Phí chung cư
Ngày 4.3.2009, bộ Xây dựng vừa thông báo đến các sở Xây dựng các địa phương chuẩn bị báo cáo về thực trạng thực hiện và quản lý giá dịch vụ chung cư tại các cao ốc trên địa bàn. Đồng thời các sở phải báo cáo chi tiết về văn bản pháp lý trong việc quản lý nhà chung cư, giá dịch vụ và những vướng mắc trong việc thu phí để chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn thu phí quản lý
|
Chung cư Saigon Pearl. Ảnh: T.T |
Việc ban hành văn bản này khiến cư dân chung cư hy vọng sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi và “luật hoá” những loại chi phí đang là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tranh chấp kéo dài trong thời gian gần đây về cái gọi là “quản lý phí”.
Tranh chấp vì không thể… không tranh chấp
Trong đơn khiếu nại, người dân chung cư Tản Đà cho rằng phí dịch vụ và quản lý quá cao và chủ đầu tư không minh bạch tài chính cho người dân được rõ. Chủ hộ 0411 tại chung cư Tản Đà bất bình “từ khi dọn về đây, dân chỉ thấy phí tăng mà chẳng biết vì sao tăng. Nếu đơn vị quản lý thấy cần tăng thì phải có sự minh bạch tài chính, người dân thấy hợp lý là điều chỉnh ngay đâu cần phải tập trung khiếu nại…”. Theo chủ hộ 1105, dân có thể đóng góp phí quản lý, nhưng điều dân cần là phải công khai minh bạch các loại phí đó. “Ngân hàng đã mua đứt mặt bằng tại tầng trệt để thành lập chi nhánh, nhưng công ty quản lý toà nhà lại yêu cầu chúng tôi phải thuê phần hành lang mặt tiền (80m2) với giá 1.200 USD/tháng, chúng tôi thấy phi lý nhưng phải chịu vì nếu không thuê thì họ cho người khác thuê, nếu cũng bán cà phê như phía bên kia thì làm sao ngân hàng hoạt động được…”, một nhân viên quản lý thuộc chi nhánh ngân hàng Indovinabank (IVB) ngao ngán. Lý do mà chủ đầu tư đưa ra để cho thuê hành lang là vì đây là phần diện tích thuộc sở hữu của chủ đầu tư.
Tương tự, cư dân cao ốc Hoàng Anh Gia Lai 2 trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7 cũng đang bức xúc về mức quản lý phí và phí gửi xe. “Mức giá thu phí giữ xe ở chung cư này là 600.000đ/ô tô, trong khi những chung cư khác có dịch vụ tương đương với chung cư này như Sky Garden, Conic Garden… mức phí khoảng 300.000đ/ô tô, chưa kể khách đến chơi phải tốn 2.000đ/xe máy và 20.000đ/ô tô. Tiền không nhiều nhưng tạo tâm lý không tốt cho người tìm đến…”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, chủ nhân căn hộ B17–5 phản ánh. Nhiều người khác bức xúc vì ngay từ lúc mới giao nhà hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa thang máy, bụi bặm ô nhiễm nhưng họ đã phải đóng phí quản lý.
Cách nhau nhiều ki lô mét, song những người dân chuẩn bị nhận nhà tại chung cư Saigon Pearl cũng có bức xúc giống như Hoàng Anh Gia Lai 2. Đơn giản vì nhà chưa xong, chỉ mới đang chuẩn bị nhận nhưng chủ đầu tư đã mời khách hàng của mình đến để chỉnh sửa nâng mức quản lý phí lên gấp ba lần so với mức phí dự kiến ban đầu. Thậm chí có chung cư tái định cư lâu nay chưa thu phí cũng đang rục rịch nghiên cứu mức phí quản lý khiến dân nghèo dù có tức, bực cũng phải cắn răng mà chịu.
Chưa có “luật” nên điều hành theo “lệ”
Trao đổi với bà Nguyễn Phúc Gia Bảo Trân, giám đốc công ty cổ phần đầu tư và quản lý bất động sản Đông Tây (đơn vị quản lý toà nhà Tản Đà), thì việc chậm trễ thành lập ban quản trị chung cư là do khách quan, vì “chưa có hướng dẫn cụ thể nào cho mô hình cao ốc phức hợp nên chủ đầu tư chưa biết phải tính thế nào cho phải… chúng tôi không có nghĩa vụ công khai minh bạch các khoản thu chi, nhưng đến kỳ hội nghị chúng tôi sẽ xem xét và sẽ công khai việc thu chi này”, bà Trân nói. Tuy nhiên, trong luật Nhà ở và quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do bộ Xây dựng ban hành quy định việc tổ chức hội nghị nhà chung cư trong vòng 12 tháng. Phí vận hành toà nhà theo nguyên tắc lấy thu bù chi theo nguyên tắc công khai. “Chung riêng tại toà nhà rất rõ ràng, diện tích riêng là từng căn hộ cụ thể, phần diện tích chung dưới trệt của khu căn hộ chỉ là lối đi từ ngoài đường vào sảnh có thang máy và đường từ hầm xe lên nhà. Còn lại là sở hữu của chủ đầu tư”, bà Trân khẳng định.
Thế nào là khu phức hợp, chưa có định nghĩa cụ thể cho khái niệm này. Thực tế, khi các cao ốc mới khởi công, để có thể trở thành “cao cấp”, các toà cao ốc thường đưa ra hàng loạt tiện ích nhằm phục vụ, nâng cao đời sống cho cư dân. Tuy nhiên, khi vận hành, thì chính những tiện ích được đưa ra giới thiệu cho khách hàng trở thành nguyên nhân để chủ đầu tư nâng cấp phí quản lý. Đến thời điểm này, nếu cho rằng chỉ cần có khu thương mại là phức hợp, có lẽ gần như toàn bộ cao ốc trong thành phố đang phải tự vận hành theo “lệ” của mình.
Theo quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, thì mức phí quản lý tại chung cư được căn cứ theo bảng giá do UBND thành phố địa phương ban hành. Tuy nhiên đến thời điểm này, gần như chưa có địa phương nào đưa ra được bảng giá cho quản lý phí. Tại TP.HCM, sở Xây dựng có đưa ra được bản dự thảo quản lý phí, nhưng bản dự thảo này ngay khi dư luận biết đến thì đa số đều đánh giá quá cao không phù hợp thực tế. Đến nay dự thảo vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, vẫn chưa có mức phí cụ thể cho các toà nhà. Một cán bộ sở Xây dựng thừa nhận, hiện nay vẫn chưa có quy chế nào để quản lý cho mô hình cao ốc phức hợp. Cư dân các cao ốc đang hy vọng và trông chờ thông tư sắp ban hành sẽ có những điều chỉnh phù hợp với thực tế. Đừng vì cái lợi của một nhóm người mà làm mất đi tính hấp dẫn của cao ốc, một xu hướng giải quyết nơi ở trong tương lai.
M.Tr