Nếu như tháng ba là tháng của “Mùa con ong đi lấy mật” ở Tây Nguyên thì tháng ba của Tây Bắc, Sơn La là tháng đơm hoa, kết trái của đào, mận, nhãn… và những vạt cỏ xanh mơn mởn trải dài trên cao nguyên Mộc Châu. Ngồi trên xe vào công trường thuỷ điện Sơn La, KS Trần Đình Đại – TGĐ LILAMA 10, người đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình trên các công trình thuỷ điện Hoà Bình, Yaly, Sê San 3… bảo rằng: “Những người làm thuỷ điện coi tháng ba là tháng đẹp nhất trong năm, song với thuỷ điện Sơn La đây là tháng mở đầu cho chiến dịch của những người thợ lắp máy để kịp phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2010. Chúng tôi đang chạy đua với thời gian”. Năm chuyển mình Đúng vậy, đã nhiều lần đến với các công trình thuỷ điện trên khắp đất nước, vậy mà đến đại công trường thuỷ điện Sơn La, tôi vẫn cứ ngỡ ngàng, cứ bị choáng ngợp trước sức mạnh phi thường của con người. Những đợt gió lạnh, hanh khô khiến cả công trường không khác gì một túi bụi khổng lồ. Tiếng chuyển động của đoàn xe CAT 40 tấn, hệ thống băng tải, những chiếc cần cẩu khổng lồ tay với dài, những chiếc đầm lăn trọng tải lớn cùng hàng ngàn động cơ khác hoà vào nhau, âm vang cả một vùng đất trời. Gần 10.000 công nhân trong bộ bảo hộ lao động màu xanh LILAMA, màu vàng chanh Sông Đà xen kẽ nhau hối hả làm việc 3 ca liên tục trên những khối bê tông đồ sộ, những trụ giàn giáo cao ngất ngưởng. Giai đoạn ngăn sông cuối cùng đã được tiến hành để chuyển sang khâu xử lý kênh dẫn dòng. Sau thành công đổ 1,9 triệu m3 bê tông đầm lăn theo công nghệ RCC vượt gần 2 tháng của những người thợ Sông Đà, năm 2008 được coi là năm chuyển mình trong tiến độ thi công Dự án thuỷ điện Sơn La. Dáng dấp nhà máy thuỷ điện lớn nhất nước ta đang dần hiện ra. KS Nguyễn Kim Tới – Giám đốc Ban điều hành dự án thuỷ điện Sơn La cho biết: “Tới thời điểm này, hơn 60% khối lượng công việc đã hoàn thành, công việc còn lại phần lớn trông chờ vào đội quân lắp máy”.
Quả thật, chưa có công trình thuỷ điện nào mà LILAMA lại huy động một lực lượng kỹ sư, công nhân và xe máy đông đảo như ở dự án này và cũng chưa có công trình nào tiến độ thi công lại được rút ngắn như vậy. Trong 3 năm, ngoài nhiệm vụ lắp đặt 73.000 tấn thiết bị của 6 tổ máy, LILAMA còn chế tạo 4.500 tấn thiết bị thuỷ công bao gồm 1.800 tấn thiết bị xả sâu, 2.500 tấn thiết bị van hạ lưu và nhiều thiết bị thuỷ công khác. Vì vậy, nhiều cuộc họp giao ban đã diễn ra ngay trên công trường với sự có mặt của lãnh đạo 4 đơn vị tham gia xây dựng nhà máy là LILAMA 10, LILAMA 69-1, LILAMA 69-2 và Cty CP Lắp máy và Thí nghiệm cơ điện. Là người “cầm cái” của LILAMA ở dự án này, KS Trần Đình Đại – TGĐ LILAMA 10 khẳng định: Tiến độ công trường đang rất gấp, chỉ chưa đầy 19 tháng nữa phải đưa tổ máy 1 vào vận hành. Đây không chỉ là mệnh lệnh của đất nước mà còn là mệnh lệnh của trái tim người thợ. Vì vậy, các giám đốc thường xuyên phải có mặt ở công trường để kiểm tra và đôn đốc công việc. Tiến độ phải được kiểm soát hàng tuần, thậm chí là hàng ngày, hàng giờ. Nếu ngày đó, giờ đó chậm phải làm bù lại ngay. Nếu tính toán không chính xác, không khoa học, lũ về là chậm cả năm. Lương, thưởng của công nhân phải chi trả kịp thời để động viên họ. Nghị quyết cuộc họp giao ban nhanh chóng được triển khai trên toàn công trường. Tại cửa nhận nước, cửa đập tràn và cả khu vực nhà máy chính, hàng trăm kỹ sư, công nhân LILAMA đang cần mẫn làm việc. Tiếng máy hàn, máy cắt, cần cẩu tổ hợp thiết bị đan xen nhau, những tia sáng chớp loé liên tiếp phát ra trên những đường ống áp lực khổng lồ nối với 6 tổ máy phát điện. Đêm xuống, công trường sáng rực như thế giới ngàn sao, nhiệt độ xuống thấp khác hẳn với cái nắng nóng khô ban ngày. So với các công trình thuỷ điện trước đây, việc ăn ở, chăm sóc sức khoẻ cho công nhân chu đáo và khang trang hơn rất nhiều. Với nước da sạm nắng gió và dáng đi tất bật, KS Nguyễn Thế Trinh – Chỉ huy trưởng của LILAMA chỉ vào những thiết bị thuỷ công như đường ống áp lực, cửa nhận nước, ống xả sâu… khoe với chúng tôi: “LILAMA đã chế tạo hơn 30% khối lượng thiết bị ở dự án này. Dự kiến năm 2009, chúng tôi sẽ hoàn thành tổ hợp và lắp đặt 21.657 tấn thiết bị cửa đập tràn, cửa nhận nước, đường ống áp lực, côn khuỷu, buồng xoắn của các tổ máy… Cùng với việc tổ chức thi công khoa học, lập biện pháp thi công tối ưu cùng phương tiện lắp đặt hiện đại (cẩu 600 tấn), LILAMA sẽ hoàn thành lắp thiết bị chính vào quý II/2010. Nếu như ở các nhà máy thuỷ điện trước, chỉ một số thiết bị được siêu âm, chiếu chụp, thẩm thấu, gia nhiệt thì ở dự án này 100% thiết bị tuyến năng lượng như buồng xoắn, đường ống áp lực, côn, khuỷu, tua bin đều được Cty CP Lắp máy và Thí nghiệm cơ điện LILAMA và Viện Nghiên cứu cơ khí kiểm tra, chiếu chụp, siêu âm và lưu lại hình ảnh. Những khẩu hiệu màu đỏ, chữ vàng chạy dọc theo con đập, ngay trước cửa nhận nước: “Vinh quang thay những người đi làm thuỷ điện”, “Hạnh phúc thuộc về những người đúng hẹn”, “An toàn, năng suất, chất lượng, hiệu quả là lương tâm và trách nhiệm của người thợ lắp máy” như hối thúc, giục giã mọi người. Là người đồng hành với họ gần 30 năm, tôi hiểu lương tâm, trách nhiệm của những người thợ lắp máy không chỉ thể hiện trên các công trường mà còn trên các diễn đàn, trong các cuộc gặp mặt của Chính phủ với DN. Theo ông Phạm Hùng – TGĐ LILAMA, thay vì chúng ta phải phát huy nội lực theo quan điểm của Đảng thì chúng ta lại đang phát huy ngoại lực. Điểm qua các dự án đang xây dựng có 23 nhà máy thuỷ điện công suất từ 50 – 2.400MW do nhà thầu nước ngoài cung cấp thiết bị cơ điện; 11 nhà máy nhiệt điện chạy than chỉ có duy nhất Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng do LILAMA làm tổng thầu, các dự án còn lại do nước ngoài làm tổng thầu; 18 nhà máy xi măng chỉ có Nhà máy Xi măng Sông Thao do LILAMA làm tổng thầu, 17 nhà máy còn lại do nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc làm tổng thầu. Nghĩa là chúng ta nhập khẩu 100%, trong đó có cả lao động phổ thông như nấu ăn, bảo vệ, vệ sinh… và những vật tư, vật liệu có sẵn mà thị trường Việt Nam có thể khai thác và cung cấp. Nhiều DN Việt Nam đã vươn lên vị trí làm chủ, giờ lại quay về vị trí làm thuê. Điều này không chỉ làm cho ngành cơ khí và các ngành công nghiệp khác chậm phát triển mà còn ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động và an sinh xã hội.
Nếu như LILAMA 69-1 với các dự án nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại là cái “nôi” đào tạo cán bộ ngành lắp máy trong lĩnh vực nhiệt điện thì LILAMA 10 với thuỷ điện Thác Bà, Hoà Bình, Yaly lại là cái “nôi” đào tạo cán bộ trong lĩnh vực thuỷ điện. Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, khi Nhà máy thuỷ điện Yaly đang vào giai đoạn thi công nước rút, bên dòng Sê San, tôi đã gặp AHLĐ Nguyễn Huyền Chiệc. Cả thời trai trẻ, ông “chinh chiến” trên các công trường thuỷ điện Thác Bà, Hoà Bình và được mệnh danh là “Vua lắp tua bin”. Dù tuổi cao, song vì tâm huyết và yêu nghề, ông vào Yaly với tư cách là cố vấn lắp máy và đã để lại ấn tượng đẹp cho các bạn Nga và cả thế hệ trẻ. Mái tóc bạc phơ, làn da nâu sạm, ông tâm sự: “Thế hệ chúng tôi ngày xưa lớn lên từ hạt lúa, củ khoai, cái gì chạm đến máy móc cũng hết sức bỡ ngỡ. Bây giờ lớp trẻ có điều kiện học tập và đặc biệt được làm việc trong môi trường sử dụng công nghệ tiên tiến với độ an toàn cao gấp nhiều lần so với chúng tôi”. Thế rồi, sau khi 4 tổ máy Yaly phát điện, cả ông và ông Nguyễn Văn Bổng – nguyên GĐ LILAMA 10 đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Và lớp kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết như Nguyễn Đình Hải, Nguyễn Hữu Thành, Trần Đình Đại, Hoàng Văn Dư, Ngô Văn Thân… đã rèn luyện, trưởng thành và nối bước cha anh. Giữa đại ngàn Tây Nguyên, bên những gốc cây trứng cá và màu hoa cúc quỳ vàng sậm, tôi đã chứng kiến những buổi họp thông trưa, những cuộc họp giao ban nảy lửa, những phương pháp thi công tối ưu đưa ra để việc lắp 4 tổ máy trong lòng núi đá được chính xác, an toàn. Và giờ đây, chính họ đã trở thành các nhà quản lý giỏi và tâm huyết của LILAMA. Các DN này không chỉ giỏi làm thuỷ điện, vươn lên làm tổng thầu EPC trong lĩnh vực xi măng, lọc dầu, nhiệt điện mà còn làm chủ đầu tư nhiều dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, thu nhập của người lao động vào loại cao của LILAMA. Rời thuỷ điện Sơn La trong cái gió, cái bụi và ngút ngàn núi đá, nhìn con sông Đà vốn nổi tiếng hung hãn mỗi khi mưa lũ về giờ đây giống như một con ngựa bất kham, thuần phục dưới bàn tay con người để biến nó thành dòng sông ánh sáng, tôi thầm cảm phục và biết ơn những người thợ mà cả cuộc đời gắn bó với núi rừng, đi khai sơn phá thạch, bắt núi cao, suối sâu phải biến thành “vàng trắng” phục vụ con người. Chỉ vài năm nữa thôi, cùng với 20 nghìn héc-ta cao su xanh ngút ngàn và dòng điện sáng, Sơn La sẽ trở thành địa danh du lịch của cả nước. Chợ Sơn La sẽ đông hơn và các cô gái Thái sẽ có nhiều tiền, nhiều nông sản xuống chợ mua bán chứ không phải tòng teng vài ba mớ rau, cây hành, củ khoai như bây giờ. Ông Chủ tịch tỉnh Hoàng Chí Thức sẽ không còn băn khoăn, day dứt vì Sơn La còn tới 5 huyện có tỷ lệ đói nghèo trên 50%. Và Thuỷ điện Sơn La sẽ viết tiếp trang sử hào hùng 50 năm của những người lắp máy. Tháng 3/2009. |
Những người đi “thắp lửa”
1
Bài trước