Dự án Hệ – Mạch phát triển cấp nước, cấp điện, giao thông và cải thiện môi trường cảnh quan cho Thủ đô Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây./.











BỘ XÂY DỰNG


 


Số: 499 /BXD – HTKT


V/v: Dự án Hệ – Mạch phát triển cấp nước, cấp điện, giao thông và cải thiện môi trường cảnh quan cho Thủ đô Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây./.


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


 


 


Hà Nội, ngày 27 tháng  03  năm 2009


Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ




     Căn cứ công văn số 775/VPCP-CN ngày 1/2/2008 của Văn phòng Chính phủ về việc: Dự án Hệ – Mạch phát triển cấp nước môi trường, sinh hoạt, kết hợp phát điện, giao thông cho Thủ đô và chuỗi đô thị phía Tây Hà Nội, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp ngày 17/3/2008 tại Bộ Xây dựng để nghe báo cáo và lấy ý kiến đóng góp sơ bộ từ các Bộ, ngành và địa phương có liên quan đối với Đề án nêu trên. Trên cơ sở góp ý nội dung đề án từ các bên có liên quan, Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh đã có Tờ trình số 100 TTr/2008/CTBM ngày 02/8/2008 và Đề án kèm theo xin lập báo cáo đầu tư dự án.




     Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3461/VPCP-CN ngày 22/6/2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương và cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu và đã có báo cáo Thủ tướng về đề xuất xin lập dự án đầu tư xây dựng Hệ Mạch tại công văn số 9564/BKH-KTNN ngày 28/12/2007. Để tránh chồng chéo về mặt thủ tục, căn cứ theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã có công văn số 273/BXD-HTKT ngày 18/8/2008 gửi Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến một số vấn đề chính chưa được giải quyết trong đề án theo ý kiến đóng góp trong hội nghị ngày 17/3/2008 tại Bộ Xây dựng (xem chi tiết mục II). Sau khi tổng hợp, Bộ Xây dựng kính trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung như sau:



     I. Tóm tắt nội dung Dự án:



     Dự án có bốn hạng mục đầu tư quan trọng là cầu đường, thủy điện, môi trường và cấp nước sinh hoạt. Nếu theo cơ cấu vốn đầu tư thì tất cả các hạng mục nêu trên thuộc hạng mục công trình nhóm A.



     1. Tên dự án: Dự án Hệ – Mạch phát triển cấp nước môi trường, sinh hoạt kết hợp phát điện, giao thông cho thủ đô Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây.



     2. Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh. 



     3.  Mục tiêu của Dự án:



     a) Môi trường: hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng cường lưu lượng nước về Hồ Tây, làm sạch nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ, góp phần giữ gìn thủ đô xanh, sạch, đẹp, tăng cường sức khỏe cộng đồng dân cư.



     b) Cảnh quan: duy trì ổn định mực nước hồ Đồng Mô, góp phần tăng cường cảnh quan khu du lịch và làng văn hóa Việt Nam, cải thiện cảnh quan hai bên bờ sông Tích, sông Đáy.



     c) Cấp nước: cung cấp nguồn nước sinh hoạt và công nghiệp cho thủ đô Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây đến sau năm 2020.



     d) Cấp điện: xây dựng trạm phát điện công suất 100MW tại khu vực xóm Đạo, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.



     e) Giao thông: xây dựng hệ thống giao thông kết hợp với cấp nước theo trục Đồng Mô – Hà Nội.



     4. Phạm vi của dự án:



     Thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội (bao gồm phần mở rộng), Phú Thọ và Hòa Bình.



     5. Nguồn nước cho cấp điện và cấp nước:



     Chọn nguồn nước sông Đà, đầu mối lấy nước tại Khe Suối thuộc hồ Hòa Bình trên địa bàn xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.



     6.  Quy mô đầu tư xây dựng:



     6.1 Cấp điện:



     Xây dựng một trạm cấp điện có công suất 100MW tại khu vực xóm Đạo, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.



     6.2 Cấp nước:



          – Xây dựng 8 trạm cấp nước trên tuyến, không đề xuất rõ vị trí;



          – Cửa xả cấp nước cho Hồ Tây, sông Tô Lịch, sông Nhuệ và các điểm có nhu cầu.



