Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn coi trọng việc nâng cấp phát triển hệ thống đô thị, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế. Theo đó, nhiều nỗ lực trong cải tạo, nâng cấp, phát triển đô thị thời gian qua đã mang lại một diện mạo mới cho đô thị nước nhà. Những bài học và kinh nghiệm xây dựng thành công hệ thống đô thị ở các nước trên thế giới cũng như thực tiễn tại Việt Nam cho phép chúng ta nhận định những yếu tố cần và đủ cũng như thấy được không ít tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển.
Hạ tầng chắp vá Cơ sở kinh tế kỹ thuật là một trong những động lực chính yếu, tuy nhiên lại không đủ mạnh để thúc đẩy đô thị phát triển. Cơ sở hạ tầng đô thị bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn thiếu và yếu chưa đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển đô thị. trên thực tế, nhiều đô thị đã và đang chủ động thu hút nguồn lực để phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống dân cư, thực hiện nếp sống văn minh. Nhưng công tác thực thi và quản lý chưa được làm triệt để, dẫn đến tình trạng việc xây dựng tự phát của một số bộ phận dân cư hay các nhà máy, cơ quan, xí nghiệp tại đô thị vẫn tiếp diễn không theo quy hoạch đã duyệt. Công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng như đường sá, điện nước, cầu cống, hệ thống thông tin liên lạc… không được tiến hành đồng bộ tạo nên sự chắp vá và lộn xộn. Theo tiêu chí phân loại đô thị, rất nhiều địa phương chưa đạt được những nội dung như yêu cầu, dù được châm chước nâng loại song sau đó họ vẫn chưa chủ động đầu tư xây dựng để đạt chuẩn cho những tiêu chí còn thiếu hụt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của việc chất lượng đô thị không tương xứng với loại đô thị đã được công nhận. Nếu so sánh với cách đánh giá về công trình hạ tầng xã hội như một số quốc gia khác trong khu vực hay trên thế giới thì việc phân loại đô thị của chúng ta không quá khắt khe mà mới chỉ dừng lại ở việc xác định quy mô về diện tích, chức năng sử dụng tài sản đất. trong khi đó, điều quan trọng là cần có yêu cầu về việc đánh giá chất lượng phục vụ của các công trình đối với cuộc sống cư dân đô thị. Chất lượng sống kém Các vấn đề dịch cư vào các đô thị lớn, sự gia tăng giàu nghèo ở đô thị, vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, sự liên kết bền vững đô thị – nông thôn… vẫn là một trong những nội dung được quan tâm tuy nhiên vẫn chưa có những lời giải đáp thoả đáng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Sự phân hoá giàu nghèo ở nước ta ngày càng rõ rệt, phát triển đô thị do đó cũng đi theo chiều hướng mất cân bằng, cả về mặt vật lý lẫn xã hội học, giữa người giàu và người nghèo. Thực tế đã xảy ra: chỉ người giàu mới có điều kiện để hướng tới những căn hộ cao cấp tại các khu đô thị mới, trong khi người nghèo không thể có khả năng lựa chọn. Gần đây, những dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp vẫn đang là chủ đề nóng được dư luận hết sức quan tâm nhưng bộc lộ khá nhiều vấn đề. Nhiều phản biện cũng được đưa ra trong quá trình triển khai thực hiện. Mặc dù phát triển với tốc độ nhanh song các đô thị Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội hoá nhà ở cho mọi đối tượng. Các đô thị lớn có sức hút mạnh đang tạo ra sự tập trung dân cư, công nghiệp quá tải mà chưa tìm ra những giải pháp hữu hiệu điều hoà quá trình tăng trưởng, trong khi các đô thị nhỏ và vừa thì kém sức hấp dẫn, không có khả năng đảm nhiệm nổi vị trí và vai trò trung tâm của mình trong mạng lưới đô thị quốc gia. Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cải thiện do sự gia tăng lượng các chất thải độc hại vào môi trường sống như nước thải từ các KCN, nhà máy không được xử lý xả trực tiếp ra sông hồ không những phá vỡ cảnh quan mà còn tác động tới cân bằng sinh thái đô thị, ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng và sự phát triển bền vững của các đô thị cũng như khu vực lân cận. Hiện nay, nhiều khu vực ngoại thành đang đối mặt với sự phát triển thiếu bền vững do phải ổn định đời sống dân cư, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng hợp lý quỹ đất nông nghiệp… Thêm vào đó, thể chế quản lý và kiểm soát phát triển đô thị thiếu hiệu quả trên từng vùng trong cả nước đã tạo nên những tranh chấp không đáng có. Các cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng trong việc tạo ra nguồn vốn để hướng đến mục đích xây dựng đô thị còn thiếu. Các thủ tục hành chính trong giao đất, cấp phép xây dựng và thẩm định các dự án đầu tư còn nhiều phiền hà. phân cấp trong quản lý xây dựng vẫn chồng chéo, năng lực chính quyền đô thị chưa đạt yêu cầu dẫn tới việc thiết lập một trật tự đô thị trong bối cảnh có nhiều thách thức. trong quá trình xây dựng đô thị cho thấy rất nhiều bất cập ở quá trình triển khai. Bên cạnh việc nhận định đầy đủ những thiếu hụt khi thực hiện và yêu cầu thực tiễn đặt ra, cần phải tập trung tháo gỡ và quyết tâm thực hiện một cách triệt để, vì mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển bền vững theo mô hình mạng lưới đô thị, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ hiện đại, chất lượng đô thị tốt, có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, đậm đà bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế”. |