|
HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU NHÀ NƯỚC Số: 1827 /HĐNTNN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2009 |
Thông báo
ý kiến đánh giá của Hội đồng
về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng
Kính gửi: Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thông báo ý kiến đánh giá về công tác quản lý chất lượng về việc nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình cầu Phú Mỹ như sau:
1. Đối tượng công trình:
a) Tên công trình : Phú Mỹ.
b) Địa điểm xây dựng: Quận 2 và Quận 7 TP. Hồ Chí Minh.
c) Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ
d) Cơ quan thẩm định TKKT: Cục Giám định và Quản lý chất lượng CTGT thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
đ) Cơ quan phê duyệt Dự án đầu tư và phê duyệt Thiết kế kỹ thuật công trình: UBND thành phố Hồ Chí Minh
e) Quy mô công trình:
Cầu chính sử dụng kết cấu dây văng, cầu dẫn sử dụng dầm supper T, tổng chiều dài toàn cầu là 2.033,245m (tính từ tim trụ P1 của phần đầu cầu dẫn phía bờ quận 7 đến mặt sau tường đỉnh mố MB phía bờ quận 2), trong đó phần cầu chính dài 705m và phần cầu dẫn dài 1.328,245mvới sơ đồ tổng quát như sau:
– Phần cầu chính: 162,5m + 380m + 162,5m.
– Phần cầu dẫn:
+ Phía bờ quận 7: 16x40m + 44m
+ Phía bờ quận 2: 44m + 14x40m + 38.8m.
– Mặt cắt ngang cầu chính là 27,5m, bao gồm
+ 04 làn xe ô tô hai bên: 4×3,75m = 15m.
+ Dải phân cách giữa: 0.,6m.
+ Dải phân cách làn hai bên: 2×0,55m = 1,10m.
+ 02 làn xe hỗn hợp hai bên: 2x3m = 6m.
+ Dãy cách ly của hệ dây văng: 2×0,65m = 1.30m.
+ Lề bộ hành hai bên: 2×1,5m = 3m.
+ Dãy lan can hai bên: 2×0,25m = 0,50m.
– Mặt cắt ngang phần cẫu dẫn 26,20m, bao gồm
+ 04 làn xe ô tô hai bên: 4×3,75m = 15m.
+ Dải phân cách giữa: 0,6m.
+ Dải phân cách làn hai bên: 2×0,55m = 1,10m.
+ 02 làn xe hỗn hợp hai bên: 2x3m = 6m.
+ Lề bộ hành hai bên: 2×1,5m = 3m.
+ Dãy lan can hai bên: 2×0,25m = 0,50m.
– Tĩnh không thông thuyền:
+ Chiều rộng thông thuyền: B = 250m
+ Chiều cao khổ thông thuyền: H = 45m,
g) Thời gian thi công:
– Khởi công: 22/2/2007.
– Hoàn thành: 06/09/2009.
h) Các Nhà thầu:
– Tư vấn lập dự án đầu tư: Tư vấn Maunsell Australia
– Tổng thầu EPC: Liên danh nhà thầu BBBH (Bilfinger Berger – Baulderstone Hornibrook – Freyssinet internaition et compani).
– Tư vấn thiết kế của Tổng thầu EPC: Arcadis và Cardno.
– Tư vấn quản lý dự án: Tư vấn Maunsell Australia.
– Tư vấn thẩm tra TKKT: Tony Gee and Partners.
– Nhà thầu phụ thi công cầu dẫn: Công ty Bê tông Châu Thới 620.
– Tư vấn kiểm định và thử tải: Công ty TNHH Giao thông vận tải thuộc Trường đại học Giao thông Vận tải.
2. Các căn cứ để đánh giá:
a) Biên bản nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cơ sở ngày 29/08/2009 nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng.
b) Báo cáo của Chủ đầu tư về chất lượng công trình và kết quả nghiệm thu cơ sở của chủ đầu tư số 480/CV-PMC ngày 27/08/2009.
c) Báo cáo nhanh kết quả thử tải cầu Phú Mỹ số 120/CV ngày 29/08/2009 của Công ty TNHH Giao thông vận tải thuộc Trường đại học Giao thông Vận tải.
d) Báo cáo đánh giá của Tổ chuyên gia của Hội đồng về chất lượng công trình và công tác quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư ngỔy 30/08/2009.
đ) Kết quả kiểm tra của Hội đồng: tại các đợt kiểm tra hiện trường, kiểm tra hồ sơ thiết kế, kiểm tra hồ sơ nghiệm thu công trình.
e) Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng: Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định 209/2004/NĐ-CP, Quyết định số 68/2006/QĐ-TTg ngày 22/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng, Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện , năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng.
g) Hồ sơ thiết kế, điều kiện kỹ thuật thi công và nghiệm thu của công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy chuẩn tiêu chuẩn được phép áp dụng cho công trình.
i) Hồ sơ hoàn thành công trình.