     6.3 Giao thông:



          – Cầu chính qua sông Đà, chiều dài 1,7 km; cầu qua sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích;



          – Đường kết hợp cấp nước từ Đồng Mô – Mỹ Đình – sông Tô Lịch, dài 30,4      km;



          – Đường kết hợp cấp nước trên trục 423 (từ Hóa Thạch đến Trung Văn), dài 25,2 km;



          – Đường kết hợp cấp nước, mạng vành đai 3 (Xuân Đỉnh đến Thịnh Liệt), dài 15,2 km;



          – Đường kết hợp cấp nước, mạng vành đai 4 (từ Tây Tựu đến Tam Hiệp), dài 22,14 km;



          – Đường kết hợp cấp nước, mạng vành đai 5 (từ Liên Trung đến Tả Thanh Oai), dài 26,2 km;



          – Đường kết hợp cấp nước, mạng vành đai 6 (từ Liên Hồng đến Mỹ Hưng), dài 34,6 km;



          – Đường kết hợp cấp nước, mạng vành đai 7 (từ Tam Hiệp đến Phương Trung), dài 26,95 km;



          – Đường kết hợp cấp nước, mạng vành đai 8 (từ Trạch Mỹ đến Hoa Sơn), dài 33,7 km.



     7. Diện tích chiếm đất:



     Tổng diện tích sử dụng: 985 ha. Trong đó:



     – Diện tích đất giao thông là 838,3 ha;



     – Diện tích trạm xử lý nước 48 ha;



     – Diện tích đất xây dựng các công trình khác 98,7 ha.



     8. Tổng mức đầu tư:



     – Tổng mức đầu tư là: 46.721 tỷ đồng. Trong đó:



     + Giai đoạn 1: 22.618 tỷ đồng;



     + Giai đoạn 2: 13.361 tỷ đồng;



     + Giai đoạn còn lại: 10.742 tỷ đồng.



     – Nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn:



     + Nhà đầu tư vay vốn ưu đãi để thực hiện dự án;



     + Vốn ngân sách đầu tư cho phần cấp nước, vệ sinh môi trường.



     9. Tiến độ thực hiện:



     – Giai đoạn 1: 3 năm đầu;



     – Giai đoạn 2: 3 năm sau;



     – Giai đoạn còn lại: 2 năm sau.



     10. Giá dự kiến:



     – Nước cho sinh hoạt: 2.400 đồng/m3



     – Nước cho sản xuất: 1.500 đồng/m3 (chưa kể chi phí quản lý)



     – Nước cho vệ sinh môi trường: 450 đồng/m3



     – Giá điện 608 đ/KWh



     – Phí giao thông theo mức phí đường hiện hành của Nhà nước.



     11. Hiệu quả đầu tư:



     – Tỷ lệ triết khấu: 10%



     – NPV = 2.836 tỷ đồng



     IRR = 12,2%



     B/C = 1.1



     – Thời gian khai thác: 50 năm



     12. Tác động của dự án đối  xã hội và với môi trường:



     Lượng nước được chuyển về liên tục với lưu lượng đáp ứng yêu cầu sử dụng cho sinh hoạt, công nghiệp và vệ sinh môi trường khu vực, nhờ vậy môi trường xanh, sạch hơn. Lượng nước về các sông Nhuệ, Đáy, Tích, Tô Lịch, Lừ, Hồ Tây sẽ giúp cho dòng sông trở nên sạch hơn.



     Dự án được xây dựng ở khu vực có mật độ dân cư thấp, do vậy công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi. Khi dự án được thực thi sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế của khu vực.



     13. Phương thức đầu tư:



     Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh là Chủ đầu tư các hạng mục công trình theo phương thức BOT, BT, BTO.



     14. Hình thức quản lý thực hiện Dự án:



     Chủ đầu tư xây dựng công trình trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.



     II. Tóm tắt ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương:



     Trên cơ sở công văn trả lời của các Bộ, ngành, địa phương theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn: số 2063/BKHCN-ĐTG ngày 10/8/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ, số 2202/BNN-TL ngày 9/8/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 150?/BCT-NLDK ngày 13/8/2007 của Bộ Công thương, số 11011/BTC-ĐT ngày 17/8/2007 của Bộ Tài chính, số 3334/BTNMT-TĐ ngày 7/6/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 1760/BXD-HTĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Xây dựng, số 2090 TTr/UBND-TH ngày 7/6/2007 của UBND tỉnh Hà Tây, số 1452/UBND-ĐT ngày 15/8/2007 của UBND tỉnh Hòa Bình, số 4734/UBND-KH&ĐT ngày 30/8/2007 của UBND TP Hà Nội, số 1279/TTr-UBND ngày 15/6/2007 của UBND tỉnh Phú Thọ) và hội nghị tại Bộ Xây dựng ngày 17/3/2008 do Thứ trưởng Trần Ngọc Chính chủ trì, chủ yếu các ý kiến đóng góp cho đề án tập trung vào những vấn đề sau:



     – Đa số ủng hộ ý tưởng của đề án.



     – Cần chứng minh tài chính của doanh nghiệp, khả năng huy động vốn đầu tư, nhấn mạnh không sử dụng vốn nhà nước và vì mục đích kinh doanh (Bộ Tài chính).



     – Xem xét sự phù hợp với quy hoạch và mối quan hệ với các dự án hiện hữu.



     – Nghiên cứu thêm các vấn đề về kỹ thuật như khả năng đưa nước tự chảy, chế độ điều tiết của hồ Hòa Bình, các con sông, đánh giá tác động môi trường đến cảnh quan và công trình có liên quan, giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó cần nghiên cứu kỹ ý kiến của Bộ Công thương về việc lấy nước từ hồ Hòa Bình sử dụng cho phát điện, đồng thời xác định gradial thủy lực để đảm bảo khả năng tự chảy của hệ thống theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.



     Sau khi nhận được văn bản số 273/BXD-HTKT ngày 18/8/2008 của Bộ Xây dựng, Bộ Công thương đã có văn bản số 8185/BCT-NL ngày 15/9/2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 3640/BTNMT-KH ngày 22/9/2008 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản số 2914/BNN-TL ngày 29/9/2008 trả lời với những nội dung bổ sung cho đề án như sau:



     1. Bộ Công thương:



     – Phương án sử dụng nước hồ Hòa Bình như kiến nghị trong báo cáo chưa làm rõ về định lượng ảnh hưởng của Đề án đến việc giảm sản lượng điện của nhà máy thủy điện Hòa Bình; sơ đồ khai thác, các tính toán về năng lượng và cân bằng nước cũng còn rất sơ bộ, chưa hợp lý; báo cáo chưa được các đơn vị tư vấn chuyên ngành tham gia tính toán và nghiên cứu.



     – Tổng mức đầu tư lớn, có thể nằm trong tiêu chí của Dự án quan trọng Quốc gia theo Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội khóa XI. Vì vậy cần nghiên cứu làm rõ mục tiêu và quy mô, hiệu quả của Đề án. Công ty Bình Minh tự chịu rủi ro nghiên cứu là chấp nhận được. Cần tiến hành thận trọng từng bước, có sự tham gia của tư vấn chuyên ngành và ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.



     2. Bộ Tài nguyên và Môi trường:



     Đây là một đề án lớn với các mục tiêu quan trọng về môi trường, cảnh quan, cấp nước, cấp điện và giao thông. Thực hiện tốt đề án sẽ thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường cho Thủ đô Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây.



     – Mức độ tiếp thu các ý kiến đóng góp trước đây còn rất hạn chế, các ý kiến của Bộ chưa được chủ đầu tư xem xét một cách thỏa đáng; phần đánh giá tác động môi trường còn sơ sài.



     – Cần tính toán, rà soát những tác động tích cực của Đề án đối với phát triển kinh tế, xã hội, cải tạo môi trường của Thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận đến nguồn nước của hồ Hòa Bình và từ hồ chứa về hạ lưu sông Hồng, nhất là mùa kiệt. Cần làm rõ những tác động của việc khai thác, sử dụng nước đến thủy điện Hòa Bình, biến đổi nguồn nước hạ lưu hồ Hòa Bình, đồng bằng Bắc Bộ và đề án cấp nước chuỗi đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai.



     3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:



     Để bảo đảm dự án có tính khả thi, đề nghị cơ quan lập dự án phải giải quyết một số vấn đề, cụ thể như sau:



     – Cần có sự đồng ý của cơ quan chủ quản về hình thức lấy nước, số lượng và địa điểm lấy nước.



     – Triển khai trên cơ sở có ý kiến tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch cấp nước nói riêng và quy hoạch hạ tầng nói chung của Thành phố Hà Nội.



