(VTC News) – Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng TN&MT khẳng định, lợi dụng việc xây sân golf vào mục đích khác thì thu hồi lại. Bộ trưởng KH&ĐT cũng cho biết, sẽ loại bỏ 50 sân golf vì “không có lý do gì lấy đất nông nghiệp 2 vụ làm sân golf”. 50 dự án sân golf sẽ bị “khai tử” Dù đây mới là lần thứ 2 đăng đàn chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên đã thể hiện phong thái khá chủ động, bình tĩnh, trả lời khá rõ ràng và đầy đủ. Các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là quản lý đất công, đất dự án sân golt, môi trường… Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là chuyện các dự án sân golf. ĐB Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) đặt nghi vấn: “Các sân golf chiếm dụng 80% diện tích đất nông nghiệp và có dự án chỉ dùng 30% đất làm sân, còn lại dùng để kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng nghĩ gì khi sân golf chỉ dành cho người giàu, trong khi người nghèo lại mất đất?
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đang trả lời chất vấn. (Ảnh: Dân Trí)
Không né tránh, Bộ trưởng TN&MT giải thích theo Luật Đầu tư, nhiệm vụ mà Chính phủ giao và Bộ Kế hoạch Đầu tư có trách nhiệm rà soát. “Các ĐB tập trung vào vấn đề đất đai, nếu phần trả lời của tôi chưa đáp ứng thì xin kính mời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giúp trả lời”.
Sau khi đề nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết hiện cả nước có 139 sân golf, trong đó nhà nước đã cấp phép 84 sân, còn lại mới chỉ là chủ trương đầu tư.
“Theo Luật Đầu tư, việc cấp phép các dự án trong đó có sân golf được phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong 3 năm phân cấp, số sân golf được cấp phép nhiều gấp 13 lần khi Trung ương cấp”, Bộ trưởng Nguyên cho biết.
Ông Nguyên cũng thừa nhận một thực trạng là sau khi phân cấp, chưa có kế hoạch tổng thể về sân golf nên có địa phương lấy đất của khu du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, công viên để xây sân golf. Vì vậy, Bộ đã yêu cầu dừng các dự án sân golf để rà soát
Các sân gôn “trá hình” sẽ bị đóng cửa (Ảnh minh hoạ) |
Liên quan đến vấn đề sân golf, theo “đính chính” của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc thì hiện cả nước có tới 166 dự án sân golf đang hoạt động, triển khai và đang xây dựng, trong đó có 145 dự án đã được cấp đất, 84 dự án đang được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong số đó, Hà Nội có 19 sân golf và 10 trong số 19 sân này sẽ bị loại bỏ, ông Phúc cho biết.
“Chúng tôi thấy có một số dự án đang được xây trá hình để lợi dụng việc cấp đất. Đất nông nghiệp bị chiếm dụng gần 10.500 ha là một con số khá lớn. Trên cơ sở rà soát lại, thấy rằng sân golf là cần phải có khi người ngoại quốc vào nước ta sinh sống. Nhưng chúng tôi xem xét và kiến nghị chỉ giữ lại 116 sân gôn, loại bỏ 50 sân golf đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai. Đây là cuộc đấu tranh vì nhiều địa phương cấp phép rồi thì cố giữ, nhưng không có lý do gì để lấy đất nông nghiệp 2 vụ để làm sân gôn”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quả quyết.
Cuối năm sẽ có kết quả kiểm kê đất công
Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai đang bị buông lỏng, ĐB Lê Minh Tiến (Quảng Trị) đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ TN&MT và giải pháp đối với tình trạng đất công biến thành riêng, nhiều diện tích bị treo trong khi việc xây nhà cho giáo viên, sinh viên, người nghèo đang chờ quỹ đất, tài sản công bị sang tên đổi chủ sử dụng trái phép.
Không né tránh, Bộ trưởng TN&MT thừa nhận hiện có tới 145.000 tổ chức được giao 7,8 triệu ha đất, trong đó có 5,7 triệu ha không thu tiền. Trong số này cho thuê trái phép khoảng 2%. Giải pháp trong những năm tới là sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp này để thu hồi lại vì đây là quỹ đất hiệu quả kinh tế cao.
Bộ trưởng TN&MT giải thích: “Gần đây nhất, Thủ tướng đã có chỉ thị chỉ đạo kiểm kê đánh giá. Theo chỉ thị thì từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành việc đánh giá”. Đồng thời, người đứng đầu ngành Tài nguyên cũng phân trần rằng việc thu hồi phần đất này rất khó khăn vì chính quyền địa phương can thiệp.
“Đây là vấn đề lâu dài, cần quyết tâm, nhưng đất sai mục đích thì phải điều chỉnh lại, còn đất hoang hóa sau một năm không triển khai dự án thì sẽ bị thu hồi. Đất cho mượn để liên danh liên kết, cho thuê, cho mượn thì phải dần dần, đây là khó nhất trong việc giải quyết đất đai”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên “than”.
Trả lời ĐB Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) và ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về việc chậm sửa Luật Đất đai, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên giãi bày: “Luật Đất đai có nhiều vấn đề cần phải sửa, nhưng sửa nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng đến người dân, nên chúng tôi căn cơ chỉ sửa mấy vấn đề lớn: quyền của người dân; thời gian giao đất; hạn mức chuyển nhượng; tài chính đất đai. Vì vậy, chúng tôi có đề nghị cần có thời gian nghiên cứu, bổ sung để sửa đổi luật một cách căn cơ để tuổi thọ cao hơn”.
Để giải quyết vướng mắc, Bộ trưởng Nguyên cho biết đã trình Chính phủ một nghị định và nếu không có gì thay đổi thì trong tháng 6 này sẽ ban hành. “Trong hướng dẫn về nghị định này có quy định mới về đền bù giải phóng mặt bằng. Nhà tái định cư sẽ có nhiều loại diện tích khác nhau, nếu người dân không đủ tiền mua thì Nhà nước hỗ trợ, ai không muốn vào mà tự lo được thì nhà nước cũng hỗ trợ phần chênh lệch. Người bị thu hồi quá 30% thì nhà nước sẽ hỗ trợ đất nông nghiệp hoặc 1 suất đất dịch vụ hoặc đất ở” – Ông Nguyên cho biết.
Về thực trạng nhiều DN xây dựng 2 hệ thống xử lý nước thải, 1 để đối phó với việc kiểm tra, 1 hệ thống để xả thẳng ra sông, hồ, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị Bộ trưởng TN&MT cho biết thực trạng của việc này và hướng xử lý.
Theo bộ trưởng TN&MT, nếu có việc này chỉ chỉ xảy ra trước khi có Luật Bảo vệ môi trường năm 2004. “Theo luật mới, muốn có dự án đầu tư thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau đó, trong quá trình xây dựng phải xây hệ thống bảo vệ môi trường trước, nếu hệ thống này không đảm bảo thì nhà máy chưa hoạt động. Hệ thống thải phải hở chứ không được chìm như trước đây. Về việc này thì chỉ thanh tra môi trường thì không phát hiện được. Rất may là Bộ Công an thành lập Cảnh sát môi trường. Về việc này tôi cũng nhận khuyết điểm” – Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phân trần.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, ngoài 16 chất vấn bằng văn bản, có có 22 đại biểu đã đăng ký chất vấn và có 14 đại biểu đã phát biểu, Bộ KH&ĐT cũng đã trao đổi vấn đề liên quan.
“Đây là lần thứ 2 đăng đàn, nhiều vấn đề lớn, phức tạp nhưng Bộ trưởng trả lời nắm rõ thông tin, rõ ràng nên hoan nghênh Bộ trưởng…” – Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng TN&MT. Chủ tịch QH lưu ý người đứng đầu ngành TN&MT về việc sửa đổi Luật Đất đai căn cơ thì phải đi vào vấn đề thực tiễn, nếu cứ 4 năm sửa một lần thì rất khó cho chính quyền các cấp và người dân vì “sai một ly là đi một dặm”. Về môi trường, Chủ tịch QH cũng đề nghị Bộ trưởng TN&MT trong chức năng quyền hạn phải tham mưu cho Chính phủ hoàn thành kế hoạch xây dựng, khai thác tài nguyên là “của quý trời cho” sao cho hiệu quả, đảm bảo trước mắt và để dành lâu dài. |
Ngọc Linh