Tháo gỡ hàng ngàn hồ sơ nhà, đất kẹt thuế



 









Tháo gỡ hàng ngàn hồ sơ nhà, đất kẹt thuế

Nộp thuế nhà đất tại Chi cục Thuế quận 1-TPHCM – Ảnh: T.Thạnh


Cục Thuế TPHCM đã kiến nghị Tổng cục Thuế hướng giải quyết làm sao có lợi nhất cho người dân


Sáng 15-1, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết sau khi thống nhất với những kiến nghị của cục, tới đây, Tổng cục Thuế sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về cách xử lý đối với các hồ sơ nhà, đất đang bị kẹt tại cơ quan thuế. Đây là những hồ sơ nằm trong giai đoạn giao thời giữa việc áp dụng thuế chuyển quyền sử dụng đất (CQSDĐ) theo cách cũ và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) áp dụng từ ngày 1-1.


Tréo ngoe!


Theo báo cáo của chi cục thuế các quận, huyện ở TPHCM, hiện có hàng ngàn hồ sơ nhà, đất đã làm thủ tục công chứng trước ngày 1-1 buộc phải tạm dừng giải quyết để chờ hướng dẫn về cách tính thuế. Việc “treo” hồ sơ là do nếu áp dụng Thông tư  84/2008/TT-BTC (ngày 30-9-2008) của Bộ Tài chính về hướng dẫn thuế TNCN đối với bất động sản, thời điểm xác định thu nhập tính thuế là lúc hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có hiệu lực theo quy định.







Hai cách hiểu khác nhau


Theo Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn, quy định chung về thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng. Trường hợp không xác định được giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định, thì căn cứ theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Tuy nhiên, công văn của Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan thuế thu 2% “trên giá chuyển nhượng bất động sản (theo giá do UBND cấp tỉnh quy định)”. Cách viết ngắn gọn này dẫn đến hai cách hiểu khác nhau: Hoặc thu 2% theo giá ghi trên hợp đồng, nếu giá này quá thấp thì thu theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định; hoặc thu ngay 2% theo bảng giá đất của UBND cấp tỉnh.

Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ hồ sơ đã công chứng trước ngày 1-1 sẽ áp dụng thuế CQSDĐ (4% trên giá trị đất), còn những hồ sơ công chứng từ ngày 1-1 trở đi phải áp dụng thuế TNCN (2% trên tổng giá trị hợp đồng giao dịch hoặc 25% trên lợi nhuận thu được từ lợi nhuận sau khi trừ các chi phí hợp lý). 


Mọi việc có lẽ đã không rối tung nếu Bộ Tài chính không đưa ra văn bản hướng dẫn tréo ngoe về cách tính thuế cho những trường hợp đã mua bán, chuyển nhượng bất động sản trước ngày 31-12-2008 mà chưa kịp nộp hồ sơ tại cơ quan thuế để xác định khoản tiền phải nộp. Theo văn bản này (ban hành ngày 31-12-2008), từ ngày 1-1, các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất không còn nộp thuế CQSDĐ mà phải chuyển sang nộp thuế TNCN. Như vậy, các hợp đồng chỉ mới được công chứng, chứng thực mà chưa nộp thuế, chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng trước thời hạn cuối này phải nộp thuế TNCN.


Ông Nguyễn Yểng, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận 6, nhận xét: “Nếu làm theo văn bản của Bộ Tài chính thì sai luật, mà làm theo Luật Thuế TNCN thì sai hướng dẫn của bộ”. Do vậy, nhiều chi cục thuế phải tạm ngừng giải quyết hồ sơ đã làm thủ tục công chứng chuyển nhượng nhà, đất hoặc tiếp nhận trước ngày 31- 12-2008.


Được chọn cách nộp thuế


Theo bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng Phòng Tuyên truyền hỗ trợ – Cục Thuế TPHCM, cục đã kiến nghị Tổng cục Thuế hướng giải quyết làm sao có lợi nhất cho người dân. Nếu theo Luật Thuế TNCN, có những trường hợp sẽ được miễn đóng thuế; còn theo khung thuế CQSDĐ vẫn phải đóng 4% trên tổng giá trị đất. Do đó, đối với những trường hợp đã nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng để khai thuế trước ngày 1-1, sẽ giải quyết theo hướng: Đối với trường hợp cơ quan thuế đã xác định khoản tiền phải nộp theo khung thuế CQSDĐ thì phải áp dụng cách tính này. Nếu cơ quan thuế chưa đưa ra mức thuế phải nộp cụ thể thì được tính toán theo hai cách: Áp theo khung thuế TNCN và áp theo thuế CQSDĐ.


“Người dân được quyền chọn lựa đóng theo cách nào ít tiền hơn. Toàn bộ giá đất được áp tính thuế sẽ dựa theo bảng giá đất năm 2008 chứ không phải theo năm 2009” – bà Nga khẳng định.


Theo Kim Long / NLĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *