Hiện các KCN, KCX trong cả nước, thu hút gần 3 triệu lao động với mức lương bình quân 1,8 triệu đ/người/tháng. Tuy lợi ích KT-XH của các KCN, KCX là không nhỏ, song trên thực tế lại đang tồn tại một nghịch lý giữa tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận của các DN và đời sống của người lao động (NLĐ). Theo các chuyên gia kinh tế thì đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng khan hiếm lao động (cả lao động có tay nghề và lao động phổ thông) và các cuộc tranh chấp lao động ngày càng gia tăng, nhất là tại các tỉnh phía Nam.
Năm 2008, tại Bình Dương và TP.HCM đã xảy ra 89 cuộc ngừng việc tự phát của gần 60 nghìn công nhân đòi tăng lương. Một điều đáng quan tâm nữa là, phần lớn công nhân đã “tự nguyện” tăng ca từ 600 – 700 giờ/năm để có thêm thu nhập. Hậu quả là hầu hết NLĐ làm việc trong các KCN, KCX không thể có tích luỹ cũng như thời gian để nâng cao học vấn, tay nghề, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Đời sống văn hoá, tinh thần ngày càng nghèo nàn, đơn điệu. Các KCN, KCX thu hút mạnh giới đầu tư cả trong và ngoài nước vì các lý do như giá thuê cơ sở hạ tầng, nhân công rẻ và chính sách ưu đãi của các địa phương. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến phát triển SXKD và tăng lợi nhuận mà lại không bị ràng buộc trách nhiệm phải chăm lo đến điều kiện làm việc, ăn, ở, hưởng thụ văn hoá của NLĐ. Số liệu điều tra gần đây nhất cho thấy, trong số gần 2 triệu lao động trực tiếp tại các KCN, KCX thì có tới hơn 50% là lao động ngoại tỉnh. Tuy tổ chức công đoàn tại một số KCN, KCX có tổ chức các hoạt động văn hoá, tinh thần cho công nhân, song còn rất khiêm tốn. Điều kiện làm việc, ăn ở của NLĐ chưa được cải thiện nhiều, họ không được hưởng ưu đãi gì từ giới chủ. Đó là chưa kể các phương tiện phòng chống tai nạn lao động cho công nhân chưa được giới chủ quan tâm đúng mức dẫn tới nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Theo kết quả điều tra xã hội học của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, hơn 70% lao động ở các KCN tại TP.HCM là dân nhập cư. Con số này ở các KCN của Hà Nội, Hải Phòng là hơn 60%. Họ hầu hết là lao động trẻ nên gặp nhiều khó khăn trong ổn định cuộc sống, gia đình, nhất là về nhà ở. Phần lớn họ phải thuê nhà dân vì không mấy DN có ký túc xá và các khu làng công nhân. Kết quả khảo sát cho thấy, gần 67% công nhân có nhu cầu nhà ở, song các DN mới chỉ đáp ứng được 10 – 15%. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mặc dù có chủ trương ưu tiên xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhưng do vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi lâu nên đến nay mới chỉ có một số DNNN đầu tư, giải quyết chỗ ở cho khoảng gần 8 nghìn người. Còn ở TP.HCM, cho đến nay các DN cũng mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 16 nghìn lao động, so với chỉ tiêu mà TP đề ra mới đạt 25% kế hoạch. Khảo sát công nhân tại các KCN, KCX đều nhận được câu trả lời: Nếu có các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao thì cũng chỉ diễn ra tại địa bàn cư trú và không phải ai cũng có điều kiện tham gia. Còn tại các nơi cư trú, số lượng các buổi biểu diễn văn hoá, thể dục, thể thao lại quá ít ỏi và nghèo nàn. Do thu nhập thấp, lại chịu áp lực về thời gian làm việc nên rất ít NLĐ có điều kiện tham gia các hoạt động trên. Ông Nguyễn Tùng – Phó chủ tịch Công đoàn các KCN, KCX TP.HCM cũng cho biết, tại TP có hơn 70 nghìn công nhân, trong đó hơn 70% là nữ. Việc chăm lo đời sống văn hoá của công nhân chỉ là đưa một số đoàn nghệ thuật đến biểu diễn, nhưng muốn tổ chức phải kết hợp với các đơn vị tài trợ. Do là dân nhập cư, không có hộ khẩu nên NLĐ ít được hưởng các chế độ đãi ngộ xã hội, đời sống văn hoá, tinh thần rất nghèo nàn. Hơn thế, đa số lao động xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo, trình độ học vấn thấp, trình độ và nhu cầu hưởng thụ văn hoá không cao. Nhiều người không quan tâm đến những vấn đề chính trị – xã hội, chưa theo kịp lối sống công nghiệp, tâm lý tự ti, kỷ luật lao động, ý thức tự giác lỏng lẻo… dẫn đến gia tăng các tệ nạn xã hội ở các khu nhà trọ đông người. Những nguyên nhân trên làm cho NLĐ ở các KCN, KCX không an tâm làm việc lâu dài. Chị Hồ Thu Nga, công nhân tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho rằng, hầu hết các mâu thuẫn nảy sinh từ những bất hợp lý kéo dài về tiền lương, tiền làm thêm giờ, điều kiện làm việc, các đối xử thô bạo của giới chủ không được giải quyết kịp thời và triệt để đã gây bất bình cho NLĐ. |
Ai chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần của công nhân ?
1