Đào quất trong sắc xuân ngày Tết








Tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất Thăng Long cành đào thắm cùng Quất vàng vui xuân trên đất Kinh kỳ trong những ngày tết cổ truyền. Các gia đình ở Thủ đô Hà Nội trong những ngày Tết nếu không có cây Quất vàng thì cũng phải có cành Đào thắm. Quất vàng cam ánh lên màu nắng của trời. Đào thắm như má hồng thiếu nữ tràn đầy sức xuân nồng ấm, biểu thị của sự tốt lành, may mắn cho mỗi gia đình khi mỗi độ xuân về, tết đến.

Đào quất trong sắc xuân ngày Tết



Những ngày giáp Tết, dù giá rét hay mưa phùn, người ta vẫn đổ về Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân, Phú Thượng (Tây Hồ) để đắm chìm trong sắc thắm của những cành Đào, cây Quất. Đào Quất từ các nơi trên về đây, rồi lại toả đi muôn nơi. Những Đào Quất chạy suốt cùng không gian theo ôtô, xe máy nườm nượp, không nghỉ, không phút ngừng để tranh đua với phút giao thừa thiêng liêng trước khoảnh khắc đất trời giao thoa. Nhưng cuộc đón rước mùa xuân về chỉ hiển hiện trong khoảnh khắc ngắn ngủi của mươi ngày giáp Tết mà thôi! Nó sẽ tan biến rất nhanh và người ta lại phải đợi suốt một năm nữa mới gặp lại niềm vui tuyệt diệu đó cùng với cỏ cây, hoa lá ở đất Thăng Long – Đó là Đào Quất ngày Tết.



Những ngày giáp Tết, người Hà Nội lại lẫn vào hoa đào, quất vàng… Con đường Quất Đào rực màu hoa, rực ánh mắt cười dẫn người ta đến vườn đào Nhật Tân. Tuy vườn Đào Nhật Tân rộng bát ngát như trước đây không còn, nhường chỗ cho khu đô thị mới mọc lên, song nhiều người dân nơi đây vẫn giữ nghề, vẫn trồng Đào tại vườn nhà. Gia đình bác Thuấn – phường Nhật Tân cho biết: Gia đình bác vẫn dành đất ở vườn nhà để trồng 50 gốc Đào, chủ yếu là Đào bích và Đào phai. Nếu thiên thời “mưa thuận, gió hoà” mới mong có vườn Đào đẹp, phục vụ dân Hà Thành đón Tết. Thị hiếu người chơi Đào những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, ngoại trừ một số cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn hay nhà hàng chọn mua những cây Đào thế còn phần lớn khách chơi chọn những cành đào có hoa, có nụ, có lộc, có quả (gọi là tứ quý) tự nhiên chứ không bó tròn xoe như trước.



Bên cạnh hoa Đào truyền thống thì vài năm trở lại đây, thị trường hoa Tết Hà Nội xuất hiện một loại “Đào giả”, thu hút khá đông người mua. Loại Đào này cao từ 1,5 – 2m, có nhiều nụ hoa mềm và mượt như tuyết, lớn gấp khoảng 3 lần nụ Đào và phân bố đều khắp thân. Một số người bán hoa gọi đây là hoa Tầm Xuân nhưng thực chất đây là loại Đào tuyết nhập từ Trung Quốc và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường hoa tết, với nhiều màu: vàng, trắng, xanh, hồng đỏ… nhưng chỉ có màu trắng là thật màu, còn các màu khác là màu nhuộm. Điều này rất dễ nhận thấy, khi hoa nở, nụ bung ra và màu của nụ ban đầu chỉ còn “bám” ở phía ngoài. Người chơi hoa loại này cũng dễ nhận biết khi mua hoa, phẩm nhuộm vẫn dính trên thân Đào. Đây là loại Đào mới lạ, giá lại rẻ nên nhiều người cũng thích mua chơi.



Đào Quất tấp nập bắt đầu từ đầu tết Dương Lịch mồng 1 đến cận ngày 30 Tết âm lịch. Các chủ vườn dự báo Quất và Đào, hai loại hoa – cây cảnh truyền thống ngày Tết Kinh kỳ luôn có biến động lớn. Khách bình dân vẫn có thể tìm mua những cây Quất, cây Đào có giá trên dưới 100 nghìn đồng. Nhưng, với những loại Quất, Đào thế, chính gốc Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng An… thì giá có thể lên tới cả triệu đồng. Điều này gắn với thực tế diện tích trồng Đào Quất của Hà Nội đã bị thu hẹp gần hết do quá trình đô thị hoá. Đào Quất đẹp vẫn còn nhưng không nhiều như trước, trong khi Đào Quất thứ dạng “tầm xuân” lại xuất hiện nhiều do các tỉnh lân cận Hà Nội chuyển về vào những ngày giáp Tết. Khu vực trồng Quất hiện nay tập trung ở quanh gần phủ Tây Hồ, đường Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ) cũng chỉ còn lại vài chục hộ dân. Từ đầu tháng Chạp âm lịch, Quất đã cho đủ cả quả chín vàng đến quả xanh, hoa và lộc. Đó là những cây Quất “tứ quý”, giá dao động từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/cây. Trận mưa kéo dài đầu tháng 11 vừa qua đã làm cho nhiều hộ trồng Quất ở đây điêu đứng, nhất là vùng trồng Quất Tứ Liên… Quất đẹp trong tết Kỷ Sửu này chắc sẽ có giá cao hơn từ 10 – 20% so với năm ngoái.



Để có những vườn Đào, Quất trong thời khắc chuyển vần của vũ trụ, đã có biết bao người dân cùng trồng Đào Quất đổ mồ hôi, nước mắt cả suốt một năm ròng. Người dân Quảng An kể rằng, muốn có những cây Quất đẹp, nhiều quả to, lá xanh dày tươi, cành và chi mập hoặc có cây Quất tạo dáng song phụ, Quất tán nhiều tầng, Quất tứ đại đồng đường, Quất ngũ đại bách niên (có bốn thế hệ quả, có thêm hoa)… đặt trong những biệt thự, nhà khách, cửa hàng sang trọng trong ngày Tết thì người trồng Quất phải “đêm đêm quật đất, ngày ngày dầm dãi nắng mưa, gió bão” để chăm sóc cây Quất.



Nghe chuyện trồng Đào Quất, người ta mới thấy say đắm về giá trị của những loài cây hoa trong mùa xuân của dân tộc Việt Nam. Ai dù chỉ một lần qua đây trong sắc thắm Đào xuân cũng khó quên trên đất Kinh Kỳ – Thăng Long – Hà Nội lại những sắc hoa xuân đẹp đến vậy! Người ta đến đây để tặng nhau sắc đào của Vua Quang Trung gửi công chúa Ngọc Hân. Người ta cũng tặng nhau màu hoa Đào keo sơn, thắm tình nghĩa anh em “kết nghĩa vườn đào” như thời Tam Quốc giữa Lưu Bị, Quan Vũ cùng Trương Phi để dựng xây cơ nghiệp nhà Thục. Sắc thắm Đào Quất dẫn ta đến với mùa xuân bất tận của tình yêu, tình bạn và hạnh phúc cho những ai được cùng nhau qua một lần đã qua chốn kinh kỳ Thăng Long xưa và nay./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *