Vừa qua, tại hội nghị quốc tế “The World Around 2024”, KTS Nguyễn Hà đã vinh dự được giới thiệu trước đông đảo giới kiến trúc sư quốc tế công trình thế kỷ “Bảo tàng Đạo Mẫu”. Đây không phải là thành tựu đầu tiên, trước đó, “Bảo tàng Đạo Mẫu” đã được tạp chí Domus vinh danh ở hạng mục “Dự án kiến trúc tốt nhất năm 2023”. Nguyễn Hà cũng chính là kiến trúc sư người Việt đầu tiên nhận được giải thưởng kiến trúc quốc tế danh giá “Moira Gemmill” vào tháng 3/2024. Với thiết kế đậm chất truyền thống pha lẫn hiện đại, công trình đã khiến giới mộ điệu trầm trồ khi chiêm ngưỡng.
Tọa lạc tại Hiền Ninh, Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, Bảo tàng Đạo Mẫu ẩn náu dưới khu vườn vải thiều có tuổi đời hơn 50 năm. Công trình được nghệ sĩ Xuân Hinh gọi là “Linh Từ – Uống nước nhớ nguồn”, không chỉ là nơi thờ Mẫu mà còn lưu giữ và truyền bá nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc như hát văn, quan họ, hầu đồng, tranh cổ dân gian… Đây cũng là không gian để nghệ sĩ Xuân Hinh tôn vinh giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu: lòng biết ơn và tâm hướng thiện.
Điểm nhấn của công trình là sự giao thoa giữa chất liệu truyền thống và kỹ thuật hiện đại. Được xây dựng từ 5 triệu viên ngói cổ và hàng triệu viên gạch thất cổ, Bảo tàng Đạo Mẫu làm “thức dậy” dấu ấn của những lò gạch cũ bị lãng quên trong tiềm thức. Một dấu ấn rất chân thật, rất Việt Nam, được ngụ ý thông qua kiến trúc đậm chất tâm linh của của thời đại. Ngoài ra, những viên ngói vỡ cũng được tận dụng, ghép nối thành một “tấm thảm ngói” khổng lồ từ trên cao nhìn xuống.
Một trong những điểm nổi bật khác của Bảo tàng Đạo Mẫu là yếu tố vi khí hậu được tạo ra qua cách đặt ánh sáng và sử dụng các lớp lang kiến trúc. Công trình được ví như “một sự diễn giải đầy chất thơ về lịch sử vật chất địa phương”. Điều này không chỉ tiếp nối hành trình bảo tồn một di sản văn hóa đang bị đe dọa mà còn là minh chứng cho quá trình đô thị hóa cảnh quan nông thôn ở Việt Nam.
Con đường lát đá trong bảo tàng dẫn du khách qua những không gian riêng tư, qua bộ sưu tập bình vôi cổ dưới gốc cau, đến khi tầm nhìn được mở rộng ra khu vườn vải rộng mênh mông. Các bức tường gạch không chỉ gợi nhớ mái dốc của những ngôi chùa miền Bắc mà còn tạo ra sự chuyển tiếp giữa các khu vực của công trình. Sàn bê tông được đánh bóng, ánh sáng mờ ảo chen qua các kẽ lá rồi “nhỏ” vào hội trường, bảo tàng và đền thờ, tưới thêm sức sống cho những bức tượng mạ vàng và khảm xà cừ.
Bảo tàng Đạo Mẫu như một ngưỡng cửa giữa những trải nghiệm thế tục và không gian linh thiêng. Đó là nơi mà người dân và du khách có thể kết nối với lịch sử và văn hóa, để cảm nhận sự thiêng liêng của những vết tích thuộc về quá khứ còn sót lại. Giống như những điều mà KTS Nguyễn Hà đã từng chia sẻ “chúng ta kết nối lại với sự thanh thản bên trong bản ngã, để mơ ước và khát khao những điều lớn lao hơn”.
Được biết, KTS Nguyễn Hà, “cha đẻ” của công trình thời đại này sinh năm 1980. Cô đã băng qua 20 năm trên hành trình tìm kiếm bản ngã trong kiến trúc. Sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc Trường đại học Xây dựng và nhận học bổng cao học tại Học viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ, cô đã trở về nước và mở văn phòng thực hành cùng hai kiến trúc sư Thụy Sĩ. Mặc dù từng gặp nhiều khó khăn và thất bại, nhưng với đam mê và kiên trì, Nguyễn Hà đã tạo nên những công trình để lại dấu ấn sâu sắc trong giới mộ điệu.
Hiện tại, KTS Nguyễn Hà đang thực hiện một dự án khác tại Mang Thít, “thủ phủ của những lò gạch”. Cô và cộng sự đang xây dựng một đề xuất dài hạn để bảo tồn các lò gạch cũ, phô bày vẻ đẹp của vùng đất này để người dân và du khách có thể kết nối lại với lịch sử và ý nghĩa văn hóa.
“Đối với tôi, kiến trúc nên là sự lan tỏa để hỗ trợ con người phát triển khả năng cảm thụ tinh thần của chính mình,” Nguyễn Hà chia sẻ. “Khi không gian kiến trúc đạt đến trạng thái tĩnh lặng, những người sống trên đó có xu hướng nhìn vào bên trong chính mình. Đây là điều tôi luôn tìm kiếm khi thực hiện một dự án.”
“Chúng ta đang trải qua một sự rạn nứt giữa cách sống truyền thống và hiện đại,” đây là những trăn trở trong nhiều năm làm nghề của kẻ lữ hành kỳ dị. “Thế hệ trẻ hiện nay có thể dễ dàng bày tỏ sự mâu thuẫn hoặc thậm chí sợ hãi đối với các tôn giáo dân gian địa phương, nhưng họ cũng tò mò về quá khứ và lịch sử quê hương mình”. Điều này đặt ra thách thức và cũng là cơ hội cho chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Bảo tàng Đạo Mẫu không chỉ là một công trình kiến trúc, mà còn là một cầu nối, giúp thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu sâu hơn về di sản văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, đây còn là biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại. Một nét chấm phá trên nền chảy của thời gian đã khơi dậy niềm tự hào và cảm hứng phục dựng các yếu tố cổ truyền trong tư duy của các KTS trẻ.