Từ Thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông), chiếc xe 3 cầu chở chúng tôi men theo những triền núi đá, bò qua những đoạn đường lầy lội do mưa lũ sạt lở vào công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4. Hai bên đường luôn thấp thoáng biển cảnh báo lở đất nguy hiểm. KS phan Cao Viên – Giám đốc Điều hành hai dự án (người đã từng chỉ huy thi công hai công trình thủy điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah, được chủ đầu tư và lãnh đạo tổ hợp nhà thầu rất khen ngợi) luôn khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh nói với chúng tôi: Chưa có nhà máy nào mức độ nguy hiểm lở đất như ở đây. Mùa mưa năm ngoái, hàng trăm tấn đất đá trên núi đã đổ ụp xuống, gần một cây số đường bị vùi lấp. Người ra, người vào công trường đều không được. Khó khăn nhất là việc cung ứng lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt bởi hai thị xã Bảo Lộc và Gia Nghĩa đều cách công trường hơn 50km đường rừng núi. Tại chỗ, chỉ toàn gốc cây và đồng bào dân tộc cùng dân di cư tự do. Họ sống chủ yếu bằng nghề phá rừng.
Giống như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Yaly, Thượng Kon Tum…, đường hầm dẫn nước của Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 (tổng công suất thiết kế 520MW) đều nằm sâu trong lòng núi đá nên việc thi công rất khó khăn, nguy hiểm. Hôm chúng tôi đến, tuyến ống áp lực và hầm dẫn nước dài gần 3km của thủy điện Đồng Nai 3 dài 4km, Đồng Nai 4 dài 3km đã đào xong. Buồng xoắn số 1 và số 2 cũng đã lắp xong. Tôi không hiểu bằng cách nào, những chiếc cần trục 60 tấn bánh xích, cao lênh khênh lại bò được vào đây, đứng vững trước cửa hầm và đang hối hả làm việc. Cùng với nó, các kỹ sư, công nhân Lilama 45-1 (đơn vị đảm nhận lắp đặt toàn bộ dây chuyền thiết bị hai dự án này) đang chở những khoang đường ống dài 6m, đường kính 7m, nặng trên 25 tấn lên cửa hầm trên đỉnh núi để rồi sau đó dùng pa-lăng thả trượt theo ray xuống đáy hầm dốc xiên 450, lắp đặt xếp dần từ dưới lên. Không có ánh sáng trời, ngày cũng như đêm, những người thợ phải sử dụng ánh sáng điện để làm việc. Cứ như thế, ngày qua ngày, giữa bạt ngàn Tây Nguyên, bằng mồ hôi và công sức của người thợ lắp máy, gần 10 nghìn tấn thiết bị đã được lắp xong, 5 đảng viên mới đã được kết nạp ngay trên công trường. trong số này, nhiều thiết bị thủy công đã được Lilama 45-4 chế tạo. Nước da sạm nắng gió, mồ hôi nhễ nhại, kỹ sư trưởng Nguyễn Xuân Tùng cho biết: “Mỗi công trình thi công đều có những phức tạp khó khăn riêng. Do rừng núi sâu thẳm, xa dân nên việc chỉ đạo thi công chủ yếu bằng máy bộ đàm. Để lắp các khoang đường ống này, chúng tôi phải tìm những biện pháp tối ưu nhất, an toàn nhất. trung bình 3 – 5 giờ lắp xong 1 khoang đường ống. Lắp xong 3 khoang thì tiến hành hàn và đổ bê tông chờ đông cứng để lắp tiếp. Chúng tôi đang dốc sức lắp tua bin, máy phát để kịp ngày phát điện tổ máy 1 vào tháng 10/2010. Thời gian không chờ đợi chúng tôi”.
Đúng là những người thợ lắp máy đang chạy đua với thời gian bởi từ nay đến cuối năm, họ không chỉ phải hoàn thành thủy điện Đồng Nai 3 mà còn phải bắt đầu lắp tua-bin, máy phát thủy điện Đồng Nai 4 cùng đường dây và trạm điện để phát điện vào giữa năm 2011. Năm ngoái, vào Tây Nguyên, bên dòng Sêrêpok, tôi cũng đã chứng kiến những giây phút cảm động của thợ lắp máy Lilama 45-3 khi các tổ máy của hai nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Srah lần lượt phát điện. Điều đáng nói nữa là 4 tổ máy này đều phát điện thương mại ngay không phải dừng lại để cân chỉnh, sửa chữa như nhiều nhà máy thủy điện khác. Ông trần Văn Nhu – giám đốc Ban Điều hành tổ hợp nhà thầu bảo rằng: Quản lý, điều hành giỏi của lãnh đạo cùng sự chuyên nghiệp, giỏi nghề của công nhân lắp máy đã đưa các tổ máy vào vận hành đúng tiến độ với chất lượng tốt.
“Chăm lo đời sống công nhân đến mức cao nhất để họ gắn bó với nghề” là quan điểm đầy tính nhân văn mà những nhà quản lý Lilama 45-3 theo đuổi từ nhiều năm nay. Quả đồi thoai thoải, nơi có 4 dãy nhà của thợ lắp máy Lilama 45-3 được quét vôi trắng toát cùng những giàn bầu, bí sai trũi quả. Anh em gọi đó là “Khu nhà trắng thân thương”. trong khu nhà này, ba năm qua, gần 200 con người xa gia đình, quê hương gắn bó với nhau, ngày đêm lao động làm ra dòng điện sáng, xua đi cái nghèo, cái đói cho các buôn làng Tây Nguyên. Người làm thủy điện đã có của ăn, của để. Cổ tức của Lilama 45-3 hiện cao nhất trong “họ Lilama”. Với truyền thống làm thủy điện gần 50 năm, Lilama 10 không chỉ là đơn vị chủ lực thi công thủy điện: Thác Bà, Hòa Bình, Yaly, Sơn La… mà còn đang thi công hàng chục dự án thủy điện ở Tây Nguyên và miền trung. Kỹ sư Nguyễn Thanh Oai – giám đốc khu vực miền trung và Tây Nguyên của Lilama 10, người đã để lại cả tuổi thanh xuân của mình trên các công trường hồ hởi cho biết: Năm 2009, Lilama 10 đã đưa 7 tổ máy thủy điện vào vận hành và năm nay sẽ là 5 tổ máy. Các công trường đang làm việc quyết liệt để từ nay đến tết âm lịch sẽ đưa tổ máy 3 thủy điện Sê San 4 và tổ máy 2 thủy điện preikrông vào phát điện. Nhiều gia đình công nhân đã có nhà ở kiên cố ở Tp Gia Lai, điều mà đối với họ trước đây chỉ là giấc mơ. Còn ở Sơn La, hàng ngàn người thợ áo xanh cũng đang hạ quyết tâm đưa tổ máy 1 vào phát điện vào cuối năm 2010, sớm hơn hai năm so với kế hoạch. Dưới những gốc cây trứng cá và những bông hoa cúc quỳ vàng xậm bên dòng Sê San, tha thẩn cùng những đứa trẻ mới 7 tuổi đã theo cha mẹ đi 4 công trường, nhìn những người thợ lầm lũi tan ca ba, tôi thầm cảm phục và biết ơn những người như thế. trong cuộc đời làm báo của mình, đi biết bao công trường từ Nam ra Bắc, tôi không thể quên những tấm gương lao động quả cảm, những cây sáng kiến trong nghề thủy điện. Đó là AHLĐ Nguyễn Huyền Chiệc, Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Hữu Thành, trần Thọ Chữ, Cao Lại Quang… Một mùa xuân nữa lại về, để kịp tiến độ, biết bao người thợ Tết này lại xa nhà, xa quê hương, xa cành đào, cành mai, cần mẫn làm việc giữa bạt ngàn Tây Nguyên, song chính họ đã góp phần làm nên mùa xuân đất nước: Mùa xuân cho tất cả chúng ta… |
Thợ lắp máy giữa đại ngàn Tây Nguyên
1
previous post