     – Các vấn đề về môi trương cần được cập nhật như “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ” do Thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với 5 tỉnh trong lưu vực nhằm đưa ra các giải pháp thích hợp và thống nhất. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng mới công Liên Mạc tăng lưu lượng lấy nước vào sông Nhuệ trong đó có nội dung bổ sung nước cho sông Tô Lịch 5m3/s theo yêu cầu của UBND Thành phố Hà Nội do đó không cần lượng nước khác bổ sung cho sông Nhuệ. Việc ổn định mực nước hồ Đồng Mô – Ngải Sơn nằm trong một dự án khác đang được triển khai.



     – Nội dung Đề án phải bảo đảm phù hợp, không được làm thay đổi hoặc phá vỡ nội dung của các chương trình, đề án, quy hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước dân sinh, công nghiệp, tiêu thoát lũ cho vùng thủ đô Hà Nội do Bộ NN&PTNT đã và đang thực hiện.



     III. Nhận xét của Bộ Xây dựng:



     1. Sự phù hợp với quy hoạch:



     Các căn cứ về quy hoạch: Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5/5/2008 và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998. Quy hoạch hệ thống cấp nước thành phố Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 50/2000/QĐ-TTg ngày 24/4/2000, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 9/7/2008, Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến năm 2025.



     a) Về cấp nước:



     Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đến năm 2010 là 150 – 180 lít/người/ngày, với 90 – 95% dân số đô thị được cấp nước và đến năm 2020 là 180 – 200 lít/người/ngày, với 95 – 100% dân số đô thị được cấp nước; Khai thác hợp lý các nguồn nước dưới đất, bước đầu khai thác các nguồn nước mặt từ hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Cầu, sông Công. Hà Nội tiếp tục phát triển hệ thống cấp nước mang tính liên vùng trên cơ sở hệ thống cấp nước sông Đà công suất 600.000 m3/nđ, tăng công suất lên 1.200.000 m3/nđ, khai thác nguồn nước sông Đà cấp cho Hà Nội, Hà Tây, Lương Sơn (Hòa Bình); Xây dựng mới nhà máy cấp nước liên vùng, nguồn nước khai thác dự kiến từ sông Đuống hoặc sông Hồng công suất 100.000 – 300.000 m3/ngđ và có thể nâng cấp theo sự phát triển của khu vực nhằm bổ sung nguồn nước cấp cho khu vực Bắc sông Hồng, các khu đô thị và công nghiệp phía Đông trục đường 5 kể từ  Hà Nội, trên trục quốc lộ 1 từ Hà Nội đi Bắc Ninh. Đảm bảo cấp nước cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 với nhu cầu dự báo khoảng 2,1 triệu m3/ngđ.



     Đề án xác định nhu cầu cấp nước sinh hoạt và công nghiệp đến năm 2100 là hơn 10,5 triệu m3/ngđ, tuy nhiên đề án chưa xác định rõ về khả năng cấp nước của các hệ thống hiện hữu theo quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội đến thời điểm trước mắt là năm 2020. Theo tính toán, đến năm 2020 nhu cầu cấp nước cho khu vực cần thêm khoảng 1.300.000m3/ngđ để đáp ứng nhu cầu 2.141.000 m3/ngđ theo quy hoạch vùng Thủ đô (bao gồm cả Hà Tây). Tuy nhiên, đề án đề xuất định hướng lâu dài cho cấp nước sinh hoạt ngoài năm 2020 có tính đến nhu cầu làm sạch và ổn định mực nước các con sông đang bị ô nhiễm là một ý tưởng cần được quan tâm.



     b) Về giao thông:



     Các tuyến hướng tâm của đề án nằm xen kẽ với các tuyến đường chính được quy hoạch như đường 32, đường Láng – Hòa Lạc và đường 6 được xác định trong quy hoạch như là các tuyến đường cấp II, cấp III đồng bằng được xây dựng mới kết hợp cải tạo các tuyến trong vùng ảnh hưởng, đảm bảo mật độ mạng lưới và chất lượng tuyến hợp lý. Các tuyến mạng vòng tập trung trên đường vành đai (50-150m), tỉnh lộ 70, vành đai 4 (100m-120m), và một số tuyến liên huyện.



