Tìm giải pháp phù hợp để gìn giữ giá trị khảo cổ học di tích tháp – chùa Phật Tích





Với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, khảo cổ học đầu ngành của cả nước, ngày 29/12, tại Bắc Ninh, Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch đã tổ chức thảo luận và thông báo về kết quả khai quật khảo cổ học di tích tháp – chùa Phật Tích.


Tại đây, các nhà khảo cổ học của Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Bắc Ninh và Viện khảo cổ học Việt Nam đều thống nhất công bố các cứ liệu khảo cổ về móng tháp cổ chùa Phật Tích với nền móng chân tháp hình vuông, kích thước chân tháp 9,1m x 9,1m, tường tháp mỗi cạnh dày trung bình 2,4m, lòng tháp rộng 82,81 m2, chân tháp được xây bằng gạch thời Lý, chắc chắn, đẹp, phản ánh thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật thời Lý. Đặc biệt, kỹ thuật xây móng nền tháp có thể so sánh với các móng nền gạch kiến trúc Lý ở Hoàng thành Thăng Long. Do đó, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều phương án trùng tu, tôn tạo di tích. Một số tán thành việc trùng tu, tôn tạo, số khác đưa ra ý kiến bảo tồn nguyên trạng toàn bộ di tích kết hợp trưng bày các hiện vật đào được tại chỗ với xây dựng chùa mới ngay tại nơi phát lộ chân tháp. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng mặt bằng tháp kết hợp với nghiên cứu, phục dựng tháp Phật tích xưa trong tương lai… Trên cơ sở các ý kiến tham luận này, các nhà khoa học, nhà quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp để giữ gìn giá trị quý giá của di tích.


Trong quá trình đào móng để xây lại ngôi Tam bảo thuộc Dự án trùng tu chùa Phật Tích đã phát lộ phần móng của ngôi tháp cổ thời Lý. Những viên gạch xây tháp có đề chữ: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 xây dựng) hoặc “Chương Thánh Gia Khánh”. 200 hiện vật là các phù điêu đá, mảnh vỡ có chạm khắc hoa văn, trong đó có 2 phù điêu lá đề bằng đá nặng mỗi phiến 40kg có chạm trổ hình rồng chầu, kích cỡ khoảng 40 x40cm vẫn còn nguyên vẹn và một chiếc đầu rồng đá cực kỳ tinh xảo kích cỡ 30x50cm đã được khai quật. Đa phần hiện vật của ngôi tháp tìm thấy ở hướng Đông Bắc, đúng với phỏng đoán của các nhà nghiên cứu rằng tháp bị đổ về phía Đông Bắc. Theo tài liệu của Viện Viễn đông bác cổ Pháp để lại thì khoảng trước năm 1945, kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp là Louis Bezacier đã tiến hành trùng tu ngôi chùa Phật Tích. Trước khi trùng tu, theo yêu cầu của Viện Viễn đông bác cổ, ông đã tiến hành khai quật nền chùa và phát hiện ra nền của ngôi tháp thời Lý còn nằm nguyên vẹn dưới lòng chùa cùng rất nhiều di vật tiêu biểu cho nghệ thuật xây chùa Phật Tích./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *