Nằm trong địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, từ đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, du khách đi thêm gần 6 km là tới khu vực chùa Bái Đính. Cách thủ đô Hà Nội trên 100 km, chùa Bái Đính là công trình Phật giáo do một nhóm tư nhân và các quỹ hảo tâm từ thiện đóng góp gây dựng (Công ty TNHH Nguyễn Xuân Trường thiết kế xây dựng và là chủ đầu tư), được coi là lớn nhất Việt Nam về diện tích và quy mô xây dựng.
Mặc dù mới hoàn tất trên 30% tổng khối lượng xây dựng, nhưng mỗi ngày chùa Bái Đính đón trên 50.000 người thập phương đến chiêm ngưỡng công trình.
Tam Thế Điện – Pháp Chủ Điện – Tháp Chuông và cổng Tam Quan có diện tích 107ha nằm trong tổng thể rộng 2.000 ha của trung tâm du lịch Tràng An. Chùa có 500 pho tượng La Hán đá nguyên khối do thợ đá làng Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình thực hiện, sẽ được đặt dọc hai bên đường từ cổng Tam Quan đến chân Tam Thế Điện (với chiều dài hơn 0,5 km).
Tổng cộng có đến 8.000m3 gỗ quý gồm: sến, táu, lim, vàng tâm được sử dụng làm cột, kèo, mái… Hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á, nặng 27 tấn và 36 tấn, được đặt trong Tháp chuông 24 mái, 3 tầng (do nghệ nhân Nguyễn Văn Sứng, thành phố Huế thực hiện).
Chùa dự kiến khánh thành vào giữa năm 2010, để chuẩn bị cho Đại hội Phật giáo thế giới diễn ra tại đây vào tháng 9-2010.
Tháp chuông 3 tầng, 24 mái |
Xung quanh tường tại tòa Tam Thập Điện và Pháp Chủ Điện xây 10.000 ô tượng thắp đèn chiếu sáng, nơi du khách có thể làm từ thiện để sở hữu một ô tượng với giá 5 triệu đồng |
Mặt tiền của Tam Thế Điện |
Ba pho tượng được đúc đồng nguyên khối (đồng được nhập từ Nga), do các nghệ nhân Ý Yên, Nam Định thực hiện. Mỗi pho tượng nặng 50 tấn, toàn bộ được thếp bằng vàng ròng, đặt trong gian chính của Tam Thế Điện. Nơi đây có diện tích 2.400m2, gồm 12 mái, cột trụ cao từ 24m đến 30m |
Đứng từ thềm của Tam Thế Điện nhìn ra phía trước là tòa Pháp Chủ Điện, trước nữa là hồ Đầm Thị, sông Hoàng Long, xung quanh bao bọc bởi núi đá vôi |
Nghê đá – biểu tượng thần linh được làm nguyên khối trước cổng Tam Quan |
Tượng La Hán đá trắng nguyên khối đã hoàn tất được “tập kết” tại khu đất trống trước Tháp Chuông |
Tư thế của mỗi tượng đá La Hán – theo cách nói của người Việt là “đang phù hộ cho một mảnh đất trong tương lai” |
Theo DƯƠNG MINH LONG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần