Ước mơ về một Thăng Long – Hà Nội bền vững muôn đời

Vì Kinh đô Hoa Lư quá chật hẹp cho nước Đại Cồ Việt, nên khi được quần thần tôn vinh lên làm Hoàng Đế, đức vua Lý Công Uẩn đã quyết định xuống chiếu dời đô về thành Đại La vào năm 1010. Từ đó Thăng Long trở thành Kinh đô của nước Đại Việt.


Thăng Long của muôn đời

Vào thời đại của Ngài, châu Âu còn đang chìm đắm trong “đêm trường trung cổ”, mọi giá trị sáng tạo của con người không thể thoát ra khỏi được nhà thờ của Chúa. Còn ở phương Đông thì mọi thảm hoạ, tai nạn đều là do “trời” phạt bởi ăn ở bất nhân, tàn bạo. Nhưng ngày nay, tri thức con người đã cho phép hiểu biết cặn kẽ thế giới từ vi mô đến vĩ mô, giải thích được mọi hiện tượng, mọi thảm hoạ thiên nhiên và biết đề ra những giải pháp để chế ngự hoặc hạn chế thiệt hại, hoặc phục vụ mang lại lợi ích cho con người.

Bởi thế, trước khi quy hoạch Thủ đô Hà Nội mới, cần phải hiểu biết thật rõ mọi điều kiện tự nhiên nơi dự kiến, tránh những nhược điểm của Thăng Long cũ phải hứng chịu. Những điểm yếu của Thăng Long – Hà Nội cũ gồm:

 Thăng Long cũ là nơi cộng hưởng hợp lưu của lũ do các con sông lớn chảy trên địa hình núi phân cắt của miền Bắc Việt Nam và Nam trung Quốc đổ ngay vào đồng bằng gây ra. Bởi thế, 1.000 năm giữ nước và 1.000 năm xây dựng Thăng Long đã và cũng là 1000 năm phải chống chọi quyết liệt với lũ lụt. Hệ thống đê điều trên đồng bằng Sông Hồng tuy đồ sộ, nhưng sẽ không có gì đảm bảo khi xảy ra mưa lớn, nhất là mưa khốc liệt kiểu như đã từng xảy ra trong quá khứ địa chất, mà ngày nay xu thế biến đổi khí hậu có tính cực đoan ngày càng thể hiện rõ rệt. Hơn thế, các con sông lớn ở Bắc Bộ lại có phần lưu vực, khối lượng nước lớn hơn ở phía lãnh thổ nước ngoài, có nhiều hồ thuỷ điện mới được xây dựng, nên khi xẩy ra mưa lớn, họ xả lũ thì chắc chắn các đê điều của Bắc Bộ chắc không chịu đựng được.

 Thăng Long cũ nằm ở trung tâm đới sụt kiến tạo trẻ đồng bằng Sông Hồng, riêng pha sụt lún Holoxen có tốc độ sụt lên tới 8,5 mm/năm. Hệ quả của sụt lún là đồng bằng bị hạ thấp nhưng vì đó là “sụt lún đền bù” nên địa hình bề mặt đồng bằng hầu như không thay đổi, trong khi tầng trầm tích trẻ cứ mỗi ngày một dày thêm, cuội sông, than bùn… bị chìm sâu hàng chục mét, hàng trăm mét… Hệ luỵ của sụt là các công trình xây dựng trên đó bị hạ thấp dần, như móng thành Đại La bị vùi sâu đến 7m, Hoàng Thành nhà Lý bị vùi sâu hơn 5m. Lũ lụt cộng với sụt lún kiến tạo hiện đại đã biến cung điện xưa thành phế tích nay gọi là “di chỉ khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long”. Vì vừa bị sụt lún, vừa bị lũ, nên hệ thống đê đồng bằng Bắc Bộ cứ cao dần, độ chênh về địa hình giữa ngoài đê và trong đê cứ lớn dần, theo đó, độ đe doạ do vỡ đê ngày càng tăng cao cùng với những thảm hoạ khôn lường.

 Vì là vùng sụt lún đền bù nên đồng bằng được tích tụ phù sa do sông mang tới bồi đắp càng ngày càng dày, lên đến hàng trăm mét, hàng nghìn mét. trầm tích này chưa qua quá trình hoá đá nên đó là tầng đất yếu, nó bao phủ khắp Thăng Long cổ nói riêng và đồng bằng Sông Hồng nói chung. Xây các công trình trên nền đất yếu là vô cùng tốn kém và nhiều hệ luỵ khác phải chịu khi sử dụng chúng.

 Thăng Long – Hà Nội nằm ngay trên phạm vi của đứt gãy Sông Hồng, Sông Chảy… Đó là những đứt gãy đang hoạt động nên ngoài tác động gây dịch chuyển móng và tầng phủ, Hà Nội cổ còn phải hứng chịu trực tiếp của động đất do đứt gãy sinh ra. Dọc theo đới đứt gãy này có thể xẩy ra động đất có cường độ tới cấp 8 như đã từng xảy ra trong quá khứ, đó là vùng mà các nhà nghiên cứu địa chấn dự báo là có nguy cơ động đất cao ở Việt Nam, chỉ đứng sau đới Sông Mã – Điện Biên.

Những hệ luỵ khác liên quan tới địa hình thấp. Do vị trí rất thấp, có nơi chỉ cao 3-4m, ba bề núi áp, nên ngoài những tác động không mong muốn trên đề cập, Thăng Long – Hà Nội còn chịu những hệ luỵ khác nữa. trong đó, úng ngập nổi lên hàng đầu. Mặc dù đã có nhiều phương án chống úng ngập cho Hà Nội với kinh phí khá tốn kém, song không có gì đảm bảo khi xẩy ra mưa lớn, cảnh đi đò trên phố, các phương tiện giao thông, nhà cửa bị ngâm lâu trong nước, thậm chí cả thiệt hại nhân mạng như chúng ta từng chứng kiến.

Tiếp đến là việc tiêu thoát nước thải là vấn đề lớn vì không tự chảy được, đặc biệt trong mùa mưa. Vấn đề cấp nước sinh hoạt cũng không đơn giản. Mặc dù Hà Nội có nhiều nước ngầm, nhưng khai thác ngày càng nhiều khiến mực nước ngầm hạ thấp dần gây lún đất, hơn nữa nước ngầm càng ngày càng ô nhiễm nên Hà Nội phải lấy nước sông Đà từ Hoà Bình về. Do cấu trúc địa hình nên Hà Nội là vùng tụ khí độc hại gây nên hiện tượng “sương mù phát quang” làm nhức mắt, viêm họng… ngày càng nghiêm trọng như chúng ta từng chứng kiến và  phải chịu.         

       

Toàn bộ Thăng Long là vùng đất bằng, úng, thấp, bị lũ đe dọa, nền đất rất yếu nên dù có công trình kiên cố đến mấy cũng không thể chống lại được bom thông minh với sức công phá cực mạnh tự tìm mục tiêu để huỷ diệt dù ở trên mặt hay ngầm, tên lửa…(hoặc giả sử có chiến tranh hạt nhân nổ ra) nên khả năng phòng Thủ của Hà Nội cũ là rất yếu. Không loại trừ kẻ địch dã man dùng thuỷ chiến kiểu như Quan Công phá đập sông Tương khiến Bàng Đức và 7 đạo quân Tào đều chết ở phàn Thành, thì chắc chắn Hà Nội sẽ bị lâm nguy.

Giờ đây, nhà nước quy hoạch Thủ đô mở rộng cho tương xứng với nước Việt Nam mới có dân số trên trăm triệu người, có nền kinh tế mạnh và hiện đạị thì rõ ràng phải phát triển mở rộng thủ đô ra nơi khác. Vì đồng bằng Sông Hồng là vùng sụt lún trẻ nên nó có một đới chuyển tiếp hay đới trục, hoặc là đới điều hoà khi chuyển sang các vùng núi bị nâng cao kế cận. Nơi đó không nâng, không sụt hay có thì với tốc độ và tổng biên độ là rất nhỏ. Chính vì thế mà cố đô Hoa Lư của nhà Đinh xây trước Hoàng Thành nhà Lý, hoặc Cổ Loa Thành của An Dương Vương có trên 2.000 năm tuổi đến nay vẫn còn gần như nguyên vẹn, vị trí ban đầu của chúng hầu như không thay đổi. Sở dĩ vậy, vì chúng được xây dựng trên các đới chuyển tiếp, khác với Hoàng Thành được xây dựng ngay trên đới trục sụt lún trung tâm đồng bằng Sông Hồng.


Thăng Long hôm nay

Chúng tôi kiến nghị:

Để tránh những điểm yếu mà Thăng Long xưa phải chịu, các nhà quy hoach cần dũng cảm nhận biết thực tế, mạnh dạn vượt lên chính mình để thoát ra khỏi “lòng bàn tay Như Lai” nhằm xây dựng một thủ đô thực sự muôn đời bền vững cho mai sau. 

 Tất nhiên là có thể mở rộng thủ đô về cả hai phía rìa của đồng bằng Sông Hồng. Nhưng có lẽ thuận tiện hơn nhiều nếu mạnh dạn mở về phía rìa Tây Nam, cụ thể là vùng trung du giáp núi Ba Vì từ trung Hà, qua Thạch Thất, Hòa Lạc, đến Miếu Môn, (hoặc ra đến biển nếu thấy cần). Đấy là vùng chuyển tiếp, có thế núi hình sông thuận tiện, có thế ỷ dốc, nhìn ra đồng bằng với sông Tích, sông Đáy trước mặt, và xa hơn là sông Hồng, tựa lưng vào dãy Ba Vì, phía sau có sông Đà và núi rừng Tây Bắc mênh mông, bên trong lòng nó có các hồ đủ lớn như Đồng Mô, Suối Hai… điều tiết khí hậu (lưu ý: các thành phố lớn khác của nước ta không có được những hồ lớn như thế). Nơi ấy hội đủ các điều kiện thuận lợi về địa kiến tạo, địa kinh tế, địa kỹ thuật, địa chính trị, địa môi trường, đặc biệt là địa quân sự và không bị chi phối bởi các điểm yếu như Thâng Long xưa đã phải chịu.

Ngoài ra, khi mở rộng Thủ đô mà dám thoát ra khỏi “lòng bàn tay Như Lai” thì đã thực sự  tạo ra cơ hội tốt nhất để bảo tồn, tôn tạo Kinh đô Thăng Long cổ kính – niềm tự hào, và là trái tim, là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” của dân tộc, cũng như của mỗi người dân Việt, chứ không như cách mà người ta đang đối xử với Thăng Long như hiện tại dưới cái vỏ “bảo tồn, tôn tạo”.

Thêm nữa, thấy rằng với phương tiện hiện đại và hạ tầng cơ sở mới thì việc giao thông giữa Hà Nội mới và Thăng Long cổ kính hẳn chẳng có gì đáng ngại nữa.

Mơ về một Thăng Long – Hà Nội muôn đời bền vững đang cháy bỏng trong mỗi con tim của người dân Việt Nam yêu nước.

TS Địa chất Đỗ Tuyết
Viện Khoa học Địa chất – Khoáng sản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *