Nặng lòng câu quan họ





Kinh Bắc xưa, Bắc Ninh nay là vùng đất hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc, trong đó có dân ca quan họ nổi tiếng từ lâu. Văn hóa quan họ có nguồn gốc từ “kết chạ” (kết nghĩa) giữa các làng, người dân thường tụ tập hát với nhau trong dịp xuân, ngày hội, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng.


Nặng lòng câu quan họ


Từ sinh hoạt văn hóa ấy, các làng, xã càng tăng thêm mối liên kết mật thiết. Quan họ gắn chặt với  lễ hội truyền thống. Những lễ hội nổi tiếng xứ Kinh Bắc như: Hội Lim, Hội Ó, Hội Diềm, Hội Nhồi… là những làng quan họ gốc.


Trong ngày hội, các liền anh, liền chị ăn mặc nền nã: nam khăn xếp, áo the, ô lục soạn; nữ áo mớ ba, mớ bảy, nón quai thao. Quan họ độc đáo và quyến rũ nhất là phần các liền anh, liền chị hát đối đáp giao duyên với  nhau bằng những làn điệu,  lời ca trữ tình đằm thắm như thể hiện những tình cảm sâu lắng nhất của lòng mình về tình yêu đôi lứa, tình làng, nghĩa xóm, mối tương giao giữa các làng xã với nhau.


Sách Kinh Bắc phong thổ ghi lại, ở những hội quan họ người ta thấy từng tốp nam, nữ say sưa hát ở sân đình, sân chùa, trên đồi núi,… có khi trên bờ ruộng, trên thuyền giữa sông. Canh hát thường bắt đầu bằng tục mời trầu, sau đó quan họ bên này cất tiếng hát thì quan họ bên kia chuẩn bị hát đối lại, bên này hát giọng nào thì bên kia phải hát đối giọng ấy và cứ thế say sưa cho đến hết canh hát có khi kéo dài mấy ngày.


Chính vì hát đối mà dân ca quan họ vừa có sự  cảm hứng sáng tạo, ý nhị,  trau chuốt  về lời ca làn điệu. Ðến nay, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được gần 400 làn điệu và gần một nghìn lời ca. Người hát những bài quan họ lề lối phải biết kỹ thuật hát vang, rền, nền nẩy, ngắt rớt… cho nên không cần nhạc đệm, tăng âm, mi-crô mà vẫn vang và nghe rõ lời trong sự ồn ào của ngày hội. Kết thúc canh hát là những câu Giã bạn mới da diết vương vấn và quyến luyến làm sao!


Trong kho tàng dân ca Việt Nam, quan họ đã đạt tới đỉnh cao về chất văn chương của lời ca, về nghệ thuật ca hát, về lối chơi, diễn xướng. Nhiều năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã dày công bảo tồn và phát huy giá trị của quan họ, coi đó là kho báu của ông cha để lại. Dòng quan họ chảy mãi không ngừng trong cuộc sống hiện đại. Tại kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ văn hóa phi vật thể (của UNESCO) ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 9-2008, UNESCO đã chính thức tiếp nhận Bộ hồ sơ của Việt Nam đề nghị công nhận Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại để xét duyệt vào năm 2009.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *