Tờ trình Về việc phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đến năm 2025










BỘ XÂY DỰNG


 


Số:  03  /TTr- BXD


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


 


 


Hà Nội, ngày 07 tháng  01  năm 2009


Tờ trình
Về việc phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung
xây dựng thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đến năm 2025





Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;



Căn cứ Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020;



Căn cứ Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ v/v Phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển Thành phố Nam Định trở thành Trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng Nam đồng bằng sông Hồng;



Căn cứ Tờ trình số 151/TTr-UBND ngày 27/10/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định về Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025 đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định. Sau khi nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025 đã được chỉnh sửa trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành góp ý; Bộ Xây dựng kính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025 với các nội dung chính sau:



1. Tính chất đô thị:



 Là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hoá – khoa học – xã hội của tỉnh Nam Định.



– Là trung tâm kinh tế – văn hoá – khoa học – xã hội của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.



2. Mục tiêu và quan điểm quy hoạch:



a. Mục tiêu:



– Xây dựng Nam Định trở thành đô thị trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng – đô thị loại I.



– Đề xuất các giải pháp quy hoạch đảm bảo đô thị phát triển bền vững, có bản sắc, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư phát triển đô thị.



b. Quan điểm:



Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Nam Định trên cơ sở phát huy tiềm năng chính của Nam Định để phát triển đô thị trong giai đoạn đến năm 2025 nhằm đáp ứng các nhu cầu sau :



– Cụ thể hoá các định hướng lớn về không gian đô thị, nông thôn và hệ thống hạ tầng khung của Quy hoạch xây dựng Vùng duyên hải Bắc Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khớp nối các quy hoạch phát triển các ngành khác có liên quan ;



– Xây dựng Nam Định là thành phố giàu giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn, với những giá trị đặc trưng của vùng văn minh nông nghiệp lúa nước và các làng nghề truyền thống gắn với cảnh quan sinh thái nông nghiệp đặc trưng để phát triển du lịch, dịch vụ. Phát triển thành phố Nam Định trên cơ sở sản xuất công nghiệp với trọng tâm là các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến… nhằm tận dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động địa phương;



– Rà soát, đánh giá việc thực hiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định được Thủ tướng phê duyệt năm 2001; trên cơ sở đó đề xuất các yêu cầu, nhiệm vụ cần điều chỉnh, bổ sung trong quy hoạch lần này cho phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới.



3. Phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu:



a. Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng:



Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định được nghiên cứu trong mối quan hệ liên vùng, đó là các mối liên hệ:



Giữa TP. Nam Định với các đô thị và tiểu vùng phát triển khác trong vùng phía Nam Đồng Bằng sông Hồng;



 Giữa TP. Nam Định với hành lang kinh tế – đô thị dọc theo vùng Duyên hải Bắc bộ, với cảng Hải Phòng và đặc biệt là với cụm kinh tế Ninh Cơ tại khu vực Thịnh Long –  Rạng Đông tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định.



    Giữa TP. Nam Định với hành lang kinh tế – giao thông quốc gia Bắc – Nam.



Phạm vi nghiên cứu trực tiếp Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025 bao gồm: toàn bộ địa giới hành chính thành phố Nam Định hiện nay; huyện Mỹ Lộc; 3 xã Đại An, Thành Lợi và Tân Thành của huyện Vụ Bản; 5 xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An của huyện Nam Trực với tổng diện tích  khoảng 194 km2.



b. Quy mô dân số:



 Quy mô dân số dự báo cho tòan thành phố đến năm 2015 là khoảng 480.000 người, trong đó dân số nội thành là khoảng 290.000 người.



Quy mô dân số dự báo cho tòan thành phố đến năm 2025 là khoảng 570.000 người, trong đó dân số nội thành là khoảng 370.000 người.



c. Quy mô đất đai đô thị:



Đến năm 2025 dự kiến tổng diện tích thành phố khoảng 194.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng đô thị từ 3.000 đến 4.000 ha, chỉ tiêu đất xây dựng đô thị bình quân khoảng 90m2/người.



4. Nội dung nghiên cứu:



a. Nội dung nghiên cứu quy hoạch: thực hiện theo Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng, Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng; theo yêu cầu thực tế kiểm soát phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Nam Định bao gồm:



– Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế – xã hội; dân số, lao động; sử dụng đất đai; hiện trạng về xây dựng; cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường đô thị cũng như vùng phụ cận có liên quan trực tiếp. Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001 ;



– Đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất xây dựng đô thị, đảm bảo đáp ứng tối ưu các mục tiêu phát triển đô thị;



– Xác định tiềm năng, động lực hình thành và phát triển đô thị của Thành phố Nam Định trong Vùng đồng bằng Nam sông Hồng;



– Dự báo quy mô dân số, lao động và quy mô đất đai xây dựng đô thị theo giai đoạn quy hoạch;



– Xác định được các chiến lược phát triển đô thị đến năm 2025 và tầm nhìn phát triển đô thị dài hạn;



– Đề xuất được cấu trúc tổng thể phát triển không gian đô thị (bao gồm nội thị và ngoại thị) và các cấu trúc đặc trưng phù hợp với các chiến lược phát triển đô thị;



– Đề xuất được các chỉ tiêu về sử dụng đất, chỉ tiêu cung cấp hạ tầng phù hợp với mục tiêu phát triển cho các giai đoạn phát triển đô thị và đạt tiêu chuẩn đô thị loại I;



– Đề xuất được các giải pháp quy hoạch sử dụng đất với khả năng sử dụng đất hỗn hợp ở mức độ tối đa, đảm bảo tính linh hoạt và năng động để thực hiện các chương trình, mục tiêu và dự án đầu tư, đảm bảo phát triển đô thị bền vững;



– Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phục vụ cho phát triển đô thị:



+ Xác định cốt xây dựng khống chế tại các khu vực cần thiết và các trục giao thông chính đô thị đảm bảo kiểm soát và khớp nối giữa các khu chức năng trong đô thị;



+ Xác định mạng lưới giao thông khung bao gồm: giao thông đối ngoại, các trục giao thông chính đô thị, các công trình đầu mối giao thông (như: cảng hàng không, cảng sông, bến xe và các đầu mối giao thông, thủy lợi…); Tổ chức giao thông công cộng cho đô thị; xác định chỉ giới đường đỏ các trục giao thông chính đô thị;



+ Lựa chọn nguồn, xác định quy mô, vị trí, công suất của các công trình đầu mối; mạng lưới truyền tải và phân phối chính của các hệ thống cấp nước, cấp điện; mạng lưới đường cống thoát nước chính; các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn; nghĩa trang và các công trình hạ tầng kỹ thuật chính khác của đô thị;



+ Tổ chức hệ thống tuynen kỹ thuật phù hợp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung.



+ Xác định các dự án chiến lược và nguồn lực thực hiện;



– Thiết kế đô thị: Đề xuất được khung thiết kế đô thị tổng thể bao gồm các không gian trọng tâm, trọng điểm và các không gian đặc trưng trong đô thị;



– Đánh giá môi trường chiến lược đô thị và đề xuất các biện pháp kiểm soát môi trường trên cơ sở các giải pháp quy hoạch xây dựng đô thị.



b. Các yêu cầu cụ thể:



Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Nam Định trên cơ sở phát huy tiềm năng chính của Nam Định để phát triển đô thị trong giai đoạn đến năm 2025 cần được làm rõ một số nội dung sau:



– Xác định tiềm lực kinh tế chính của TP. Nam Định và tiềm năng phát triển để có thể trở thành trung tâm vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng;



– Phát huy và xây dựng bản sắc của thành phố trong tương lai;



– Xác định nhu cầu đất xây dựng đô thị định hướng cho năm 2025 một cách phù hợp, đảm bảo đô thị phát triển hiệu quả;



– Rà sóat, điều chỉnh một số khu chức năng trung tâm thành phố nhằm sử dụng đất hiệu quả và hợp lý về kiến trúc, cảnh quan;



– Nghiên cứu không gian đô thị dọc theo sông Đào nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả vì đây là khu vực có tiềm năng và giá trị rất cao của Thành phố;



– Khai thác các thế mạnh về làng nghề và văn hoá truyền thống của Nam Định trong tổ chức không gian đô thị, chú trọng tôn tạo cấu trúc không gian sinh thái nông nghiệp để các không gian này có thể hỗ trợ và gắn kết tốt hơn với khu đô thị trung tâm;



– Quy hoạch hệ thống trung tâm đô thị tương xứng với quy mô và tầm cỡ của thành phố trung tâm vùng Nam đồng bằng Sông Hồng;



– Quy hoạch hệ thống giao thông có sự phân cấp rõ ràng trên cơ sở dự báo nhu cầu và đánh giá tính khả thi của việc điều chỉnh hệ thống giao thông hiện trạng;



– Đánh giá sự cần thiết của việc xây dựng sân bay tại Nam Định và định hướng quy hoạch sân bay (nếu cần thiết);



– Đánh giá vai trò, vị trí của cảng sông tại TP. Nam Định hiện nay, đề xuất lựa chọn vị trí quy hoạch cảng đáp ứng nhu cầu giao thông đường thủy của đô thị và tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch khai thác không gian ven sông cho các hoạt động đô thị;



– Rà soát lại thực tế triển khai các dự án phát triển đô thị và công nghiệp trên địa bàn, đề xuất các giải pháp xử lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất phục vụ phát triển đô thị.



6. Thành phần hồ sơ



Hồ sơ đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 03/4/2008  của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và Quy chuẩn xây dựng Việt nam về Quy hoạch xây dựng QCXDVN 01: 2008/BXD.



7. Tổ chức thực hiện



a) Cơ quan quản lý dự án quy hoạch: Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định;



b) Cơ quan chủ đầu tư quyhoạch: Uỷ ban nhândân tỉnh Nam Định;



c) Cơ quan lập đồ án quy hoạch: Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn;



d) Cơ quan thẩm định đồ án: Bộ Xây dựng ;



e) Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ ;



f) Thời gian lập đồ án: không quá 18 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.



Bộ Xây dựng kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.








 


Nơi nhận:


– Thủ tướng Chính phủ;


– Văn phòng  Chính phủ;


– Các Bộ: KH&ĐT, GTVT, NN&PTNT,


  TN&MT, TC, VHTT&DL, CT và QP;


– UBND tỉnh Nam Định;


– Sở XD Nam Định;


– Viện KTQHĐT&NT;


– Lưu VP, Vụ KTQH (NHL-02)


 


KT. Bộ trưởng


Thứ trưởng


 


 


đã ký


 


 


Trần Ngọc Chính


 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *