Nghe tin ở TP.HCM có đến 140 nghìn mét vuông đất được cấp nhưng đang bị bỏ hoang, ai nấy nuốt nước miếng đến lưng bao tử. Giời ạ, thời buổi bao nhiêu mét vuông đất là bấy nhiêu cây vàng, ai ngu gì mà đem đến cả trăm ngàn lượng vàng vung vãi như thế? Ấy thế mà có mới lạ. Nhưng con số trên đây mới là phần nổi của tảng băng lãng phí đất công ở một trung tâm kinh tế của đất nước này. Theo kết quả giám sát của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội do Chủ nhiệm Hà Văn Hiền dẫn đầu thì số diện tích đất được cấp mà các đơn vị ở thành phố chưa sử dụng hoặc sử dụng trái mục đích lên tới… gần 4 triệu mét vuông. Kết quả kiểm tra cho thấy 5 đơn vị “ôm” nhiều đất công nhất và để lãng phí nhiều nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, TCty Lương thực Miền Nam, TCty Dệt may Gia Định, TCty Địa ốc Sài Gòn. Điều đáng quan tâm ở đây là nhiều “chủ đất” quản lý mớ tài sản quý giá ấy theo kiểu “đười ươi giữ ống”, có nghĩa là trên giấy tờ thì còn đất, nhưng thực tế vào tay người khác đã hàng chục năm trời mà không biết (?). Thí dụ như TCty Lương thực Miền Nam có một khu kho 11 nghìn m2 ở Củ Chi, khi kiểm tra trên giấy tờ thì còn nhưng đơn vị khác đã sử dụng từ năm… 1993; hoặc như TCty Địa ốc Sài Gòn hiện nắm giữ 158 địa chỉ kho bãi với diện tích khoảng 270 nghìn m2 nhưng đến nay, 203 nghìn m2 đã biến thành tài sản của các chủ sở hữu khác nhau… Câu chuyện quản lý đất công trên đây khiến nhiều người không hiểu được tại sao ngân sách Nhà nước luôn luôn ở tình trạng thu không đủ bù chi mà tài sản công lại bị sử dụng hoang phí như thế. Sự lãng phí dường như đã là một căn bệnh kinh niên đối với một nền kinh tế mà công hữu đang là dường cột. Một câu hỏi đặt ra: Nếu số đất ấy giao cụ thể cho các cá nhân, liệu có thể bị để hoang hóa như thế không? Câu trả lời chắc chắn rằng: Không bao giờ. Cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu đã khiến các quốc gia phải tìm mọi phương cách để sử dụng tài sản của quốc gia mình có hiệu quả cao nhất. Mọi sự lãng phí sẽ khiến quốc gia đó lâm vào tình thế tụt hậu và bị lệ thuộc về kinh tế. Ở nước ta hiện nay, việc khai thác tài nguyên đất đai như đã nêu trên là lãng phí; việc xuất khẩu thô các loại khoáng sản và các sản phẩm nông nghiệp là lãng phí; việc giáo dục đào tạo sinh viên ra trường với một mớ kiến thức xa rời thực tiễn, các doanh nghiệp khi tuyển dụng phải đào tạo lại là lãng phí; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kém chất lượng, thiếu quy hoạch đồng bộ khiến tuổi thọ thấp cũng là lãng phí… Và điều muốn nêu lên ở đây là hầu hết sự lãng phí nêu trên thường xảy ra đối với tài sản công hữu, mà chuyện sử dụng đất công như nêu ở trên chỉ là một ví dụ. |
Chuyện đất công
4