Hải Phòng: Quy hoạch khu tưởng niệm Vương triều Mạc thế kỷ XVI


















Tượng Mạc Đăng Dung

UBND thành phố Hải Phòng vừa công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc thế kỷ XVI (1527-1592) trên địa bàn huyện Kiến Thụy, làm tiền đề cho việc xác lập các dự án xây dựng khu tưởng niệm Vương triều Mạc, phục dựng thành Dương Kinh xưa tại xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) – quê hương của Mạc Đăng Dung, người sáng lập Vương triều Mạc.


Khu vực quy hoạch khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc rộng 10,5 ha tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ. Tại đây sẽ xây dựng công trình văn hoá lịch sử với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại gồm 30 hạng mục như: nhà truyền thống, nghi môn, thiên long tỉnh, bái đường, chính điện, thái miếu; khu dịch vụ, hệ thống cây xanh, đường giao thông, điện, nước… đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tại khu quy hoạch và chung quanh hiện còn nhiều di tích khảo cổ, kiến trúc, địa danh gợi nhớ vùng đất Dương Kinh xưa được lưu giữ như khu Giếng Bò được truyền tụng là đất “rốn rồng” – nơi dựng nhà ở của thân phụ vua Mạc Đăng Dung; bến Cổ Trai – tương truyền có quán hàng nước của thân mẫu Mạc Đăng Dung; bến Tường – phế tích của điện Tường Quang xưa; Gò Gạo- nơi dựng điện Hưng Quốc của nhà Mạc…Đặc biệt, tại xóm Kiều Thôn ở xã Ngũ Đoan còn có từ đường họ Mạc do các di duệ họ Mạc dựng lập vào khoảng thời Nguyễn, được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Trong nhiều đợt khảo cổ gần đây, tại khu vực thôn Cổ Trai xuất lộ những di vật thời Mạc như thành luỹ, hệ thống hào nước, gốm sứ hoa màu lam, đồ sành, đồ đá, đất nung…với những nét hoa văn mang phong cách nghệ thuật điển hình của thế kỷ XVI







Thành Nhà Mạc tại Tuyên Quang
Theo sử sách, nhằm thực hiện chính sách cải cách kinh tế nông nghiệp, mở mang công thương nghiệp, sản xuất hàng hoá, xây dựng nền kinh tế hướng ra biển, ngoài kinh thành Thăng Long, Mạc Đăng Dung còn tạo dựng sự sầm uất ở Cổ Trai quê hương ông và Dương Kinh, kinh đô thứ hai có vị thế gần biển, sông với nhiều ngả nối liền phố Hiến, Thăng Long, Hội An nhộn nhịp. Để Dương Kinh trở thành “đô thị ven biển xứ Đông”, nhà Mạc cho xây dựng một số thương cảng “trên bến, dưới thuyền” làm nơi giao lưu hàng hoá trong và ngoài nước, từng bước đưa Dương Kinh xưa trở thành đô thị đầu tiên của Hải Phòng, đô thị ven biển đầu tiên của người Việt. Gần đây, qua các hội thảo và 2 đợt khảo cổ lớn trên vùng đất Dương Kinh xưa, các nhà sử học có uy tín khẳng định, Vương triều Mạc do Mạc Đăng Dung khởi lập là Vương triều có nhiều cải cách tiến bộ, đưa đất nước phát triển nhanh, thịnh vượng về kinh tế, ổn định về chính trị và tiến bộ về văn hoá, xã hội trong suốt 65 năm của thế kỷ XVI.

UBND huyện Kiến Thụy dự kiến sẽ tổ chức khởi công đồng bộ các dự án trên vào ngày 10/10 (tức 22/8 âm lịch năm Kỷ Sửu 2009) nhân kỷ niệm 475 năm ngày mất của vua Mạc Đăng Dung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *