Nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), kiến trúc Việt Nam đã trải qua một hành trình dài đầy thử thách nhưng cũng rực rỡ thành tựu. Từ những ngày đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước, đến thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, kiến trúc Việt Nam không chỉ phản ánh sự phát triển kinh tế – xã hội mà còn là tấm gương lưu giữ bản sắc dân tộc, tinh thần sáng tạo và khát vọng vươn lên.
Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng ngày 19/4/2025 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội nhìn lại chặng đường 50 năm, định hướng tương lai cho nền kiến trúc nước nhà và hướng tới Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4. Sự kiện do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp cùng Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh thực hiện, là một trong những hoạt động trọng điểm nằm trong chuỗi chương trình tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam sau thống nhất theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Kế hoạch số 390-KH/BTGTW.
Với sự tham dự của hơn 400 đại biểu, bao gồm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, bảo tồn di sản, lý luận phê bình, đào tạo, và quản lý nhà nước, Hội thảo là một điểm hẹn lịch sử – nơi ngành kiến trúc nhìn lại chặng đường 50 năm kiến tạo cùng đất nước.
Kiến trúc trong dòng chảy thống nhất: Nhìn lại để tiếp bước
50 năm không phải là khoảng thời gian dài trong lịch sử dân tộc, nhưng với ngành kiến trúc, đó là hành trình nhiều biến động, gắn liền với công cuộc xây dựng lại đất nước, phát triển đô thị, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập toàn cầu. Từ những dấu ấn kiến trúc thời bao cấp, đến các đô thị sôi động thời kỳ Đổi mới, từ các làng quê truyền thống đến những thành phố thông minh đang dần hình thành, kiến trúc đã không ngừng biến chuyển cùng sự phát triển kinh tế – xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, KTS Nguyễn Trường Lưu – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS TP. Hồ Chí Minh – đã điểm lại những dấu mốc đáng nhớ của kiến trúc miền Nam trước và sau 1975, đặc biệt nhấn mạnh về những công trình mang đậm bản sắc bản địa đang dần biến mất trong quá trình đô thị hóa. Ông đặt ra vấn đề về “mã di truyền kiến trúc Việt Nam” – một chủ đề mở, vừa gợi cảm hứng nghiên cứu lý luận, vừa đặt ra trách nhiệm sáng tạo trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Trong bài tham luận dẫn luận, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội KTS Việt Nam – đã đánh giá Kiến trúc Việt Nam sau thống nhất là một nền kiến trúc có bước phát triển vượt bậc. Theo ông, để kiến trúc Việt Nam thực sự hiện đại và mang bản sắc, cần thực hiện đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch; chú trọng phát triển kiến trúc nhiệt đới hiện đại, kiến trúc bản địa, kiến trúc xanh; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, trọng dụng nhân tài và phát triển lực lượng lý luận – phê bình chuyên nghiệp.
Thành tựu và những dấu ấn của kiến trúc nửa thế kỷ qua
Hội thảo là dịp để tổng kết hành trình 50 năm quy hoạch và phát triển kiến trúc miền Nam – một khu vực mang tính đặc thù cả về địa lý, khí hậu lẫn văn hóa. Những tham luận từ TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, ThS.KTS Phạm Văn Phước, TS.KTS Nguyễn Song Hoàn Nguyên, TS.KTS Trần Anh Tuấn… đã làm nổi bật bức tranh kiến trúc miền Nam sau ngày thống nhất: từ tái thiết đô thị cũ, xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư mới, đến việc gìn giữ di sản đô thị và phát triển kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong 50 năm qua, đô thị hóa không chỉ là một xu thế mà còn là một động lực thúc đẩy kinh tế. Theo đánh giá từ các chuyên gia, diện mạo đô thị và nông thôn Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại và có bản sắc. Hàng trăm nghìn công trình kiến trúc trên cả nước đã hình thành – vừa phục vụ nhu cầu phát triển, vừa góp phần khẳng định năng lực sáng tạo của giới kiến trúc sư Việt.
Từ các công trình công cộng, bệnh viện, trường học, trung tâm hành chính, đến các khu dân cư, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, không gian cộng đồng… mỗi công trình là một “tế bào sống” trong tổng thể kiến trúc quốc gia – phản ánh thẩm mỹ, công năng và tinh thần thời đại.
Những khoảng trống và thách thức hiện hữu
Dù đã đạt được nhiều thành tựu, Hội thảo cũng chỉ ra không ít khoảng trống và thách thức đang đặt ra cho kiến trúc Việt Nam hiện nay. Một số xu hướng sao chép rập khuôn, thiếu tính bản địa, phát triển manh mún, thiếu quy hoạch đồng bộ và chiến lược dài hạn… vẫn tồn tại trong nhiều địa phương. Công tác lý luận phê bình kiến trúc còn yếu, đào tạo chưa theo kịp thực tiễn, và chính sách phát triển nguồn lực chưa đủ sức hấp dẫn để nuôi dưỡng tài năng trẻ.
Không gian kiến trúc đô thị nhiều nơi chưa tạo được sự kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa thiên nhiên và con người. Việc bảo tồn di sản kiến trúc còn lúng túng, thiếu tầm nhìn chiến lược, dẫn đến nguy cơ đánh mất những giá trị không thể thay thế.
Một thực trạng đáng chú ý khác là sự thiếu vắng của các “tuyên ngôn kiến trúc” mang tầm quốc gia – những tư tưởng dẫn đường cho giới kiến trúc sư và quy hoạch viên sáng tạo trong khuôn khổ phát triển bền vững và bản sắc.
50 công trình tiêu biểu: Những viên gạch vàng trong hành trình nửa thế kỷ
Trong khuôn khổ Hội thảo, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức triển lãm và trao “Bằng khen Công trình kiến trúc tiêu biểu các tỉnh, thành phía Nam – 50 năm đất nước thống nhất” cho 50 công trình được đề cử bởi các Hội KTS địa phương. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ KTS, mà còn là dịp để cộng đồng nhìn thấy rõ hơn giá trị của kiến trúc đối với đời sống xã hội.
Từ các công trình công cộng, nhà ở xã hội, công trình văn hóa – giáo dục, công trình tôn giáo, đến không gian cảnh quan, bảo tồn, những công trình tiêu biểu này đã góp phần tạo nên hình ảnh kiến trúc phong phú, đa dạng của một Việt Nam sau thống nhất – kiên cường nhưng không ngừng đổi mới, bản sắc mà vẫn cởi mở với cái mới.
Khẳng định bản sắc trong thời đại tiếp biến
Khép lại Hội thảo, TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – nhấn mạnh vai trò trung tâm của người kiến trúc sư trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc, sáng tạo trong tự do, phát triển trong hội nhập. Theo ông, không thể tiếp tục chạy theo những mô hình kiến trúc sao chép từ bên ngoài, mà cần xây dựng kiến trúc từ chính mảnh đất, con người, văn hóa và khí hậu Việt Nam.
Kiến trúc Việt Nam thời kỳ mới không chỉ cần đẹp, bền vững, thân thiện môi trường mà còn cần mang hơi thở của bản sắc – không gian sống phải là nơi con người thuộc về, nơi văn hóa được gìn giữ và sáng tạo tiếp nối.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò của từng đô thị, từng địa phương cũng cần được nhìn nhận một cách công bằng và rõ ràng hơn. Mỗi vùng miền đều có quyền định danh kiến trúc của mình – từ Tây Bắc gập ghềnh, Tây Nguyên huyền thoại, đến miền Tây sông nước, mỗi mảnh đất đều có tiềm năng tạo nên những công trình kiến trúc mang dấu ấn riêng biệt.
Hướng đến một tương lai kiến trúc bền vững
Nửa thế kỷ kiến trúc sau thống nhất là hành trình của đồng hành và kiến tạo – nơi kiến trúc phản ánh và góp phần định hình diện mạo mới cho đất nước. Hành trình ấy cần được tiếp nối bằng một tinh thần mới: tinh thần của sự tỉnh thức, dấn thân và khai phóng.
Như thông điệp từ Hội thảo, để kiến trúc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển hiện đại, bền vững, văn minh và nhân bản – thì yếu tố cốt lõi không chỉ là công nghệ, vật liệu hay phong cách, mà chính là con người. Con người thiết kế, con người sử dụng, con người gìn giữ và tiếp tục phát triển những giá trị mà kiến trúc mang lại.