Quản lý di tích – cần phải được thống nhất








Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà – Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội về những bất cập trong quản lý di tích .



Thưa bà, hiện nay một số di tích sau khi được tôn tạo, tu bổ không còn nguyên trạng, một số bị thay đổi hoàn toàn thì theo bà có được công nhận di tích nữa không?



Việc tu bổ di tích có 2 trạng thái là di tích đã được xếp hạng rồi phải công nhận toàn bộ yếu tố nguyên gốc cũng như yếu tố cấu thành di tích và khi tu bổ phải đúng như vậy. Còn những di tích chưa xếp hạng, chưa được công nhận thì khi phục hồi phải đảm bảo nguyên gốc hoặc có những yếu tố không còn nữa thì phải dựa trên cơ sở những căn cứ còn lại. Chẳng hạn 1 ngôi chùa, 1 di tích hoặc 1 công trình kiến trúc bị đổ nát nhưng còn lưu giữ được những bản vẽ, ảnh chụp hoặc những thiết kế cũ trên cơ sở đó người ta phục hồi gần như nguyên gốc và có những cái khi tu bổ nó có thể mới nhưng đối chiếu vẫn thể hiện được đặc trưng của di tích đó thì theo tôi vẫn được công nhận là di tích được xếp hạng.




Hiện tượng sao chép nguyên mẫu di tích vào những công trình phục vụ cho mục đích thương mại không còn là cá biệt. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?



Nếu là công trình kiến trúc đã được gọi là di tích lịch sử văn hóa của cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia thì phải tôn trọng và nó gần như có 1 cái gì đó thiêng liêng. Khi sử dụng những công trình kiến trúc đó với tính chất mô phỏng thì không nên làm 1:1, nếu có sử dụng thì phải làm mô phỏng hoặc nhỏ hơn mà phải đặt nó ở những vị trí có tính chất nghiêm trang, linh thiêng. Chứ như Khuê Văn Các mà đặt ở 1 cái nhà hàng ăn thì không nên. Khi báo chí đưa tin về việc này, tôi cũng có đến thì thấy chỉ là mô phỏng chứ không đảm bảo kiến trúc đúng như Khuê Văn Các. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi như thế là không nên.




Vậy theo bà có vi phạm không?



Hiện nay luật chưa quy định về vấn đề này mà chỉ là quan điểm của những người quan tâm đến văn hóa, yêu văn hóa hoặc công tác trong ngành văn hóa không đồng tình thôi. Đúng là vấn đề này cũng cần phải xem xét.




Tình trang xâm phạm di tích như lấn chiếm, xây dựng công trình ngay sát khu vực bảo vệ, tu bổ tôn tạo không xin phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Theo bà có cách nào để hạn chế không?



Phải xác định rõ thế nào là lấn chiếm di tích, vi phạm di tích, thế nào là lịch sử để lại. Ví dụ 1 di tích đến thời điểm làm hồ sơ xếp hạng di tích nhưng người dân, hoặc cơ quan, tổ chức ở trong khu vực đó từ những năm trước thì khi đó không gọi là họ vi phạm di tích mà đó là tồn tại của lịch sử thì khi xếp hạng di tích thì phải có phương án di chuyển. Còn di tích đã được xếp hạng rồi, được công nhận rồi mà vi phạm, mà xâm lấn (ở đây cũng có 2 hình thức là xây dựng sai hoặc không phép trong khu vực 1 của di tích hoặc là xây dựng bên ngoài di tích nhưng làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích) đã được thể hiện trong Luật Di sản văn hóa. Đây cũng chính là điều mà những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa là rất quan tâm, băn khoăn. Những nơi mà có nhiều di tích lịch sử văn hóa như nội thành Hà Nội, nhà dân áp sát kề với di tích nên việc chống lấn chiếm và bảo vệ cảnh quan của di tích là rất khó khăn. Còn đối với ngoại thành thì dẫu sao di tích còn có phạm vi, cảnh quan xung quanh nên việc lấn chiếm di tich cũng dễ theo dõi và xử lý hơn. Tất nhiên việc lấn chiếm di tích là sai luật rồi, nhưng cũng có những trường hợp trường học ở trong chùa như chùa Hàm Long (HN). Đấy cũng là cái khó cho những người làm công tác quản lý. Còn 1 tình trạng nữa là khu vực ngoài đê như Chương Dương, Tứ Liên, Nghi Tàm, Chèm… vấn có 1 số di tích nằm ngoài đê, việc tu sửa, cải tạo lại liên quan đến Pháp lệnh đê điều. Không tu sửa thì xuống cấp mà tu sửa thì vi phạm hành lang đê điều. Vì giữa 2 luật còn chồng chéo nên cũng là 1 cái khó mà những người làm công tác quản lý bảo vệ di sản văn hóa bó tay. Đây cũng là bài toán nan giải.




Hiện nay nguồn thu từ các hoạt động di tích được sử dụng không thống nhất, nơi thì đưa vào tái đầu tư để tu bổ, nơi thì đưa vào quỹ chung sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau? Bà nghĩ như thế nào về vấn đề này?



Ở đây liên quan đến người quản lý di tích. Ví dụ như có mô hình là do cấp chính quyền quản lý, trông coi và cử người bảo vệ di tích hoặc là những di tích mà ở các đình chùa do người trụ trì quản lý. Nguồn thu, theo tôi ngoài việc đóng góp công đức còn có các nguồn thu khác. Thu không chỉ bằng tiền công đức hay tài trợ mà còn bằng hiện vật. Sử dụng như thế nào là cả 1 bài toán tế nhị, khó khăn chứ không đơn giản. Tất nhiên việc nơi này, nơi khác quản lý thu và sử dụng vào những việc không liên quan đến di tích là không nên. Chính quyền không độc quyền quản lý nhưng phải tham gia cùng với người trụ trì để quản lý nguồn thu đó. Để làm được việc đó, cần phải được tổng kết và có quy định chung của ngành văn hóa đối với việc sử dụng này. Những người làm công tác văn hóa và những người làm công tác quản lý nhà nước và chính quyền cần phải trao đổi thảo luận và đưa ra một cơ chế thống nhất với những vị trụ trì quản lý di tích đó. Không nên để mỗi một di tích lại có một cách quản lý khác nhau mà cần có sự thống nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *