Bác Hồ với vùng địa giới Hà Nội mở rộng


 


Di tích Vạn Phúc, Hà Đông- nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

 

 

Ngay sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, tháng 12/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Sơn Tây, căn dặn cán bộ và nhân dân thực hiện nhiệm vụ củng cố, xây dựng lực lượng chống ngoại xâm, tiến hành đồng thời nhiệm vụ chống nạn đói, nạn mù chữ và ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Cuối năm 1946, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển đến ở tại nhà cụ Nguyễn Thông Phúc, một gia đình cơ sở cách mạng tại làng Hậu Ái, xã Thọ Nam, nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Tại đây, Người cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã giải quyết nhiều công việc hệ trọng của đất nước, khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

 

Khách tham quan di tích Bác Hồ về thăm xã Văn Khê, Hà Đông năm 1966

 

Tối ngày 3/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về làng Vạn Phúc, làm việc tại đây cho đến đêm 19/12/1946. Cũng chính từ Vạn Phúc, Người đã soạn thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Sau đó, Người chuyển tới nhà ông Nguyễn Văn Chúc ở thôn Xuyên Dương, huyện Thanh Oai, và trong suốt 25 ngày đêm sống và làm việc tại đây, Người đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng, biên soạn, khởi thảo nhiều văn kiện, tài liệu phục vụ cho công cuộc kháng chiến và những chủ trương, đường lối nhằm sớm đưa cách mạng giành thắng lợi.

 

Từ 13/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển đến nhà cụ Nguyễn Đình Khuê ở thôn Phúc Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Đây cũng là nơi Người soạn thảo, sửa chữa các tài liệu, văn kiện: Thư gửi các chiến sĩ cảm tử Thủ đô, Vấn đề du kích, Chiến thuật du kích...Người chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ tại Quốc Oai tối ngày 21/1/1947, trong đó nhấn mạnh 3 nhiệm vụ phải làm: tản cư- di cư, động viên nhân dân kháng chiến và tăng gia sản xuất. Sau đó, Người đến cơ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm (Chương Mỹ) đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước, rồi đích thân đến chúc Tết sư cụ trụ trì nhà chùa, viết 8 chữ “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành” để nhà sư dâng lên bàn thờ Phật.

 


Di tích Bác Hồ ở Liễu Châu, Trung Quốc.

 

 

Đêm 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp Hội đồng Chính phủ tại một địa điểm thuộc huyện Chương Mỹ, nghe báo cáo của Bộ Kinh tế, Bộ Ngoại giao và bàn nhiều vấn đề khác, trong đó có việc chuẩn bị di chuyển cơ quan lên chiến khu Việt Bắc. Người còn chủ tọa một cuộc họp khác nữa của Hội đồng Chính phủ tại Quốc Oai bàn việc cấp tốc rời các cơ quan Chính phủ về Phú Thọ, để từ đó lên Việt Bắc. Họp xong, Người trở về nghỉ tại địa điểm của Ủy ban kháng chiến khu 2 đóng ở động Hoàng Xá.

 

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/1954, trên đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại khu nhà cơ quan Tỉnh đội Sơn Tây thuộc thôn Phù Sa, thị xã Sơn Tây. Tại đình Viên Sơn, trong 2 ngày 12- 13/10/1954, Người đã chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, quyết định những vấn đề đối nội, đối ngoại của Nhà nước và một số công việc của Thủ đô sau khi tiếp quản.

 

Với những tình cảm sâu đậm của vị cha già dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhiều lần đến thăm hỏi, động viên các tầng lớp nhân dân trong công cuộc kiến quốc, xây dựng cuộc sống mới. Người về thăm bệnh xá Vân Đình, huyện Ứng Hòa, đơn vị lá cờ đầu ngành y tế toàn miền Bắc ngày 20/4/1963, thăm đập Đáy, trạm bơm Đan Hòa ngày 17/7/1962, thăm hợp tác xã Văn Phú, xã Văn Khê, huyện Hoài Đức ngày 21/1/1966…và đặc biệt là trước khi qua đời không lâu, Người còn tới trồng cây đa trên đồi Đồng Váng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì vào mùng 1 Tết Kỷ Dậu, ngày 16/2/1969.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *