp Richard Valeriano, người đã từng phát minh ra loại gạch mềm từ cao su tái sinh năm 1997 và quyết định kinh doanh mặt hàng trên. Ban đầu Lindsay tiến hành quảng cáo, tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham dự của các quan chức của 30 thành phố và sau hai tuần, công ty của Lindsay Smith đã bán được 55.000 USD tiền sản phẩm gạch cao su . Nhờ sáng kiến trên Lindsay Smith đã được Hội đồng quản lý môi trường California đã tài trợ khoản vốn không hoàn lại 250.000 USD và cũng nhờ sự thành công của Lindsay Smith mà đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp khác ra đời, riêng sản phẩm của Lindsay Smith đã có mặt ở 95 thành phố thuộc 25 bang của Mỹ. Tuổi thọ của gạch lát hè do Lindsay Smith cung ứng dài tới 16 năm so với 10 năm của những loại gạch truyền thống, nhưng quan trọng hơn là đi êm, không gây chấn thương khi ngã và không ảnh hưởng đến cây xanh trồng trên vỉa hè, tạo thêm nhiều công việc làm mới cho người lao động, tận dụng tối đa sản phẩm lốp thải và giảm thiểu sản phẩm gây ô nhiễm.
2. Bán máy tính “seconhand” Đầu những năm 80 ở thế kỷ trước giá máy tính cá nhân rất đắt, trung bình từ 1.500 USD cho tới 10.000 USD/chiếc nên tại Mỹ đã xuất hiện nhiều công ty cho thuê máy tính nhưng các doanh nghiệp này cũng chỉ trụ được vài năm và ngày nay khi giá máy tính rẻ thì việc kinh doanh, tái chế các loại máy tính được xem là mới mẻ. Một trong số những doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực trên là công ty Back Thru the Future của nữ giám đốc Melanie Haga, 48 tuổi ở Ogdensburg, New Jersey. Ban đầu Haga mua các loại máy tính cũ sau đó tận dụng những chi tiết dùng được bán lại cho các cơ sở sản xuất. phần tái chế được đưa đi để thu hồi kim loại và vật liệu nhựa. Ban đầu các cơ sở từ chối mua nhưng sau thấy có lợi , nhất là khi Hiệp hội tái chế chất thải điện tử (IAER) của Mỹ khuyến khích nên sản phẩm của Melanie Haga bán rất chạy và giờ đây đã trở nên độc quyền. Sau 14 năm theo đuổi nghề, đến nay mỗi năm công ty Back Thru the Future của Haga đã thu về trên 1 triệu USD tiền lời, chưa kể những giá trị làm lợi khác mang tính môi trường và xã hội.
3. Chuyên kinh doanh sợi “bền vững” Sợi “bền vững” ở đây là loại sợi “xanh” sản xuất từ đậu nành chứ không phải từ sợi hoá học hay từ gỗ và là sản phẩm chính của công ty Southwest trading Company do Jonelle Raffino, 43 ở Tempe, Arizona làm chủ. Việc kinh doanh loại sợi này cũng rất tình cờ sau khi Jonelle Raffino đọc sách phát hiện thấy nó có nhiều tính năng ưu việt. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công đoạn nhuộm và phơi, sản phẩm cuối cùng được đặt tên là SOYSILK và được bán trên mạng eBay. Chỉ sau 8 tháng được đưa ra giới thiệu, sản phẩm trên đã được khách hàng đón nhận, sau đó còn được xuất khẩu sang cả thị trường trung Quốc và châu Âu nơI xưa nay chỉ quen dùng lụa sản xuất từ sợi có gốc từ gỗ và sợi hoá học. Nhờ kinh doanh sợi “bền vững” mà Jonelle Raffino còn khám phá ra nhiều sản phẩm khác đi từ ngũ cốc như từ ngô, mỳ, vỏ tôm cua, mây tre hay từ chất khoáng jadeite … Tính đến năm 2002, doanh thu của Southwest trading Company đã đạt trên 20 triệu USD. Ngoài giá trị về kinh tế, Southwest trading Company còn được xem là một trong nhữung công ty kinh doanh sản phẩm” môi trường xanh” thành công nhất tại Mỹ trong thời gian gần đây.
4. Kinh doanh mỹ phẩm từ cây trồng Tại San Marcos, California hiện có một công ty làm ăn rất phát đạt mà không ai không biết đó là hãng Valana Minerals do nữ giáo sư Valerie Reed, 42 tuổi làm chủ, chuyên kinh doanh mỹ phẩm dành cho phụ nữ có nguồn gốc từ thực vật . Sáng kiến trên của nữ giáo sư Valerie Reed được bắt đầu từ khi bà bị mắc bệnh lạ hồi 30 tuổi, căn bệnh đau khớp gối, ra mồ hôi ban đêm, dị ứng kéo dài và rụng tóc. Ban đầu nghi là mắc bệnh thận, máu trắng, thậm chí cả HIV nữa nhưng đi khám và thử máu thì không phát hiện thấy gì. Cuối cùng qua nhiều phép thử test mới thấy rằng cơ thể bị ngộ độc xêlen (selenium). Đây là nguyên tố phi kim loại có cùng nhóm với lưu huỳnh và là khoáng chất rất cần cho cơ thể để tạo các chất chống ôxy hoá (antioxidants), tuy nhiên nếu lạm dụng có thể gây ngộ độc. Ví dụ như trong các loại xà phòng, mỹ phẩm. Nó có thể ngấm qua da vào dòng máu trong cơ thể. Mức ngộ độc còn tuỳ thuộc vào độ nhạy cũng như sức khoẻ của mỗi người. Nhờ biết được bí quyết trên, Valerie Reed đã cùng các cộng sự tiến hành nhiều nghiên cứu, đặc biệt là tìm ra cơ chế phản ứng dị ứng của da đối với xêlen và sử dụng các loại dầu ô lưu và dầu cây jojoba để làm ẩm da và nhiều thử nghiệm khác để cuối cùng tạo được công thức mới sản xuất các loại mỹ phẩm đi từ cây trồng hoàn hảo không có chứa độc tố gây dị ứng cho da và phát sinh hiện tượng nhiễm độc xêlen. Năm 2007, Valerie Reed chính thức khai trương trang website kinh doanh sản phẩm này và đến nay ngoài nguồn thu nhập từ lương giáo viên Valerie Reed còn có khoản thu nhập khác từ việc bán mỹ phẩm tương đương mức lương dạy đại học. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, doanh thu của Valerie Reed có thể đạt trên 1,4 triệu USD, sau đó sẽ tăng bình quân khoảng 15% /tháng. Ngoài lợi nhuận hữu hình, các sản phẩm của Valerie Reed còn có giá trị cao về mặt môi trường, hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho nhóm người dẽ bị dị ứng vì mỹ phẩm do độc tố gây ra.
|
Thành công nhờ kinh doanh công nghệ xanh
4