Đề xuất hoành tráng cho hạ tầng Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây












Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ kết quả lấy ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành và địa phương về Dự án hệ mạch phát triển cấp nước môi trường, sinh hoạt, kết hợp phát triển điện, giao thông cho Thủ đô và chuỗi đô thị phía tây Hà Nội. Đây là đề xuất của Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (gọi tắt là Công ty Bình Minh) với sốvốn đầu tư khổng lồ, lên đến 46,7 nghìn tỷ đồng.


Quy mô táo bạo



Đề án có bốn hạng mục đầu tư quan trọng là cầu đường, thủy điện, môi trường và cấp nước sinh hoạt. Theo cơ cấu vốn đầu tư, cả bốn hạng mục đầu tư quan trọng trong dự án đều thuộc hạng mục công trình nhóm A. Phạm vi thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội (bao gồm phần mở rộng), Phú Thọ và Hòa Bình. Tổng diện tích sử dụngđất là 985 ha. Trong đó, diện tích đất giao thông là 838,3 ha, diện tích trạm xử lý nước 48 ha, diện tích đất xây dựng các công trình khác 98,7 ha. Chủ đầu tư xây dựng công trình trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo các hình thức BT, BOT và BTO



Nhà đầu tư đề xuất dự án với năm mục tiêu chính, bao gồm: Về môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng cường lưu lượng nước về Hồ Tây, làm sạch nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ, góp phần giữ gìn thủ đô xanh, sạch, đẹp, tăng cường sức khỏe cộng đồng dân cư. Về cảnh quan, duy trì ổn định mực nước hồ Đồng Mô, góp phần tăng cường cảnh quan khu du lịch và làng văn hóa Việt Nam, cải thiện cảnh quan hai bên bờ sông Tích, sông Đáy. Về cấp nước, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và công nghiệp cho thủ đô Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây đến sau năm 2020. Về cấp điện, xây dựng trạm phát điện công suất 100MW tại khu vực xóm Đạo, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Về giao thông, xây dựng hệ thống giao thông kết hợp với cấp nước theo trục Đồng Mô – Hà Nội.



Đánh giá tác động của dự án đối với xã hội, Cty Bình Minh cho rằng, dự án được xây dựng ở khu vực có mật độ dân cư thấp, do vậy công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi. Khi dự án được thực thi sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế của khu vực.

Ý tưởng tốt nhưng còn thiếu thuyết phục



Ý kiến từ phía Bộ Tài chính là cần chứng minh khả năng tài chính của doanh nghiệp, khả năng huy động vốn đầu tư, nhấn mạnh không sử dụng vốn nhà nước và vì mục đích kinh doanh. Về phía Bộ Công thương đánh giá, phương án sử dụng nước hồ Hòa Bình như kiến nghị trong báo cáo chưa làm rõ về định lượng ảnh hưởng của dự án đến việc giảm sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình.



Nhìn chung, đây là một ý tưởng xây dựng kết cấu hạ tầng có tính chất liên vùng, liên tỉnh có ý nghĩa trong việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá của Hà Nội và các đô thị phía Tây Hà Nội. Đa số ý kiến ủng hộ ý tưởng của dự án. Tuy nhiên, nội dung còn một số vấn đề như chưa xác định các thời hạn tính toán theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đề xuất không nằm trong nội dung quyết định phê duyệt của các đồ án quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây (trước đây); chưa thể hiện rõ cơ cấu nguồn vốn, đặc biệt là việc sử dụng ngân sách cho cấp nước và tính khả thi của các khoản vay…



Tại văn bản số 499 /BXD – HTKT,Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo liên danh tư vấn lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng phối hợp với Công ty Bình Minh xem xét, nghiên cứu và tính toán, kiểm tra các đề xuất của đề án để tiếp thu, thể hiện các ý tưởng có tính khả thi trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng.


 



Song Ha

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *