Chị được biết đến như một bông hoa đẹp đầy tài năng ở TCty Sông Đà, với cái tên khá ấn tượng Tuấn Thị Diệp. Chị đã gắn bó cả cuộc đời với nghiệp xây dựng thủy điện và mang cả tâm huyết của mình cho phong trào phụ nữ. Rời trường ĐH Thủy lợi, sau hai năm làm quen với nắng gió công trường ở Tây Nguyên, chị Diệp xung phong lên với công trình thủy điện Hòa Bình. Năm 1979, cuộc sống còn vô vàn khó khăn, tuy nhiên ở một công trình thế kỷ mới mở ra này, cô kỹ sư trẻ Tuấn Thị Diệp đã được thỏa sức với đam mê nghề nghiệp. Cái đam mê hơi khác của phái “chân yếu, tay mềm” là ngày ngày tiếp xúc với sắt thép, xi măng… nhưng vẫn không thể làm mất đi vẻ đẹp vốn có của người con gái quê lụa. Nhớ lại những ngày đầu ấy, chị Diệp vẫn còn nguyên cảm giác sợ bóng đêm khi đi trực ca 3. Sau này đã quen với nghề, chị lại thấy vui vì trong bóng đêm của núi rừng vẫn có biết bao nhiêu đồng đội bên mình. Duyên công trường đã đưa chị gặp anh – một đồng nghiệp mà sau này đã trở thành bạn đời sát cánh cùng nhau vì những công trình làm đẹp giàu đất nước. Anh Bùi Khắc Hường – chồng chị là KTS, người thiết kế công trình Đài tưởng niệm Hòa Bình, ghi nhớ công lao của những đồng đội đã ngã xuống vì công trình thế kỷ này. Sau khi đã chuyển sang làm ở phòng Kinh tế của Cty, rồi về phòng Tổ chức đào tạo TCty chị Diệp lại thay chồng chăm lo gia đình để chồng có điều kiện theo tiếp các công trình ở những nơi xa xôi: Vĩnh Sơn, Yaly, Sơn La… Mọi người nói: “Nếu sinh con trai thì người mẹ phải vất vả bội phần”, điều này với những người vợ có chồng thường xuyên xa nhà lại càng đúng. Hai con trai chị Diệp đều cất tiếng khóc chào đời tại công trường nên chúng cũng thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ. Nhờ rèn luyện cho các cháu đức tính tự lập từ nhỏ nên nhiều khi cả bố và mẹ đều vắng nhà các cháu vẫn ngoan ngoãn, học giỏi. Đến nay, cả hai cháu đều trưởng thành. Ai cũng khen gia đình anh chị thật hạnh phúc. Chị Diệp bả “Không hiểu do môi trường Sông Đà hay đặc thù nghề nghiệp mà những người đã từng công tác ở TCty này đều nghĩ cho sự nghiệp chung trước. Hàng trăm gia đình cùng cảnh một chốn bốn nơi. Vợ – chồng mỗi người theo một công trình, con cái gửi người thân chăm sóc. Ấy vậy mà chúng tôi luôn sát cánh để vượt lên hoàn thành những công trình trọng điểm đem lại nguồn ánh sáng cho đất nước”. Gần 30 năm gắn bó cùng TCty, chị Diệp đã tham gia vào BCH Công đoàn tới 3 khóa. 10 năm làm Trưởng ban Nữ công TCty, Phó chủ tịch Công đoàn. Dấu ấn của chị được chị em nhắc đến nhiều nhất là hoạt động xã hội và phong trào nữ. Những chị em nghỉ chế độ, hoàn cảnh không may mắn trên công trình thủy điện Hòa Bình vẫn thường nhắc về một chị trưởng ban ấy, thường xuyên thăm hỏi động viên họ. Nhiều gia đình có con tật nguyền, nhớ đến chị như tri ân một người bạn tốt. Với chị họ không chỉ là bạn mà còn là địa chỉ cần được cho cuộc sống hàng ngày. Năm tháng sôi nổi nhất khi còn làm công tác nữ công, quỹ Vì sự tiến bộ phụ nữ Sông Đà, quỹ Tình nghĩa đồng nghiệp hay Vì trẻ thơ Sông Đà do chị làm ủy viên Hội đồng quản lý quỹ đã mang lại động lực cho hàng trăm lao động nữ. Các cháu thiếu nhi được động viên kịp thời bằng học bổng hàng năm đã vươn lên học giỏi, giúp bố mẹ yên tâm theo các công trình. Phong trào nữ ở TCty Sông Đà luôn giành được nhiều thành tích nổi bật, trong đó dấu ấn của chị Diệp đã được khắc ghi. Những năm sau khi kết thúc công trình Hòa Bình, chị Diệp đã cùng lãnh đạo TCty chủ động tìm nguồn vốn, giải quyết việc làm cho các gia đình. Nguồn vốn từ TLĐLĐVN đã giúp hàng trăm gia đình nữ ở TCty Sông Đà vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó phong trào “Mẹ giỏi – Con ngoan” cũng được chị em hưởng ứng với hàng trăm cặp mẹ con đạt danh hiệu này được khen thưởng mỗi năm. Hoạt động phong trào sôi nổi dường như đã luôn đem lại vẻ đẹp rạng rỡ với chị. Mỗi năm cứ vào dịp 8/3, người thủ lĩnh nữ công này lại tất bật với biết bao chương trình nào là lo lễ kỷ niệm cho chị em, tổ chức thăm hỏi các gia đình nữ hoàn cảnh đặc biệt… Nhiều khi chồng và các con muốn chúc mừng chị nhưng cũng đành phải đợi chị xong mọi công việc chung. Bù lại cho những thiệt thòi này, chị Tuấn Thị Diệp đã được vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Tập thể nữ TCty Sông Đà cũng đã được nhận Giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2006. Ngày 8/3 năm nay, chị Diệp đã thôi vai trò Trưởng ban Nữ công, tuy nhiên vị trí Phó phòng Tổ chức đào tạo TCty vẫn giúp chị dành thời gian và tâm huyết cho những người lao động, nhất là chế độ chính sách tiền lương đối với lao động nữ. Hỏi về những ấn tượng trong quãng thời gian làm việc ở TCty, chúng tôi nhận được câu trả lời thật giản dị của chị: “Có lẽ phẩm chất Anh hùng của TCty Sông Đà đã giúp lao động nữ như chúng tôi luôn vượt lên hoàn cảnh riêng để hoàn thành nhiệm vụ chung. Đó cũng là văn hóa Sông Đà”. |