Trong các ngày 27.3 tại trường đại học Mỹ thuật Hà Nội và 29.3 tại khách sạn Duxton – TP.HCM đã diễn ra lễ trao giải thưởng cuộc thi Đánh thức không gian và chương trình thảo luận về Vai trò của nghệ thuật trong không gian công cộng đô thị do Hội đồng Anh, báo Thể thao & Văn hoá cùng mạng Ashui.com phối hợp tổ chức.
Ảnh tư liệu chụp cầu Long Biên khi còn nguyên vẹn (tác giả cung cấp) |
Chùm hoạt động này tập trung vào tình hình thực tiễn ở Việt Nam và nước Anh, vai trò của người nghệ sĩ, vai trò của người dân, của người làm hoạch định chính sách trong việc đưa nghệ thuật vào không gian công cộng… Làm thế nào để đưa nghệ thuật vào không gian công cộng, cần những tác nhân, yếu tố gì, làm sao để kết nối nghệ sĩ và cơ quan quản lý, những dự án thành công ở Anh và Việt Nam…
Hãy để nghệ thuật biến đổi thành phố của bạn – là khẩu hiệu của cuộc thi Đánh thức không gian từ tháng 12.2008 đến cuối tháng 2.2009, và điều bất ngờ vượt ngoài dự kiến của ban tổ chức, khi lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức ở Việt Nam, nhưng chỉ sau ba tháng phát động, đã có gần 400 không gian công cộng tại các thành phố từ Bắc vào Nam được “đánh thức” bằng các ý tưởng có giá trị nghệ thuật.
Cầu Long Biên sẽ sống dậy với những ký ức lịch sử (Cầu Long Biên: ngày và đêm); Cột cờ – cửa Bắc Thành sẽ được đánh thức bằng bản nhạc giao hưởng trữ tình (Đánh thức không gian bằng âm nhạc và ánh sáng); đường Huyền Trân Công Chúa sẽ là con đường của âm nhạc (Con đường âm nhạc)… Có rất nhiều những thứ ta gặp hàng ngày, tưởng như đã cũ kỹ, nhàm chán thì nay bỗng sống dậy. Đó là chiếc bồn nước cũ kỹ trên đường phố Sài Gòn sẽ không còn đen đúa rêu mốc nữa mà sẽ bừng dậy với chiếc áo mới (Bồn nước – mơ chiếc áo mới); đó là những con thuyền sắt, xi măng trên suối Yến vào chùa Hương sẽ trở thành những bức tranh rực rỡ và suối Yến trở thành dòng sông màu sắc hài hoà với hai bờ cỏ cây (Dòng sông màu sắc). Rồi cả đến những biển hiệu khô cứng, cả những cây cột điện xi măng xấu xí cũng được thổi hồn bởi những ý tưởng lãng mạn tuyệt vời và chúng trở nên sống động hơn bao giờ hết (Qua đường nhớ phố, Cột điện – bóng cây,…).
Ảnh hiện trạng cầu Long Biên chụp tối 20.2.2009 (tác giả cung cấp) |
Rất nhiều những không gian mới đã thức dậy thực sự trong cuộc thi này. Đó là sự thức dậy của sắc màu, hình ảnh, âm thanh – đẹp hơn, tươi mới hơn, thân thiện, gần gũi hơn. Nhưng đó còn là sự thức dậy của chiều sâu lịch sử văn hoá, của những giá trị tinh thần lớn lao có tính triết lý sâu sắc. Chúng tôi muốn nói đến ý tưởng “đánh thức” cầu Long Biên, mà tất cả thành viên giám khảo đều cho điểm tuyệt đối.
