Khi xây dựng kế hoạch đào tạo nghề năm 2009, nhiều địa phương ở ĐBSCL (Đồng Tháp, Vĩnh Long…) nhận định: Mấy năm qua, công tác tuyển sinh dạy nghề gặp khá nhiều khó khăn, nguyên nhân là do Một bộ phận không nhỏ thanh niên nông thôn, học sinh không có điều kiện theo học đại học đã đổ về thành thị tìm việc làm để có thu nhập ngay tại các KCN, KCX. Không ít xã vùng nông thôn ĐBSCL có cả ngàn lao động đổ về các đô thị tìm việc làm.
Theo một khảo sát mới đây, ở xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) có trên 5.100 lao động xin xác nhận hồ sơ làm thủ tục đi tìm việc và học tập ở ngoài xã. Lao động trẻ (từ 18-30 tuổi) ở không ít xã chỉ còn khoảng 20-30% như ở xã Tân Phú (huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Thực trạng này khiến sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Điều đó bộc lộ rất rõ trong những năm qua khi tới mùa thu hoạch lúa. Giá thuê lao động cắt lúa từ vài trăm ngàn đồng/ha, tới năm 2007 đã vọt lên trên 1 triệu đồng/ha; lúa đổ ngã ở Kiên Giang, Vĩnh Long… nông dân phải thuê thợ cắt với giá lên đến 1,7 triệu đồng/ha. Lao động hiếm tới mức thời điểm thu hoạch rộ, một số nông dân phải ra tận bến xe tìm đón thợ, “bao” tiền xe đưa thợ về tận ruộng. Ông Huỳnh Văn Thang ở xã Tân Huề (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) cho biết: Nhiều chủ ruộng phải chủ động tìm gặp cánh thợ gặt hợp đồng miệng, nhưng tới lúc xuống ruộng cắt lúa thợ cắt lại đòi… tăng giá. Điều đáng nói hơn nữa là, do lao động trẻ nông thôn dù nhiều người chưa có nghề vẫn tìm tới các KCN, KCX tìm việc nên tình hình thiếu lao động nông nghiệp ở ĐBSCL chủ yếu là lao động trẻ. Theo một cán bộ UBND xã Tân Phú (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), lao động độ tuổi thanh niên tại xã hiện chỉ chiếm khoảng 20-30%. Một số cán bộ khuyến nông ở các địa phương khu vực ĐBSCL cho rằng: Đây là thực tế nan giải, vì lao động trẻ mới là đối tượng dễ tiếp thu việc chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp. Nếu tình trạng nông thôn tiếp tục hao hụt lao động trẻ trong sản xuất nông nghiệp, thì việc đưa công nghệ thông tin vào phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn không dễ có biện pháp tháo gỡ.
Hiện tượng lao động nông thôn đổ về thành thị còn bộc lộ điều đáng quan tâm khác trong xu hướng chuyển dịch lao động này là đời sống, việc làm của lao động nông thôn đi tìm việc ở thành thị diễn ra như thế nào? Kết quả của đoàn khảo sát về “tam nông”, mới đây do Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức cho thấy: Hầu như không xã nào nắm được lao động tại xã mình chuyển khỏi địa phương đang làm gì? Có tìm được việc làm không? Cuộc sống ra sao? Thực tế, ngoài các KCN tại ĐBSCL, lao động nông thôn ở “vựa” lúa đổ về các KCN, KCX tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương chiếm khá đông. Đời sống của đại bộ phận lao động này còn gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp, phần lớn phải thuê chỗ ở… Kết quả khảo sát tại 12 xã ở Kiên Giang mới đây cho thấy, lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp. Số lao động qua đào tạo cũng mới dừng lại ở các nghề đơn giản (đan lát, may, sửa chữa xe máy…). Không có nghề hoặc số ít có nghề nhưng tay nghề thấp, hay là nghề không ứng dụng được với sản xuất ở khu vực đô thị, nên khó tìm việc hoặc có việc làm thì thu nhập thấp. |
Ra phố tìm việc làm
3
Bài trước