Bắt con chim đậu, không bắt con chim bay





Ông Thân Đức Nam, Tổng giám đốc Tổng Công ty Công trình Giao thông 5 (CIENCO 5) bày tỏ: Quan điểm của mình là bắt con chim đậu, chứ không bắt con chim bay. Có thời cơ là mình “bắn” ngay và thu tiền về, trả hết gốc cho ngân hàng, còn dư lại gửi cho ngân hàng để CIENCO 5 kiếm thêm đồng lãi nữa.


Phóng viên (PV): Ai cũng biết cả thế giới bây giờ đang lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Việt Nam tất nhiên chưa hội nhập sâu vào WTO nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ. Tôi có khá nhiều người bạn là doanh nhân nói rằng, trong giai đoạn hiện nay thì cách làm ăn tốt nhất để khỏi lạm vốn là… chơi, là “án binh bất động”. Vậy mà trong khi đó thì CIENCO 5 đã và đang tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn. Liệu điều đó có trái với quy luật hay không? Hay các anh có bí quyết gì giúp có đủ niềm tin vào thắng lợi để làm những việc mà các anh đã và đang triển khai?


Ông Thân Đức Nam (TĐN): Đúng là đối với nhiều doanh nghiệp, giai đoạn hiện nay đang là thời gian thách thức, là thời gian suy giảm kinh tế… Khó khăn không chỉ trong năm 2008 mà cả năm 2009. Nhưng ở Tổng Công ty của bọn mình, do lường trước được những khó khăn có thể đến và sắp xếp trước công việc cho thích hợp nên công việc hiện nay vẫn trôi chảy.






CIENCO 5 tham gia xây dựng các đô thị mới Hà Nội (ảnh Baoxaydung.vn)




PV: Nhìn trước thì sẽ bước qua?…

Ông TĐN: Đúng thế. Những dự án mà chúng tôi đã và đang triển khai đều là những dự án đã được ký trước rồi và có đủ dữ kiện để đáp ứng với những thay đổi của tình hình.


PV: Thực sự làm kinh tế cần phải có cái nhìn đi trước hiện tại. Biết nắm bắt thời cơ để quyết giữ hay bỏ cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng để thành công.


Ông TĐN: Đầu những năm 2000, mình triển khai dự án đổi đất lấy hạ tầng cơ sở. Mình là một trong những người đầu tiên làm những dự án kiểu đó. Và dự án này đã được thực hiện rất thành công. Tại sao? Tại vì khi ấy mình nhận thấy rằng, người ta mua đất chủ yếu là để mua đi bán lại nhiều hơn những người mua để ở. Phải tới 60% số khách hàng mua đất để kinh doanh là chính. Vậy nên khi thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên và sốt thì mình tung ra bán hết, chứ không ôm đất tích trữ. Lúc đó mình nghĩ, bán đi làm sao đem về cho ngân quỹ nhà nước cứ mỗi mét vuông khoảng chừng 500 nghìn đến 1 triệu đồng là mình cảm thấy vui… Mình không cần lãi nhiều.


PV: Bản chất của anh trong kinh doanh bất động sản không phải là tích trữ đầu cơ mà mình muốn làm sao để vừa có lãi cho mình, vừa giúp ích cho xã hội?


Ông TĐN: Đúng thế. Ngoài dự án đất, mình còn đi làm cái nghề đi thầu phụ, chuyên đi thi công các dự án…


PV: Mình là người làm thực việc…


Ông TĐN: Cho nên khi mình làm ông chủ rồi, mình nghĩ trước hết là mình có được một cái việc làm cho vui, mình làm với thiết bị, với con người, với các cán bộ, kỹ sư và dùng những thứ đó để mình thu hồi vốn của mình là tròn. Và mình sẽ giải quyết nhanh để khỏi tốn tiền mình vay ngân hàng. Mình đã vay ngân hàng thì luôn luôn mình phải chịu rủi ro, đó là trách nhiệm về mình. Mình là người đứng đầu thì những việc mình ký đưa ra mình phải chịu trách nhiệm với ngân hàng. Nếu rủi mà nó không bán được thì chắc chắn lãi mẹ đẻ lãi con, cuối cùng sẽ dẫn đến phá sản và thua lỗ là cái chắc. Quan điểm của mình là bắt con chim đậu, chứ không bắt con chim bay. Có thời cơ là mình “bắn” ngay và thu tiền về, trả hết gốc cho ngân hàng, còn dư lại gửi cho ngân hàng để CIENCO 5 kiếm thêm đồng lãi nữa.


PV: Tức là biết đủ và chuyển hướng đúng lúc?


Ông TĐN: Đấy là lúc mình đã có đồng vốn của chính mình rồi, chứ không phải là đồng tiền đi vay nữa… Và mình tiếp tục đầu tư. Năm 2007 và tới quý I năm 2008, thị trường bất động sản dần sôi động lại và có dấu hiệu sốt thì Tổng Công ty chỉ đạo cho các đơn vị thành viên đang làm các dự án liên quan tới bất động sản, kể cả những đơn vị làm chung cư, văn phòng cho thuê ở TP HCM cho đến các đơn vị ở những nơi khác là bán, thu hết cả gốc lẫn lãi để mình lấy tiền đó gửi ngân hàng và tái đầu tư để thi công… Cho nên cuối cùng, khi thị trường bất động sản đóng băng năm 2008 thì vào thời kỳ đó, CIENCO 5 không có đơn vị thành viên nào còn dính vào kinh doanh bất động sản nữa…


PV: Thoát khỏi cái vòng chơi đấy một cách ngoạn mục.


Ông TĐN: Đúng vậy! Hai nữa là, CIENCO 5 không có đơn vị nào tham gia vào vòng chơi chứng khoán, cho nên cũng không bị chao đảo gì vì những khó khăn, trồi sụt trên thị trường chứng khoán. Vậy là cả hai khó khăn lớn nhất của năm  2008 là bất động sản và chứng khoán thì CIENCO 5 đều không bị dính vô.


PV: Anh đã tránh được cả hai hiểm họa lớn…


Ông TĐN: Và CIENCO 5 lúc đó tiếp tục hoàn thành thi công những dự án của mình đã kinh doanh được và tiếp tục thu lợi…


PV: Tôi hiểu rồi. Chuyện thi công tôi sẽ hỏi anh sau. Nhưng ở Việt Nam chúng ta, không ít người vẫn nghĩ, kinh doanh, đó chỉ là một sự khôn ngoan nếu nói một cách nhẹ nhàng; còn nếu mà nói nặng là khôn lỏi. Thế nhưng thực ra kinh doanh là một cuộc chơi trí tuệ và nhiều người trong chúng ta hiện nay không hiểu người làm kinh doanh như anh với CIENCO 5 là công việc ấy nó phải lao tâm khổ tứ thế nào. Anh nghĩ thế nào về công việc của anh? Thực sự, phải ứng xử thỏa đáng và hữu lý với những giá trị trừu tượng đôi khi nó còn khó khăn mà nhọc mệt và đòi hỏi cái tầm cỡ của mình hơn là ứng xử với công việc cụ thể. Trong việc kinh doanh bất động sản, anh thực sự cảm nhận nghề ấy như thế nào? Theo anh, nên nói thế nào để cho xã hội hiểu được đúng hơn về công việc ấy, đó không phải là sự trục lợi theo kiểu lợi dụng những điểm yếu trong xã hội, mà là cuộc chơi trí tuệ thực sự? Anh thử lý giải để độc giả hiểu được việc này!


Ông TĐN: Một đất nước khi đổi mới và hội nhập thì đòi hỏi phải có những đô thị mới, tức là phải tiến hành đô thị hóa ở nhiều địa phương.  Nếu các nhà đầu tư Việt Nam không tham gia vào công việc này thì tất yếu các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào. Và họ đã nhảy vào…


PV: Tôi hiểu rồi. Có bài toán nào cụ thể trong việc kinh doanh bất động sản mà anh phải huy động trí tuệ của anh để xử lý bài toán đó đúng?  Bởi vì nếu mình không xử lý đúng tất cả những dữ kiện thì kiểu gì mình cũng thua.


Ông TĐN: Mình ví dụ như khi mình đến Quảng Ninh đầu tư thì mình thấy cả Quảng Ninh và Hạ Long vẫn còn chưa đủ độ phát triển tương xứng. Mình nghĩ, khi địa phương này được nâng cấp thì đòi hỏi sẽ phải có đô thị mở rộng. Và lúc đó, mình là người  lấn biển và đổi đất lấy hạ tầng. Mình nghĩ, đây sẽ là việc tốt phục vụ cho đô thị mới. Và vì thế lúc đó mình đã đầu tư vào việc này.


PV: Lấn biển để làm nơi ở cho con người…


Ông TĐN: Để phục vụ cho người dân. Dân Quảng Ninh đông, đất Quảng Ninh thì quá hẹp, biển lại nhiều, núi nhiều, vòm mỏ than cũng lại nhiều… Để phát triển đô thị thì không có cách gì hơn là lấn biển… Đó là cái hướng đầu tư của mình lúc đó.


PV: Nhưng người ta có hoài nghi gì về anh không? Có những ý kiến nào nghi ngờ về dự định của anh không?


Ông TĐN: Thực ra lúc đó mình đã nghĩ rằng không thể có chỗ nào để hoài nghi vào thành công được vì khi đến đầu tư, mình phải điều tra kỹ lưỡng, dân số bao nhiêu, người ta đang cần những gì…


PV: Và nhu cầu sắp tới của người ta như thế nào?…


Ông TĐN: Nhu cầu sắp tới của người ta là những gì… Như khi vào Hạ Long, mình ví dụ nhỏ như thế, mình phải tính toán là đầu tư bao nhiêu cho nó đủ, khi cầu vượt cung thì cũng là một cái dở…


PV: Tức là anh cũng đã xác định, khi mình vung tay ra thì phải biết là vung tay đến đâu, chứ vung tay quá trán thì sẽ thất bại.


Ông TĐN: Đó, đó, khi cung vượt cầu là dở…


PV: Và cái đấy là biểu hiện của trí tuệ, chứ không phải như một số người nghĩ, cứ ngẫu hứng hay cứ làm liều là được. Kinh tế, đó là những tính toán khoa học.


Ông TĐN: Mình nói cho Hồng Thanh Quang nghe: Khi sinh ra và lớn lên, con người đương nhiên phải có một cái đam mê và đương nhiên mỗi người trên cơ sở đam mê của mình và những gì thiên phú sẽ làm được một việc gì đó. Phải có được cái đam mê đó. Bẩm sinh con người phải có được cái gì đó. Ví dụ, anh sinh ra, anh đi làm, anh sẽ học và anh trở thành một nhà báo, còn có người sinh ra để làm một ca sĩ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *