Theo thống kê đầu năm 2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có 35 nghìn lao động trong các doanh nghiệp bị mất việc làm do suy giảm kinh tế. Dự báo trong năm 2009, sẽ có khoảng 300 đến 400 nghìn người mất việc làm. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, do sự suy giảm của GDP năm 2009, số người thất nghiệp sẽ chiếm khoảng 0,65%, tương đương với 300 nghìn người trong tổng số khoảng 45 triệu lao động của nước ta hiện nay. Riêng TP Hà Nội, UBND thành phố dự báo số lao động mất việc làm năm 2009 là 45 nghìn lao động.
Ðể khắc phục tình trạng mất việc làm, một bộ phận những người mất việc làm phải phụ giúp gia đình làm mọi việc tại quê hương; một bộ phận khác ở lại thành phố, khu công nghiệp nhận làm thuê bất cứ việc gì để có thêm thu nhập. Cũng cần thấy rằng, trong khi nhiều người mất việc làm, vẫn còn nhiều nơi thiếu lao động. Ðó là một số cơ sở sản xuất công nghiệp và chế biến, vệ sinh công nghiệp, tiếp thị dịch vụ; các ngành công nghiệp cần lao động có trình độ cao, các ngành ngân hàng tài chính, kinh doanh bất động sản… Mất việc làm không chỉ xảy ra đối với người lao động trong nước mà còn cả những người đi xuất khẩu lao động. Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến trong năm 2009 sẽ có khoảng mười nghìn người về nước trước thời hạn. Ðể tạo nhiều việc làm, khắc phục tình trạng mất việc làm cần phải lưu ý thực hiện các biện pháp sau: Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ, thu hút nhiều lao động ở trong nước. Trong đó, cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học, bệnh viện và các công trình văn hóa; nông nghiệp và nông thôn; nhà ở cho người có thu nhập thấp và nhà cho thuê, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, duy trì và phát triển sản xuất phục vụ thị trường nội địa. Cần đặc biệt ưu tiên các công trình sản phẩm thu hút nhiều lao động hoạt động có hiệu quả. Chẳng hạn, với việc xây dựng các công trình giao thông, nhà ở, bệnh viện, trường học… sẽ sử dụng nhiều lao động và sản phẩm vật liệu xây dựng do trong nước sản xuất. Ðến lượt các doanh nghiệp sản xuất vật liệu này lại tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, thu hút nhiều lao động do tiêu thụ được sản phẩm… Thứ hai, củng cố và phát triển thị trường xuất khẩu lao động ở ngoài nước. Ðẩy mạnh khai thác tìm kiếm thị trường, ổn định thị phần tại các thị trường hiện có; thực hiện các giải pháp để ổn định, mở rộng thị trường trọng điểm như Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản; mở thêm một số thị trường mới ở Ðông Âu và Bắc Mỹ… Do kinh tế nhiều công ty ở nước ngoài thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng sản xuất, nhiều công ty sa thải công nhân viên là người nước ngoài. Chính vì vậy, một số lao động Việt Nam đã phải về nước trước thời hạn. Do đó, chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2009 sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, cần phải phối hợp cơ quan ngoại giao ở từng nước có nhập khẩu lao động để củng cố thị trường đã có, phát triển thêm các thị trường mới; nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu; làm tốt công tác quản lý xuất khẩu tại nước ngoài để hạn chế hiện tượng lao động về nước trước thời hạn do các nguyên nhân từ phía Việt Nam. Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động và nâng cao chất lượng của đào tạo nghề. Ðào tạo nghề cho người lao động trong suy thoái kinh tế có những điểm giống và khác so với đào tạo nghề trước đây. Ðiểm giống nhau là đào tạo nghề để trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thích ứng với công việc họ đang làm hoặc sẽ làm để nâng cao năng suất lao động cho người lao động. Ðiểm khác nhau là hiện nay, do tác động của khủng hoảng tài chính, nhiều doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị thu hẹp sản xuất hoặc phá sản, làm gia tăng số lượng lao động mất việc làm, trong đó chủ yếu là các lao động ở nông thôn làm việc trong các khu chế xuất. Vì thế, ngoài việc đào tạo nghề tại các trường như trước đây, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động mất việc làm ở các doanh nghiệp trở về nông thôn là vấn đề bức xúc. Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tạo việc làm và một số người có điều kiện tham gia xuất khẩu lao động. Như đã nói ở trên, giải quyết việc làm là mối quan tâm hàng đầu của người lao động, là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Tuy nhiên, do đối tượng giải quyết việc làm rất lớn, đa dạng, cho nên việc giải quyết việc làm cần sự tham gia của toàn xã hội, Nhà nước và người lao động. Không những vậy, ngoài việc phải giải quyết việc làm cho những người mới bước vào tuổi lao động, người tốt nghiệp các trường đào tạo, những người chưa có việc làm, nay lại phải giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn người mất việc làm do suy giảm kinh tế. Ðiều này càng nói lên trách nhiệm chung của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho người lao động trong thời kỳ kinh tế suy giảm. |
Giải quyết việc làm trong điều kiện suy giảm kinh tế
0
previous post