3. Đánh giá của Hội đồng:
3.1 Về công tác quản lý chất lượng công trình:
a) Quản lý chất lượng khảo sát: Đơn vị thực hiện công tác khảo sát có đủ tư cách pháp nhân, điều kiện năng lực hành nghề theo quy định. Số liệu khảo sát đảm bảo đầy đủ để phục vụ công tác thiết kế công trình. Đề cương khảo sát, báo cáo kết quả khảo sát được chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt tuân thủ quy định hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
b) Quản lý chất lượng thiết kế: Đơn vị thực hiện công tác thiết kế có đủ tư cách pháp nhân, điều kiện năng lực hành nghề theo quy định. Hồ sơ thiết kế, các sửa đổi thiết kế trong quá trình thi công được chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt tuân thủ quy định hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng, đáp ứng được các yêu cầu của quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng áp dụng cho công trình.
– Kết quả thí nghiệm cọc cho thấy đáp ứng yêu cầu chịu lực.
c) Quản lý chất lượng thi công xây dựng:
Chủ đầu tư có hệ thống quản lý chất lượng công trình theo quy định. Đơn vị tư vấn giám sát thi công xây dựng có đủ tư cách pháp nhân, điều kiện năng lực thực hiện công tác giám sát thi công xây dựng. Công tác giám sát thi công xây dựng tuân thủ điều kiện kỹ thuật thi công và nghiệm thu của công trình đã được chủ đầu tư phê duyệt.
Các nhà thầu có hệ thống quản lý chất lượng công trình theo quy định, công tác nghiệm thu được chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện tuân thủ quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Nhà thầu đã sử dụng hệ thống các phòng thí nghiệm hợp chuẩn, đủ điều kiện thực hiện các phép thử phục vụ việc đánh giá chất lượng vật liệu đầu vào và đánh giá chất lượng các hạng mục thi công xây dựng công trình.
Chủ đầu tư đã thực hiện công việc thử tải cầu chính dây văng. Theo báo cáo nhanh thì các thông số kỹ thuật đều nằm trong giới hạn cho phép (ứng suất, biến dạng của dầm cầu, dây văng trụ tháp) cho thấy công trình đủ điều kiện khai thác sử dụng an toàn theo yêu cầu thiết kế.
d) Về hồ sơ hoàn thành công trình:
Hồ sơ hoàn thành công trình đã được chủ đầu tư lập đủ nhưng chưa sắp xếp theo trình tự quy định tại Thông tư 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng.
3.2 Về chất lượng công trình:
Các hạng mục thi công xây dựng của công trình đã được Hội đồng nghiệm thu cơ sở nghiệm thu. Chất lượng các hạng mục công trình đã hoàn thành đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khai thác vận hành công trình.
4. Kết luận của Hội đồng:
a) Chất lượng công trình hoàn thành đáp ứng được yêu cầu của thiết kế, theo báo cáo nhanh thì kết quả thử tải cầu cho thấy công trình đảm bảo an toàn đủ điều kiện để đưa vào sử dụng. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cơ sở, đồng ý để chủ đầu tư đưa công trình vào khai thác sử dụng.
b) Để có cơ sở quản lý và bàn giao công trình cho chủ quản lý sử dụng, chủ đầu tư cần thực hiện các việc sau:
– Hoàn chỉnh hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định, trong đó lưu ý việc bổ sung các biên bản nghiệm thu giai đoạn hoàn thành của HĐNTCS (cọc khoan nhồi, mố trụ , kết cấu nhịp,bản mặt cầu và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật)
– Dịch sang tiếng Việt các biên bản nghiệm thu, bản vẽ hoàn công bộ phận công trình và công trình xây dựng.
– Nhanh chóng lắp đặt hệ thống quan trắc, lập “trạng thái 0” để theo dõi biến dạng của cầu trong quá trình khai thác theo quy trình quan trắc được Chủ đầu tư phê duyệt.
– Lập quy trình bảo trì công trình cầu.
Nơi nhận: – Như trên, – Thủ tướng Chính Phủ (để báo cáo), – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân – CTHĐ (để b/cáo), – Thứ trưởng Lê Đình Tiến– Phó CT HĐNTNN ; – Bộ Giao thông Vận tải (để biết); – Tổ chuyên gia của Hội đồng; – Lưu VP, GĐ (TTHĐ). | KT. Chủ tịch Hội đồngphó chủ tịchđã ký GS. TSKH Nguyễn Văn Liên |