Đồng Tháp phát hiện nền gạch cổ có niên đại thế kỷ I-IX trước Công nguyên

Sau 19 ngày khai quật tại Khu di tích Gò Tháp (Khu di tích cấp quốc gia) thuộc ấp I, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp do Ban Quản lý Khu di tích phối hợp với Viện Khảo cổ học vùng Tây Nam Bộ thành phố Hồ Chí Minh tiến hành, ngày 12/7 các nhà khảo cổ đã phát hiện nền gạch cổ tại Gò Minh Sư trong khuôn viên Gò Tháp.

Tiến sĩ khảo cổ học Đào Linh Côn cho biết: Khai quật khảo cổ Gò Tháp với diện tích 400 mét vuông tại Gò Minh Sư đã phát hiện 300 mét vuông có nền gạch cổ, cách nền tháp mười tầng khoảng 500 mét về hướng Đông. Ông nhận định, nền gạch cổ có niên đại thế kỷ I-IX trước công nguyên, thuộc nền văn hóa Óc eo ở Nam bộ. Nền được xây theo kiến trúc như kim tự tháp, gạch có kích cỡ 20-30 cm, dày 5 cm, nền gạch được xây cao từ 1,5- 2mét. Các nhà chuyên môn, công nhân đào bằng thủ công xuống tới độ sâu 4 mét phát hiện phía dưới nền gạch có gia cố những cọc gỗ.

Các nhà khảo cổ đang tiếp tục khai quật vào trung tâm của nền gạch để tìm kiếm hiện vật nhằm xác định nguồn gốc kiến trúc cổ. Được biết, tại Khu di tích Gò Tháp đã khai quật vào năm 1984 ở nền gạch cổ Miếu Bà Chúa Xứ, năm 1993 ở Khu mộ táng cây me keo và năm 1997 ở chân tháp mười tầng đã thu được nhiều hiện vật cổ, quí hiếm như: gốm thô, gốm mịn, gạch nung, tượng phật, tượng Vinu, Linga, Yoni, cột đá, bà nghiền, đồ trang sức bằng vàng… có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ X trước công nguyên./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *