Trang chủ » Tai nạn luôn đe dọa người lao động

Tai nạn luôn đe dọa người lao động

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments









Trong các ngành nghề và lĩnh vực sản xuất thường xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ), thì ngành Xây dựng luôn có số vụ TNLĐ chết người chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là ở các DN vừa và nhỏ. Mặc dù Bộ Xây dựng và CĐXDVN đã tập trung đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) và ban hành nhiều văn bản quy định về ATVSLĐ-PCCN, song nguy cơ TNLĐ vẫn là mối đe dọa thường xuyên với NLĐ.





Mặc dù được trang bị BHLĐ nhưng nhiều NLĐ không sử dụng (ảnh Huệ Anh).


Điều kiện lao động không bảo đảm




Ngành Xây dựng là một ngành sử dụng nhiều LĐ với gần 350 nghìn người, trong đó các DN trực thuộc Bộ hơn 240 nghìn người. NLĐ phải làm việc trong điều kiện phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn dẫn đến TNLĐ và bệnh nghề nghiệp (BNN). Năm 2008, Bệnh viện Xây dựng đã tiến hành đo kiểm 13.828 mẫu về môi trường LĐ, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, ánh sáng, bụi, tiếng ồn, rung, hơi, khí độc, phóng xạ và từ trường tại 41 cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy, tuy môi trường LĐ được chuyên môn và CĐ các cấp quan tâm đầu tư khắc phục, nhưng vẫn còn 9,84% số mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép (năm 2007 là 13,1%). Một số điều kiện làm việc như nhiệt độ, bụi, tiếng ồn số mẫu không đạt tiêu chuẩn vẫn chiếm tỷ lệ cao. Bệnh viện cũng đã khám, phát hiện BNN cho 1.690 lượt người, trong đó phát hiện 11 trường hợp mắc bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.



Ngoài ra, máy móc, công cụ LĐ không đảm bảo an toàn vẫn đưa vào sử dụng và NLĐ không được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân trong LĐSX đều là những nguyên nhân dẫn đến TNLĐ. Theo báo cáo của các đơn vị trực thuộc Bộ, năm 2008 đã xảy ra 167 vụ TNLĐ, trong đó 15 vụ TNLĐ chết người làm 21 người chết. Vụ TNLĐ chết người nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 15/7/2008 tại Cảng Cái Lân (Quảng Ninh) làm 7 CNLĐ Cty CP Lilama 69.2 bị chết và 1 người bị thương nặng.




NLĐ ít được huấn luyện về ATVSLĐ




Số liệu điều tra ATLĐ trên các công trình xây dựng vừa và nhỏ của Bộ LĐTB&XH thời gian qua cho thấy: 84% NLĐ trên các công trường xây dựng là LĐ nông nhàn, trong đó trên 90% chưa được huấn luyện ATVSLĐ; chỉ có 24,6% NLĐ được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong LĐ; 34% DN có giàn giáo chắc chắn, đủ rộng, có lan can che chắn; 14,6% DN có nước uống hợp vệ sinh cho NLĐ… Lãnh đạo Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các DN sử dụng LĐ và bản thân NLĐ. DN thiếu quan tâm, đầu tư cải thiện điều kiện LĐ, đưa vào sử dụng máy, thiết  bị không an toàn, không xây dựng quy trình, nội quy ATLĐ, không trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ phần lớn chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp nên tác phong công nghiệp hạn chế, không được huấn luyện về ATVSLĐ. Hiện tượng phổ biến nhất là việc xây dựng, cải tạo nhà xưởng, thiết bị, công nghệ sản xuất không gắn với thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nhằm giảm chi phí và vi phạm các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều quy định liên quan đến ATLĐ, nhưng nhiều cơ sở người sử dụng LĐ ít tuân thủ các quy định đó, nhất là việc khai báo TNLĐ. Do vậy, các vụ TNLĐ chết người xảy ra chỉ được khai báo khi người bị TNLĐ có tham gia BHXH bắt buộc hoặc DN không thể che giấu được… Nguyên nhân đáng quan tâm nữa là tình trạng chạy theo tiến độ hoặc khoán trắng công việc còn xảy ra ở nhiều nơi. Các vụ TNLĐ do ngã cao, vật liệu rơi, đổ; tai nạn khi làm việc ở những vị trí cheo leo hoặc những nơi làm việc nguy hiểm nhưng thiếu cảnh giới vẫn còn tái diễn.



Giải pháp chưa hiệu quả



Các cấp CĐ Ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đồng cấp tập trung khắc phục ngay những tồn tại, yếu kém trong thi công, SX tại các công trình, nhà máy đã xảy ra TNLĐ chết người. Các công trình trọng điểm, tập trung đông CNLĐ, điều kiện LĐ phức tạp, nguy hiểm được tập trung kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm, các biện pháp ATLĐ đã được lập và phê duyệt kể cả hồ sơ quản lý, chỉ đạo thi công…



Có thể nói các cấp, ngành đều có giải pháp để tăng cường công tác phòng ngừa TNLĐ, nhưng xem ra đến nay các giải pháp vẫn chưa hiệu quả, còn nhiều bất cập. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần kiểm tra công tác khai báo, điều tra TNLĐ, xác định chính xác nguyên nhân và trách nhiệm trong việc để xảy ra TNLĐ. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn các DN trong Ngành tập trung thực hiện các giải pháp giảm thiểu TNLĐ. Đáng chú ý là: Kiện toàn bộ phận chuyên trách về ATLĐ trong các DN vừa và nhỏ. Những đơn vị hoạt động độc lập có trên 300 LĐ cần phải bố trí ít nhất 1 cán bộ chuyên trách BHLĐ (dưới 300 LĐ có thể bố trí cán bộ bán chuyên trách). Cán bộ làm công tác BHLĐ phải được đào tạo chuyên môn, hiểu biết về kỹ thuật, quy trình công nghệ trong thi công xây lắp, sản xuất VLXD và pháp luật, chế độ chính sách BHLĐ. Tất cả các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.