Nhận lời lên Tây Bắc trong những ngày thượng tuần tháng chạp, lẽ ra thời tiết giữa đông không khí lạnh nhiều thì trời chỉ có lâm thâm mưa phùn, ai dè mỗi lúc mưa càng nhiều hạt nặng. Suốt từ đêm đến sáng và cả ngày mưa vẫn rả rích phủ kín khắp vùng từ Hà Nội đến chân đèo cao nguyên Châu Mộc. Một chuyến đi xa của tôi đúng thời khắc sắp tới giao thừa của năm Mậu Tý và năm Kỷ Sửu. Chuông đồng hồ báo thức lúc 4h30 đã réo vang căn phòng khép kín, mấy phút sau chiếc điện thoại di động réo inh ỏi, phía đầu dây bên kia giọng nói khàn đục của Vũ Trọng Vinh – Phó Tổng giám đốc Cty CP Phát triển Điện Tây Bắc (chi nhánh đóng tại Mỹ Đình, Hà Nội): “Anh ơi, chuẩn bị nhanh lên, xe đang trên đường đến đón đấy!”.
Hình như có duyên nợ với Điện Tây Bắc thế nào mà trong ba năm lại đây, năm nào tôi cũng đi theo họ đúng vào dịp áp Tết. Khi ra xe, tôi bất ngờ nhìn thấy ông Phạm Bá Tôn – Chủ tịch HĐQT Cty cùng đi. Dễ phải đến nửa năm tôi mới gặp lại ông kể từ ngày ông được Nhà nước cho nghỉ dưỡng già ở tuổi 62. Ông Tôn là người năng nổ, quán xuyến với nhiều quyết đoán táo bạo. Gần 40 năm từ khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng, ông gắn cả đời mình với sự nghiệp thủy điện ở TCty Sông Đà, từng trải qua những thăng trầm những dự án xây dựng thủy điện trên khắp vùng miền cả nước. Quá nửa đời người luôn phải đánh vật với những tính toán kỹ thuật và tìm biện pháp thi công sao cho thật hiệu quả cả về chất lượng lẫn tiến độ các công trình được giao. Dăm bảy năm nay tôi đã chứng kiến nhiều thành công mang tính hiệu quả kinh tế của Phạm Bá Tôn, ví như việc điều hành thi công giai đoạn cuối ở dự án thủy điện Cần Đơn, công suất 76MW xây dựng tại tỉnh Bình Phước (công trình đầu tay của Sông Đà theo mô hình BOT mở đầu thời kỳ đất nước đổi mới. Nhà máy này đã đi vào hoạt động sớm hơn dự định, thu về nguồn lợi cho đơn vị hàng trăm tỷ đồng). Vào những năm 2004 – 2005, Phạm Bá Tôn là một trong những người tìm ra địa điểm xây nhà máy 28MW ở vùng núi Ea KRong Rou, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chưa đầy 3 năm xây dựng nhà máy đã đi vào sản xuất, đất nước có thêm nguồn điện sáng, tiếp sức cho nông dân quanh vùng nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Bây giờ Phạm Bá Tôn đã không còn vướng bận gì với những bộn bề công việc quản lý vĩ mô. Vào tuổi 63 ông về làm Chủ tịch HĐQT Cty CP Phát triển Điện Tây Bắc đóng tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Tất cả những tinh hoa và kinh nghiệm thu hoạch được sau 40 năm công tác, Phạm Bá Tôn đã dồn cho công việc tìm kiếm, khai thác tài nguyên trong lòng đất để làm giàu cho đất nước và cuộc sống mưu sinh cho hàng trăm CBCNV trong Cty. Ông là người có bản lĩnh, ưa đột phá tìm tòi, tính tình bộc trực, làm ra làm, còn chơi cũng hết mình. Ông rất ghét thói à ơi, không đến nơi đến chốn, kiểu đánh trống bỏ dùi, hứa suông, không thực hiện đúng lời hẹn ước. Vào những năm 1990 – 1995 khi cùng đoàn chuyên gia đi khảo cứu, lập dự án xây dựng thủy điện Sơn La, những nhà hoạch định chiến lược của TCty Sông Đà đã phát hiện ra dòng suối Chiến, họ đã luồn rừng, trèo núi đi bộ hàng tháng trời để lần tìm ra nó. Suối Chiến khởi nguồn từ một vùng sâu huyện Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái, tiếp giáp với biên giới Việt – Lào. Không rõ từ những năm nào đời nào mà nguồn “vàng trắng” vô cùng quý giá này cứ thản nhiên vô tư, ào ạt đổ phí hoài ra dòng sông lớn Đà Giang. Bằng nghề nghiệp tinh tường, TCty Sông Đà đã xin phép Chính phủ và được UBND tỉnh Sơn La đồng ý cho xây dựng một nhà máy thủy điện công suất 200MW bằng dòng nước suối Chiến tại địa bàn các xã Pá Kìm và Chiềng Muôn huyện Mường La. Đến nay công trình đã ngăn sông, đắp đập và thi công nhà máy. Nhận thấy nguồn nước suối Chiến vẫn còn tiềm năng sản sinh thêm nguồn điện nữa, Cty CP Phát triển Điện Tây Bắc lập dự án trình và được các cấp phê duyệt cho làm tiếp một nhà máy nữa ở bậc thang dưới để tận dụng lại nguồn nước dư thừa của Nậm Chiến 1 với tên gọi là Nậm Chiến 2 công suất 32MW. Phạm Bá Tôn được các cổ đông tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT. Nậm Chiến 2 khởi công xây dựng từ giữa năm 2007 trong không khí bình lặng, bởi nó kẹp giữa hai gã khổng lồ, phía trên là công trình 200MW và cách đó chưa đầy 13km là đại công trình lớn nhất vùng Đông Nam Á – thủy điện Sơn La. Công việc thi công của Nậm Chiến 2 khác với tất cả những công trình thủy điện vừa và nhỏ đang xây dựng trên khắp cả nước. Từ công tác đền bù giải tỏa, san ủi mặt bằng đến thi công khoan nổ, đào hầm, làm đường, đào kênh, ngăn sông, đắp đập… đều diễn ra thông thoáng, dứt điểm thi công đúng theo lịch trình đã cam kết giữa chủ đầu tư với các nhà thầu. Không ai có thể tưởng tượng được tiến độ thi công trên công trình này lại nhanh đến thế. Có thể nói đây là dự án điển hình về tốc độ xây dựng, so với nhiều công trình đã làm trong cả nước. Nếu như không vướng sự cố về khảo sát nền móng dưới chân đập chính do gặp phải nền đá thô cứng thì hôm nay Nậm Chiến 2 đã ung dung, thong thả làm nốt những công việc cuối cùng của 2 tổ máy để quý II/2009 đưa điện lên lưới quốc gia. Dù đã tìm mọi phương cách để khắc phục sự cố, nhưng thời gian không đủ để cho nhà đầu tư chống lại mùa lũ khắc nghiệt từ thượng nguồn đổ về. Thác nước hung dữ đã xô đẩy và kéo theo tất cả những gì vướng cản trên đường chảy của nó. Hơn 40 nghìn m3 đất đá đổ ập xuống mặt bằng nơi làm con đập chính ngăn sông. Tất nhiên đối với những nhà hoạch định của Cty CP Phát triển Điện Tây Bắc vốn đã từng dày dạn, nhiều phen hứng chịu những thử thách đột biến trong những năm làm thủy điện thì không chịu đứng im nhìn thảm họa. Hàng trăm nhân lực cùng với phương tiện, máy xúc, máy ủi, cầu trục, xe vận tải nặng của Cty Toàn Phát – đơn vị có nhiều năng lực, uy tín trong thi công đắp đập – đã cam kết với chủ đầu tư bốc xúc gọn gàng nhanh chóng khối lượng đất đá đổ xuống sau mùa lũ đi qua để làm sạch mặt bằng bàn giao cho các đơn vị thi công móng đập. Nậm Chiến 2 đã chọn lựa đơn vị tinh nhuệ thuộc Sông Đà 10 làm nhiệm vụ khoan nổ gần 4km đường hầm xuyên núi đường kính 5m dẫn nước từ đầu nguồn vào gian máy. Hiện nay hầm đã thông và con kênh mới đào đang dẫn dòng chảy của sông Nậm Chiến theo một lối khác để các lực lượng xây dựng của Sông Đà 4, Sông Đà 5 và Toàn Phát ngăn sông – đắp đập.
Vào những ngày cuối năm đồng bào các dân tộc ở bản Chiến, Chiềng San, Pịa chưa đến mùa vụ canh tác, nương rẫy cũng thưa thớt người đi, họ đang nghỉ đông và chờ đón Tết cổ truyền. Đứng trên độ cao phía cửa nhận nước nhìn lên dãy núi Pá Ngần mây trắng giăng bay la đà như chiếc khăn voan khổng lồ uốn lượn. Những lối mòn lên nương đâu đó thấp thoáng những chùm hoa Trạng Nguyên xòe nở bằng chiếc đĩa rực đỏ màu cờ thắm tươi như báo hiệu mùa xuân đã về. Chân đập phía lòng sông nhiều tốp thợ đang khoan néo, gia cố và hàn lắp cốp-pha. Máy xúc, máy ủi làm nhiệm vụ nạo vét bốc xúc đất đá, phía bờ phải bờ trái 2 chiếc cẩu 150 tấn phải làm việc 3 ca suốt hàng tháng trời nay phục vụ công tác đổ bê tông. Thời điểm này công tác đổ bê tông tại đập dùng nước, chặn dòng ngăn sông là mục tiêu số 1, theo ông Trần Minh Châu – Tổng giám đốc Cty CP Phát triển Điện Tây Bắc công việc này như chiếc chìa khóa đóng, mở của tiến độ dự án. Vì sự kiện quan trọng, cấp thiết này mà toàn Ban giám đốc, BQLDA phải ngày đêm có mặt tại hiện trường từ nhiều tháng nay. Họ chia nhau công việc, người chỉ đạo thi công, người giải quyết kỹ thuật, vật tư, người thì lo chạy vốn, và nghiệm thu, thanh toán kịp thời để các nhà thầu có kinh phí giải quyết nhiều vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công. Có một điều hiển nhiên đã gây nóng và bức xúc tại công trình mà ít ai lường tới, đó là câu chuyện cũ đã diễn ra trong mùa lũ hồi tháng 5/2008 vừa qua. Bài học đắt giá khi làm thủy điện mà không tranh thủ, kịp thời, tức tốc trong thi công những phần việc có liên quan đến mùa lũ thì công lao sẽ đổ xuống sông xuống biển. Chủ tịch HĐQT Phạm Bá Tôn phải tính toán kế hoạch từng ngày, thường xuyên “nằm lì” ở điểm nóng này cũng chỉ vì lẽ đó. Chừng nào 15 nghìn m3 bê tông chưa tập kết đổ vào đập tràn thì cả Cty sẽ ăn không ngon ngủ không yên, nếu không đạt được khối lượng đó vào thời điểm trước Tết cho công nhân về nghỉ thì tất cả mọi hạng mục sẽ bị chậm lại, tiếp đến mùa lũ sớm tháng 4 sẽ tràn về. Đây là thông điệp của HĐQT Cty truyền đến trong các cuộc giao ban với lực lượng kỹ thuật thi công và các nhà thầu để có kế hoạch thực hiện tốt mục tiêu hoàn thành 15 nghìn m3 bê tông trên đập trước Tết để thắng lũ tháng 4/2009, đảm bảo hoàn thiện đưa tổ máy vào phát điện cuối quý IV/2009. Những ngày áp Tết ở Nậm Chiến chúng tôi thấy không khí lao động được hối thúc không kể ngày đêm. Tuy còn hơn 3 tháng nữa lũ thượng nguồn mới về nhưng nếu con đập dâng chưa đạt ngưỡng theo yêu cầu thì lại một năm “xôi hỏng bỏng không”. Đi công trường cùng những tốp thợ đổ bê tông ban đêm, chúng tôi thầm nghĩ nếu công trình nào cũng có những người nặng lòng với công việc, chăm chỉ lo toan cho cái chung cộng với những quyết sách táo bạo thì chẳng những đất nước có thêm nguồn lợi về kinh tế, giàu mạnh mà người lao động cũng có thêm cuộc sống mới tươi đẹp hạnh phúc hơn. Nậm Chiến tháng Chạp năm Mậu Tý |
Hối hả công trường Nậm Chiến
2
Bài trước