Kính gửi: Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 197/VPQH-TH ngày 06/02/2009 của Văn phòng Quốc hội về việc báo cáo bổ sung công tác di dân tái định cư (TĐC) công trình thủy điện Sơn La. Thực hiện kết luận của đồng chí Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tại cuộc họp ngày 05/02/2009, Bộ Xây dựng xin báo cáo bổ sung như sau: 1. Vấn đề bản sắc dân tộc trong các quy hoạch TĐC Trong các đồ án quy hoạch khu (điểm) TĐC dự án thủy điện Sơn La do Trung tâm Quy hoạch phát triển nông thôn thuộc Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) lập đã được phê duyệt, yếu tố bản sắc dân tộc đã được xem xét và thể hiện ở các góc độ sau: – Quy hoạch các bản làng dân tộc, các khu vực có đông người dân tộc sinh sống đều có bố trí công trình sinh hoạt văn hoá theo truyền thống của cộng đồng dân tộc; các đô thị có công trình văn hoá cho các dân tộc. – Đất ở các hộ dân tộc được bố trí trên cơ sở có đủ diện tích cần thiết, kích thước lô đất có đủ điều kiện xây dựng nhà ở truyền thống theo tập quán sinh hoạt, văn hoá của từng dân tộc. – Tổ chức không gian các bản làng đã lưu ý tổ chức mang sắc thái truyền thống dân tộc với mật độ xây dựng thấp và hệ thống giao thông theo hệ mạng nhánh. – Trong điều lệ quản lý quy hoạch của từng đồ án đều có quy định về hình thức kiến trúc công trình phải khai thác triệt để hình thức kiến trúc dân tộc trong vùng; kiến trúc nhà ở phải khai thác triệt để các nét kiến trúc truyền thống dân tộc. Qúa trình thực hiện quy hoạch, các Ban Quản lý dự án và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, chú trọng thể hiện bản sắc dân tộc khi triển khai xây dựng nhà ở, các công trình công cộng, hệ thống giao thông các khu tái định cư. Tuy nhiên, do trình độ và năng lực quản lý còn hạn chế, điều kiện thiên nhiên có nhiều khó khăn nên việc thể hiện bản sắc dân tộc tại một số khu TĐC còn chưa rõ nét, chưa hài hòa với với phong tục tập quán của khu vực có nhiều dân tộc. 2. Vấn đề tránh các ảnh hưởng xấu gây ra từ địa chất trong quy hoạch và quản lý chất lượng công trình Nhiều khu TĐC thuỷ điện Sơn La nằm trong vùng có địa chất phức tạp, có thể xảy ra thiên tai như lũ quét, sạt lở đất. Do vậy, trong qua trình lập quy hoạch, đã xem xét các yếu tố này một cách nghiêm túc trên cơ sở tham khảo các tài liệu địa chất hiện có, ý kiến của các ban ngành địa phương và người dân sống trong khu vực. Nhìn chung trong đồ án quy hoạch đã có bố trí và giải pháp triệt để để tránh các ảnh hưởng bất lợi như: – Không bố trí nhà ở và công trình khác trong các khu vực đã có hiện tượng sạt lở đất. – Giải pháp nền chủ yếu sử dụng nền theo địa hình tự nhiên, tránh đào đắp quá lớn để đảm bảo ổn định. Ví dụ tại đồ án quy hoạch khu TĐC thị xã Mường Lay, các cấp taluy phổ biến là 1,5m, cao nhất 3m, các taluy khu vực ven hồ phổ biến là 3m, cao nhất là 8m; khu vực có ta luy cao trên 8m đều nằm ngoài khu dân cư (đường giao thông nối các khu dân cư). Các taluy trong khu vực chủ yếu là đào, đặc biệt là đối với đường giao thông. Những nguyên tắc trên đã được quán triệt trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu (điểm) TĐC. Qúa trình thực hiện quy hoạch, xây dựng khu TĐC, tình hình địa chất khu vực và địa chất thủy văn công trình đã được các đơn vị quản lý, tư vấn đã chú trọng theo dõi để, sử lý kịp thời phát sinh do tình hình địa chất phức tạp, điều chỉnh thiết kế, kết cấu nền móng công trình phù hợp với tình hình địa chất thực tế. Về quản lý chất lượng công trình: Thực hiện Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định trên, Bộ Xây dựng đã ra Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình và điều kiện năng lực của tổ chức cá nhân trong hoạt động xây dựng và Thông tư số 16/2008/TT-BXD (thay thế Thông tư số 11/2005/BXD/TT-BXD ngày 14/7/2005) hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng và một số văn bản khác. Đến nay, những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ kịp thời và cụ thể. Tại các văn bản trên đã xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý chất lượng, việc kiểm soát chất lượng (đầu vào) của các loại vật liệu xây dựng, công tác giám sát kỹ thuật thi công, quy trình nghiệm thu… Tại các công trình xây dựng khu TĐC công trình thủy điện Sơn La, về cơ bản công tác quản lý chất lượng đã thực hiện theo đúng các quy định, chất lượng xây dựng đảm bảo, những năm qua không xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, thời gian tới công tác này cần được tăng cường và chú trọng thường xuyên để đảm bảo an toàn cho người và công trình. 3. Vấn đề áp dụng mô hình nông thôn mới trong quy hoạch TĐC – Mô hình xây dựng nông thôn mới khu TĐC đã được thể hiện trong văn bản của Bộ Xây dựng số 1196 BXD/KTQH ngày 04/8/2004 gửi UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu về việc xây dựng điểm tái định cư thủy điện Sơn La. Trong thời gian qua, các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác này gắn liền với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Nhiều khu TĐC đã được xây dựng cơ bản phù hợp với nguyện vọng của nhân dân đồng thời tạo được bộ mặt mới về cơ sở hạ tầng và nhà ở, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. – Thực hiện Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc lập quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn cần đi trước một bước để làm cơ sở triển khai thực hiện các chương trình, đề án. Bộ Xây dựng đã và đang tham gia với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các tiêu chí nông thôn mới chung cho cả nước; Bộ đã giao Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn lập “Đề án nghiên cứu mô hình quy hoạch nông thôn” nhằm đạt được các mục tiêu sau: + Phát triển kinh tế – xã hội nông thôn bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. + Việc xây dựng nông thôn mới phải được gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch. + Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn + Xây dựng các mô hình quy hoạch xây dựng theo hướng đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới làm cơ sở để các địa phương đẩy nhanh quá trình tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn. + Rà soát, đề xuất thêm các văn bản pháp quy liên quan đến quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Trên đây là báo cáo bổ sung công tác di dân tái định cư công trình thủy điện Sơn La, Bộ Xây dựng kính báo cáo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội./.
|