Ngày 10/10, đại biểu Quốc hội TP HCM cùng đại diện các sở ngành và chuyên gia quy hoạch, quản lý đất đai góp ý dự Luật Quy hoạch đô thị. Nhiều ý kiến cho rằng dự luật này còn chồng chéo với Luật Xây dựng. Lo lắng của nhiều đại biểu là hiện nay đã có quá nhiều quy định liên quan đến quy hoạch, giờ lại có thêm một luật mới cùng nội dung. Sự chưa thống nhất, còn chồng chéo có thể dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp khó khăn. Trưởng phòng kế hoạch Sở Tài nguyên môi trường TP HCM, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân phân tích: “Luật Xây dựng đã đề cập đến quy hoạch, Luật Đất đai lại có quy hoạch sử dụng đất, giờ thêm Luật Quy hoạch đô thị này phải lấy luật nào làm cơ sở”. Trong khi đó, Trưởng phòng tài nguyên môi trường quận Tân Phú, bà nguyễn Thị Ngọc Khuê lại nhận xét rằng dự Luật Quy hoạch đô thị còn nhiều điều khoản vênh với Luật Xây dựng. Theo bà Khuê, trước đây doanh nghiệp khi được chính quyền địa phương thuận địa điểm thực hiện dự án thì có thể lập quy hoạch, đây được xem là bước tiến tháo gỡ thủ tục hành chính. Nay dự Luật Quy hoạch đô thị lại bắt buộc hễ muốn lập quy hoạch thì phải xin phép là chưa thống nhất với các quy định cũ và đẻ thêm thủ tục phiền hà.
Một số đại biểu băn khoăn, các chủ thể liên quan đến quy hoạch bao gồm Nhà nước, tư vấn, chủ đầu tư và người dân còn mờ nhạt trong dự luật này. Đặc biệt là quyền lợi của người dân đang sống trong vùng quy hoạch và vùng tương lai sẽ bị quy hoạch chưa được làm rõ. Nhiều ý kiến nhận định tầm ảnh hưởng của Luật quy hoạch đô thị không vươn xa hơn Luật Xây dựng, cũng chưa làm rõ nhiều khía cạnh dẫn đến xung đột trong quy hoạch đô thị. Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Trần Du Lịch cho rằng, các điều khoản trong dự Luật Quy hoạch đô thị chưa giải quyết được những nhu cầu bức bách của nhiều đối tượng tham gia vào quá trình thực hiện quy hoạch. Theo ông Lịch, trên thực tế mỗi quy hoạch có hiệu lực trung bình 20-25 năm nhưng nhiều dự án trải qua ngần ấy thời gian cũng chưa thực hiện xong và cứ tiếp tục tồn tại. Dự Luật Quy hoạch đô thị cũng chưa bao quát được yếu tố này. Do đó, theo ông Lịch, không nên nóng vội thông qua luật này mà cần chỉnh sửa lại cho đúng tầm và sát thực tế. Vũ Lê |