Di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La: Người dân chưa yên tâm sản xuất



 







 


Hôm qua 14.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 19, cho ý kiến về báo cáo của đoàn giám sát UBTVQH về việc thực hiện di dân, tái định cư (TĐC) công trình thủy điện Sơn La.


Theo kế hoạch, đến tháng 7.2010 phải hoàn thành việc di chuyển và TĐC cho hơn 20.000 hộ. Đến nay đã qua 6 năm thực hiện, và chỉ còn hơn một năm nữa là phải hoàn thành công tác di dân, TĐC nhưng chỉ mới thực hiện được 62%. Thực tế cho thấy, khi di chuyển đến chỗ TĐC, nhà cửa tuy có khang trang hơn nhưng người dân phải làm quen với phong tục mới, cách làm ăn mới. Trước kia đồng bào chủ yếu làm nông nghiệp, nay đến chỗ mới thì đất đai lại thiếu, nếu có cũng rơi vào chỗ khô cằn. Theo đoàn giám sát của UBTVQH, việc giao đất sản xuất mới đạt gần 40% so với số hộ đã di chuyển. Những điểm TĐC mà đoàn giám sát đến, các hộ TĐC đều có một tâm trạng chung là lo lắng về việc thiếu (thậm chí không có) đất sản xuất và đất đã tạm giao chất lượng xấu.







Nghị quyết số 13/2002/QH11 về phương án xây dựng công trình thủy điện Sơn La, nhấn mạnh: “Hoàn thiện và thực hiện phương án tổng thể, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc, đảm bảo cho nhân dân phải di dời sớm ổn định và có điều kiện sống tốt hơn nơi cũ”.


Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát – Ksor Phước nêu thực tế: “Người dân chưa rõ các phương án sản xuất những năm tới như thế nào, đa số đều cảm thấy không yên tâm”. Ông còn lo lắng: “Đoàn giám sát chưa thật yên tâm đối với chất lượng nền móng một số điểm TĐC của thị xã Mường Lay (Điện Biên) mới… Hộ tạm cư ở điểm TĐC – Mường Lay có nguy cơ phải đối mặt với mùa mưa, nước sông dâng cao từ tháng 5.2009 mà vẫn chưa di chuyển đến nơi TĐC mới”.


Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng chưa thỏa mãn với báo cáo của đoàn giám sát khi cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng vốn có biểu hiện buông lỏng, dễ phát sinh tiêu cực. Ông Vượng muốn đoàn giám sát phải chỉ rõ xem chủ thể buông lỏng ở đây là ai, và mức độ buông lỏng là như thế nào, cũng như hậu quả của nó. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận bổ sung: “Báo cáo giám sát phải làm rõ được trách nhiệm của từng cơ quan. Chẳng hạn như khu TĐC chậm, không có trường học, nhà trẻ thì trách nhiệm của ai?”.


Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, có nhiều chế độ TĐC chưa được thanh toán. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thẳng thắn: “Chính phủ xin nhận lỗi trước Quốc hội về việc chậm trễ ở vấn đề vốn”. Phó thủ tướng cam kết sẽ không để bất cứ trường hợp nào phải chịu chậm trễ trong việc thanh toán. Về tiến độ di dân TĐC, theo Phó thủ tướng, tuy rất khó khăn nhưng đảm bảo hoàn thành được vào tháng 7.2010.


Xuân Toàn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *