|
Chỉ 50% thịt lợn qua kiểm dịch?!
Hầu hết tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại các chợ nội thành Hà Nội đều cho rằng, quy định bán thịt lợn phải có dấu kiểm dịch lâu nay đã khiến người mua hàng an tâm, người bán tự tin, thoải mái vì không phải giải thích nhiều.
Quan sát tại các chợ Hôm – Đức Viên, chợ Thành Công, Ngọc Hà, chợ tạm Phùng Hưng cho thấy, hầu hết thịt lợn tại các quầy ở đây đều có nguồn gốc từ lò mổ tập trung Thịnh Liệt (Thanh Trì) hay các lò khu vực Hoàng Mai, Phùng Khoang (Thanh Xuân)…
Khi được hỏi thịt lợn bày bán có qua kiểm dịch không, chị Nga, chủ quầy thịt tại khu A chợ Hôm – Đức Viên, lập tức chìa ngay một loạt hóa đơn minh chứng việc mua thịt từ lò Thịnh Liệt.
Chỉ vào những hóa đơn này, chị cho biết: “Tại lò mổ chỉ những con lợn nào có dấu kiểm dịch thú y thì khi ra cửa, cán bộ quản lý mới viết cho hóa đơn chứng nhận này. Còn không sẽ bị lập biên bản”.
Theo giới kinh doanh, hầu hết lò mổ lớn nhỏ lân cận các điểm giết mổ lớn kể trên thường có một nhân viên thú y làm nhiệm vụ kiểm dịch. Tại các chợ, mỗi buổi sáng cũng đều có cán bộ đi kiểm tra rà soát. Song, chính những người kinh doanh cũng cho rằng, rất khó để đảm bảo 100% thịt lợn bán tại nội thành Hà Nội hiện đã qua kiểm dịch.
Gần hai chục năm trong nghề buôn, anh Nguyễn Văn Hoan, chủ kios số 5 chợ Thành Công, ước tính, lượng thịt lợn qua kiểm dịch hiện chỉ đạt từ 40-50%.
Các tiểu thương đồng quan điểm, thịt lợn đầu vào hiện nay có rất nhiều nguồn khác nhau. Hàng trôi nổi từ các cơ sở giết mổ thủ công hoặc do người dân từ các vùng ven nội tự giết mổ rồi pha thịt đưa về đang chiếm con số không nhỏ nhất là tại các chợ cóc, chợ tạm vỉa hè.
Tại phố chợ Chính Kinh (quận Thanh Xuân), chị Nghiêm Hồng Thủy – chủ một quầy thịt cho biết, hơn chục năm nay, chị chưa khi nào vào lò mổ lấy hàng mà đích thân đi chọn mua lợn ở gần nhà (khu vực xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm) rồi chung với vài người nữa giết mổ đem bán.
“Thuận mua vừa bán, ngồi đây lâu năm, nhiều khách quen, mình cứ chọn hàng ngon mắt, đắt tiền thì kiểu gì cũng bán được” – chị Thủy nói và cho biết không hề e ngại trước thông tin sắp tới ngành nông nghiệp sẽ cấm triệt để mọi hoạt động giết mổ thủ công.
Đóng bớt dần lò mổ
Tại công văn mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phải tổ chức đồng loạt kiểm tra chấn chỉnh các cơ sở giết mổ theo hướng tiến tới triển khai các mô hình giết mổ tập trung.
Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi giết mổ từ nhỏ lẻ sang mô hình giết mổ tập trung, đảm bảo VSATTP và vệ sinh thú y hoặc chuyển sang làm nghề khác.
Đồng thời, các hoạt động kiểm tra, thanh tra việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng, sinh trưởng và kháng sinh cấm cần phải đẩy mạnh. Bộ NN&PTNT đặc biệt đề nghị Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các đầu việc trên ở khu vực các thành phố.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước có hơn 16.500 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó có đến 55% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) không có giấy phép; 65% không vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau giết mổ; chỉ có 1/4 số cơ sở giết mổ sử dụng nước máy.
Để có sản phẩm thịt lợn “sạch”, đảm bảo VSATTP cho người dân, năm 2008, UBND TP. Hà Nội đã đóng cửa 2 cơ sở giết mổ gia súc là Khương Đình (quận Thanh Xuân) và Tứ Liên (quận Tây Hồ). Thủ đô Hà Nội chỉ còn 2 cơ sở giết mổ là Phùng Khoang – Từ Liêm và Thịnh Liệt – Thanh Trì.
Tiếp đó, chậm nhất là cuối năm 2009, TP sẽ đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt. Như vậy, sau năm 2010, Hà Nội sẽ chỉ còn lại duy nhất lò mổ Phùng Khoang. Thay vào đó, TP sẽ xây dựng 7 giết mổ chế biến gia súc gia cầm tập trung. Tuy nhiên, do chi phí giết mổ tại đây cao hơn các lò thủ công nên một số cơ sở giết mổ mới, hiện đại đang bị thua lỗ nặng.
Theo VNN