Cầu Long Biên là một tài sản đặc biệt đối với Hà Nội, gắn liền với lịch sử, kiến trúc, lịch sử công nghệ thế giới, với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với nhiều người, ký ức về cầu Long Biên rất lớn, rất rõ ràng. Nó đã trở thành một nhân vật rồi chứ không còn là cái cầu nữa. Trước đây, đã có rất nhiều ý tưởng, dự án về cầu Long Biên, nhưng không phải ý tưởng nào cũng thành công. Nhưng ý tưởng Cầu Long Biên: ngày và đêm của một nhóm tác giả yêu Hà Nội, dù rất đơn giản về mặt kiến trúc thị giác, nhưng lại mở ra một trường liên tưởng mới, một sức sống mới cho cây cầu này. Ai cũng biết cầu Long Biên từng bị bom Mỹ đánh phá làm gãy một số nhịp và sau đó được hàn gắn lại. Thế nhưng ít ai biết rằng sau khi hàn gắn cầu Long Biên đã bị “là phẳng”, tức là mất đi những nhịp cầu nhấp nhô vươn lên (mà chỉ còn một đoạn nhấp nhô đầu cầu phía ga Long Biên). Rõ ràng cây cầu đã thay đổi. Làm sao để đánh thức ký ức của mọi người (và cũng là ký ức lịch sử) về một cầu Long Biên từ thủa ban đầu, và cả những biến đổi của nó cho tới hiện thực ngày nay? Giải pháp đưa ra thật kỳ lạ: dùng đèn chiếu cao áp và hệ gương cầu,chúng ta có thể tái tạo các nhịp cầu đã mất, hoặc dùng dây căng mà đèn bóng bọc nhựa để chăng lên thành các nhịp cầu. Tóm lại là mô phỏng lại những nhịp cầu đã biến mất, để ban đêm khi ánh sáng bật lên, cây cầu hiện ra nguyên vẹn như thủa ban đầu với đầy đủ các nhịp cầu nhấp nhô. Điều thú vị hơn nữa, là ban ngày khi ánh sáng tắt đi thì cây cầu lại trở về với hiện thực. Quá khứ đã được tái hiện, nhưng không lấn át mà tiếp nối với hiện tại. Đó là cái ý tưởng tuyệt vời nhất!
Ảnh minh hoạ ý tưởng chuyển đổi |
Trên thế giới có rất nhiều ý tưởng để bảo tồn, cải tạo cầu. Một số cây cầu nổi tiếng ban đêm họ đều trang trí đèn để cây cầu nổi bật lên lộng lẫy. Nhưng đó chỉ là những ý tưởng làm đẹp. Còn cầu Long Biên thì đã có một lịch sử bi tráng và chúng ta đánh thức lịch sử ấy. Khó có thể hình dung được hiệu ứng thị giác cũng như sự chấn động tình cảm đối với đông đảo người dân khi ý tưởng này được thực thi trên cả một không gian rộng lớn bên trên mặt nước và hai bên bờ sông Hồng.
Và còn rất nhiều ý tưởng “đánh thức không gian” đầy bất ngờ và lôi cuốn khác trong gần 400 ý tưởng dự thi. Ý tưởng chuyển đổi xuất sắc sẽ có thể được biến thành hiện thực với sự tham gia của các nghệ sĩ Anh và Việt Nam. Các nghệ sĩ sẽ cùng nhau thảo luận về việc biến đổi không gian đó như thế nào, tạm thời hay vĩnh viễn…
“Tất nhiên, tại các thành phố của nước Anh, những không gian công cộng xấu xí còn nhiều lắm. Thế nhưng với việc thay đổi chính sách, việc cân nhắc sử dụng tài chính cho không gian đô thị, và trên hết, là sự nhận thức cùng sự tham gia của công chúng vào quá trình cải tạo không gian, rất nhiều không gian đã được chuyển đổi bằng các hình thức nghệ thuật khác nhau. Chúng tôi tin rằng, Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội để làm như vậy”, ông Simon Beardow, phó giám đốc Hội đồng Anh phát biểu.
Hy vọng, cuộc thi này sẽ phần nào giúp tăng cường nhận thức của người dân và nhà quản lý về tầm quan trọng của văn hoá, nghệ thuật trong đời sống đô thị Việt Nam ngày nay cũng như nhận thức về vai trò quan trọng của công chúng trong quá trình xây dựng đô thị.
Việt Khang
Phác hoạ giải pháp chiếu sáng cho cầu Long Biên |
Kết quả cuộc thi Đánh thức không gian
1 giải nhất: Tác phẩm Cầu Long Biên: ngày và đêm – Nhóm tác giả: Lại Thành Tín, Lê Anh Quyến, Đặng Ngọc Tú
5 giải nhì:
1. Bồn nước mơ chiếc áo mới – Tác giả: Nguyễn Thành Nhân
2. Đánh thức không gian bằng âm nhạc và ánh sáng – Tác giả: Trần Thị Trường
3. Con đường đặc biệt cho những nghệ thuật không bình thường – Tác giả: Trương Trần Tiên Thảo, Nguyễn Hồ Kim Long
4. Dòng sông màu sắc – Tác giả: Nguyễn Trần Hiếu
5. Cột điện – bóng cây – Tác giả: Trương Nam Thuận
4 giải ý tưởng:
1. Qua đường nhớ phố – Tác giả: Trần Hậu Yên Thế
2. Con đường âm nhạc – Tác giả: Đào Nguyên Thạch Thảo, Nguyễn Thọ Cường
3. Bức tranh của tự nhiên – Tác giả: Trương Nam Thuận
4. Vô di ảnh – Tác giả: Đỗ Thái Thuận
1 giải Ashui (cho ý tưởng kiến trúc): Tác phẩm Chung và riêng – Tác giả: Dương Hồng Hiến