      Nhìn chung, các tuyến đường trong đề án là phù hợp về hướng phát triển giao thông của Thủ đô, không trùng với các tuyến phát triển đường sắt đô thị theo quy hoạch. Tuy nhiên, đề án chưa thể hiện được lộ giới cũng như lý trình của tuyến theo hiện trạng và quy hoạch (chỉ thể hiện trong tờ trình về lý trình). Cách thể hiện các tuyến của đề án mới thể hiện ở bước sơ thảo, do đó rất khó nhận biết và đánh giá tính chính xác của các tuyến so với thực tế và quy hoạch.



     c) Về cấp điện:



     Đề án phù hợp với nội dung của Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến năm 2025, phù hợp với mô hình phát triển thủy điện nhỏ dưới hình thức IPP (có sự tham gia của tư nhân). Tuy nhiên, Đề án vẫn chưa thể hiện được các nội dung kiến nghị do Bộ Công thương yêu cầu từ trước đó nên rất khó đánh giá tính khả thi của phần này.



     2. Về nguồn vốn:



     Việc sử dụng nguồn vốn ngân sách cho các hạng mục công trình cấp nước không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ đã xem việc cấp nước là nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; đầu tư cấp nước cần phải do các doanh nghiệp tự đầu tư. Do vậy, với mục tiêu chính là cấp nước thì đề án lại chưa thể hiện được vai trò của Chủ đầu tư.



     3. Nhận xét chung:



     Đây là một ý tưởng xây dựng kết cấu hạ tầng có tính chất liên vùng, liên tỉnh có ý nghĩa trong việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá của Hà Nội và các đô thị phía Tây Hà Nội, góp phần đảm bảo an toàn cấp nước, giao thông, cấp điện, nâng cao điều kiện sống, sức khoẻ của người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị; đồng thời, dự án phản ánh việc thực hiện chủ trương phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Dự án mang tính đa mục tiêu có quy mô lớn, trải trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đòi hỏi phải có nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện. Đồng thời nội dung của đề án còn một số vấn đề sau:



     – Thời hạn tính toán của đề án đến năm 2100, chưa xác định các thời hạn tính toán theo quy định của pháp luật về quy hoạch.



     – Đề xuất của đề án không nằm trong nội dung quyết định phê duyệt của các đồ án quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây (trước đây).



     – Đề án chưa chứng minh được một số vấn đề quan trọng do các Bộ ngành đặt ra như đã nêu ở trên.



     – Chưa thể hiện rõ cơ cấu nguồn vốn đặc biệt là việc sử dụng ngân sách cho cấp nước và tính khả thi của các khoản vay.



     – Theo thông báo kết luận của Phó Chủ tịch tỉnh Hà tây số 28/TB-UBND ngày 18/2/2008 về dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đê hữu sông Hồng và tuyến đê tả sông Đáy, thông báo số 104/TB-UBND ngày 22/5/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về quy hoạch dọc hai bên bờ sông Tích, Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh được lựa chọn thực hiện lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng phụ cận hai bên bờ sông Tích nhằm phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp và cải tạo môi trường. Đây là một điều kiện thuận lợi để Công ty CP Bình Minh được tham gia vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Thủ đô, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng. Trước mắt, Công ty CP Bình Minh cần tập trung thực hiện tốt hai dự án nêu trên.



     – Được sự phân công của Chính phủ, Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Việc thực hiện đề án Hệ Mạch ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp với nội dung nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà nội mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chưa đáp ứng được các yếu tố kỹ thuật cần thiết.



     IV.   Kiến nghị:



     Với những lý do trên, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ  như sau:



     – Giao Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Liên danh tư vấn lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng phối hợp với Công ty CP Bình Minh xem xét, nghiên cứu và tính toán, kiểm tra các đề xuất của đề án để tiếp thu, thể hiện các ý tưởng có tính khả thi trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng.



     – Công ty CP Bình Minh tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia để hoàn thiện đề án.



     – Sau khi đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội mở rộng được phê duyệt sẽ xem xét chủ trương cho phép công ty cổ phần Bình Minh lập dự án đầu tư của dự án hoặc các tiểu dự án thành phần được khẳng định phù hợp với quy hoạch và triển khai thực hiện theo quy định.



     Bộ Xây dựng kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.








Nơi nhận:


– Như trên;


– Các Bộ: KHĐT, TC, CT, TN&MT,     NN&PTNT, GTVT;


– UBND các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, TP Hà Nội;


– CTCP Bình Minh;


– Lưu VP, HTKT.


 


KT.BỘ TRƯỞNG


THỨ TRƯỞNG


 


đã ký


 


Trần Ngọc Chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *