Hồ Gươm của ai ơi!





Vài năm trước, có bài báo tả một vị có trách nhiệm đang trầm ngâm suy nghĩ “Làm cái gì đây cho Hà Nội?”. Bác KTS già đọc đến đoạn này thở dài lo lắng “Hà Nội lại sắp gay go đây, sao chỉ thấy các cuộc thi đắp thêm gì đó mà không có giải thưởng cho ai nhổ bớt cái xấu xí ra khỏi Hà Nội”? May thay, có cuộc thi quy hoạch lại Hồ Gươm với mục tiêu có nhiều quảng trường, lối đi bộ…




Ngày xưa yêu dấu



“Tìm nguồn xưa, hỏi việc cũ, nơi này vô hạn phong quang”




Ngày xưa sông Hồng chảy tít vào phía trong này, thế kỷ XV có con đê sau  thành lối đi dọc theo Hàng Ngang, Hàng Ðào vòng xuống Hàng Trống bây giờ. Bản đồ Minh Mạng (1831) thì  vẽ đê đã dịch ra phía ngoài: từ cửa Ðông An (ngã tư Hàng Bè – Hàng Thùng) thẳng xuống phía Nam, qua phường Ðông Thọ (đầu vườn hoa Chí Linh) chạy xuống cửa ô Tây Long (nay là Nhà hát Lớn)… Những đổi thay làm cho khung cảnh quanh Hồ Gươm dần hình thành cơ bản  dưới thời Lê – Trịnh. Chuyện cũ Thăng Long đời Lý, Trần có nhắc đến, nhưng truyền thuyết Hồ Gươm cũng bắt đầu từ thời Lê Sơ. Sau bao cuộc can qua dâu bể, đến cuối thế kỷ XIX, quanh Hồ Gươm cũng vẫn nguyên sơ cảnh xóm làng với lều tranh lúp xúp, lối ngõ chật chội lầy lội. Hồ vẫn chỉ là cái ao để giặt giũ tắm rửa… Ðâu đó lấp ló cái nền xưa lầu son gác tía hoang tàn hay dấu tích của lớp học của ông nghè Vũ Tông Phan – tài đức tỏa  sáng đến độ học trò thờ phụng như cha mẹ.




Vươn cao lên trên nền trời Thăng Long lúc ấy là đài Nghiên, tháp Bút với bao gửi gắm hoài bão của kẻ sĩ Long Thành hay cũng là nỗi niềm của muôn người níu giữ những giá trị xưa cũ trước những đổi thay.





Còn lại bên hồ một đá trơ



“Dựng cột làm tiêu, mở lối cho người đi”




Ngoài cổng “Ngọc Sơn tự” có hàng câu đối “Ngắm làn nước, leo lên núi, một lối đi dẫn vào nơi cảnh đẹp / Tìm nguồn xưa, hỏi việc cũ, nơi này vô hạn phong quang”. Trên mặt trụ đắp: “Dựng cột làm tiêu, mở lối cho người đi / Dẫn người giác ngộ, hiểu được đạo làm người”. Tiến vào phía  trong, có câu: “Ði vào đây, trông lên trời ánh hồng gần như gang tấc / Phía Ðông Nam, nước hồ ngăn bụi trần gian” nhắc nhở du khách bỏ lại sau lưng cảnh phồn hoa bụi bặm.




Bên trái cổng có mô đất cao, khi còn là cung Khánh Thụy gọi là núi Ngọc Bội, người ta xếp đá và dựng trên đỉnh ngọn tháp bằng đá 5 tầng, tạc ba chữ lớn “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), diễn cảm cái khí phách của người cầm bút. Chiếc cầu cong có tên “Thê Húc”, có nghĩa là nơi đậu của ánh sáng ban mai… Trên đảo Ngọc có lưu bút nhiều bậc danh nho “Giấu bảo kiếm ngàn vàng trong nước mùa thu / Tỏa tấm lòng sao băng trong lòng hồ ngọc”. Ngoài cửa đền đắp câu “Linh khí từ gươm thiêng còn sáng ngời như nước / Văn học kết khối lớn bền vững như non”. Bên cạnh có đình nhỏ hình vuông, hàng ngày có người gánh đôi bồ khắp phố, nhặt giấy có chữ đốt ở đây, không để chữ nghĩa của Thánh hiền vương vãi, ai đó vô tình dẫm  lên là bất kính.




Xắn trong trời đất một khoảnh bé tý, vài hàng gỗ đá thế mà truyền tải ngần ấy chữ nghĩa, cô đúc ngần ấy lương tri – thật chỉ đất Việt mới thế! Long Thành xưa là thế – Biểu đạt cái cảm nghĩ lớn lao bằng phương tiện tối thiểu. Ðiều này cũng phù hợp với hoàn cảnh, tâm tính của  người Việt: ưa chắt chiu, ý nhị mà xem thường những thứ phô trương trống rỗng. Gần đây, không ít người đi đây đi đó, lấy nhiều bài học, mô hình từ chỗ nọ chỗ kia, đem về mình bắt chước. Rốt cuộc mấy cái vay mượn chắp vá ấy làm ta chẳng giống Tây mà rồi ta còn không ra hồn Ta nữa. Sao không học người xưa,  lấy cái tinh tế sâu sắc mà biểu đạt bao điều sâu xa, lâu bền chẳng hơn cứ đua đòi theo cái hoành tráng, tấn tạ hời hợt để rồi tốn kém,  hụt hơi mà nhạt đi nghĩa lý.




Hồ Gươm soi bóng đất trời



“Giấu bảo kiếm ngàn vàng trong nước mùa thu…”



“… Một ngôi đền nhỏ thấm đẫm  triết lý, một ngọn tháp nhỏ bé mà ngạo nghễ, nhịp cầu cong duyên dáng bền bỉ, những vòm cây xum xuê rễ lá và mặt nước bình lặng bao dung. Con đường nhỏ bao quanh những mái nhà nhấp nhô ẩn hiện sau hàng cây và nền trời như đọng lại, như ngưng lại thời gian… Hồ Guơm chỉ có vậy thôi mà ngưòi Việt gần xa, mỗi lần rảo bước quanh đây đều cảm thấy từ đáy lòng cái tình cảm sâu sắc đến Hà Nội, đến Tổ Quốc và xa hơn  nhớ đến công đức Tổ Tiên…”




Có người ví von nếu Hà Nội như một người đẹp thì Hồ Gươm là viên ngọc làm tôn thêm cái vẻ kiều diễm. Tháng 11/1885, người ta khởi công đổ đất cạp hồ, thế mà bốn năm sau nhà ven hồ vẫn còn ken dày chi chít. Ðêm 22/1/1891, cháy 300 nóc nhà từ Bờ Hồ lan ra tận bờ sông, cháy cả thôn Cựu Lâu đến Hàng Dầu. Sau vụ cháy việc giải tỏa mới xong. Ðầu năm 1893, con đường quanh hồ mới khánh thành.




Hồ Guơm đẹp một phần vì cảnh quan tỷ lệ hợp lý, mặt hồ nhỏ nhắn lọt giữa hai mảng phố Tây, phố Ta xinh xắn chẳng kém. Nó đã tròn hình đủ ý rồi nên có thêm bất cứ cái gì vào là mất cân đối, trông thấy ngay. Một tài liệu quy hoạch đô thị có chất lượng không chỉ cho người ta biết rằng phải xây dựng ở đâu, như thế nào mà cần thiết nó cũng phải quy định rằng có những nơi không được làm gì nữa. Có lẽ ở Hồ Gươm cần lắm cái bản quy như vậy.




Vài năm trước, có bài báo tả một vị có trách nhiệm đang trầm ngâm suy nghĩ “Làm cái gì đây cho Hà Nội?”. Bác KTS già đọc đến đoạn này thở dài lo lắng “Hà Nội lại sắp gay go đây, sao chỉ thấy các cuộc thi đắp thêm gì đó mà không có giải thưởng cho ai nhổ bớt cái xấu xí ra khỏi Hà Nội”? May thay, có cuộc thi quy hoạch lại Hồ Gươm với mục tiêu có nhiều quảng trường, lối đi bộ… Vậy thì khối thứ sẽ được nhổ bớt ra khỏi Hồ Gươm đây. Ðược như vậy thì quý quá. Sợ nhất là mấy sáng kiến “Thêm cái gì đó” vào đây nữa thì chắc nhiều người sẽ có chung cái cảm giác khắc khoải lo âu.






Việt Nam đã có một Giải thưởng Kiến trúc quốc tế về Quy hoạch Hồ Guơm



“… Tỏa tấm lòng sao băng trong lòng hồ ngọc”




Năm 1994, Viện Hàn lâm Kiến trúc quốc tế mở cuộc thi với chủ đề “Kiến Trúc – Con người 2000”, với sự tranh tài của 250 tác phẩm đến từ 55 quốc gia. Trong căn nhà nhỏ, trong cái ngõ nhỏ Hà Nội, có một nữ KTS cùng với các bạn bè tự nguyện đã thực hiện phương án dự thi đầy lãng mạn  “Hồ Guơm – Hà Nội: Không gian và ý tưởng kiến trúc”. Hình ảnh ấn tượng của Ðồ án là bàn tay gớm ghiếc, ngón tay tham lam vươn ra thèm muốn vừa thu tóm lấy không gian, vừa muốn bóp nghẹt những giá trị văn hóa lịch sử của Hồ Gươm. Ðây không còn là dự cảm nữa mà là một thực tế khi hơn mười mấy năm qua đã có gần ba chục dự án cao ốc ven Hồ Gươm đã được soạn thảo và trình bày tại các cơ quan quản lý, không kể vài công trình đã sững sững soi bóng xuống mặt hồ bé xíu. Giữa những năm tháng nhà nhà người người liên doanh liên kết (trong nước ngoài nước), đầu tư xây dựng văn phòng khách sạn, thì Ðồ án lại vạch ra những kế hoạch mở rộng lối đi ven hồ, khai  thông các không gian nối các quảng trường nằm cách Hồ Guơm vài dãy phố thành một quẩn thể trong sáng – rộng mở, đẹp tới mức không tưởng.




Ban Giám khảo quốc tế gồm các Viện sĩ, KTS lừng danh đã lựa chọn và trao giải thưởng đặc biệt cho Ðồ án. Có lẽ cái giá trị tri thức của đồ án chiếm một phần kiêm tốn trong cái sự đánh giá, trân trọng của Ban Giám khảo. Quý hơn là ghi nhận sự can đảm, vượt lên những tư duy bị thực tại chi phối, tiên lượng chuẩn xác  những thách thức mà Văn hóa sẽ phải đối mặt trong Phát triển và đưa ra giải pháp thỏa đáng, ngay tại những thời điểm khó khăn nhất. Nhưng cũng từ đó, Việt Nam vắng mặt trong những cuộc thi tương tư.




KTS Lê Thị Kim Dung, tác giả chủ trì Ðồ án cho biết: “Sau gần 15 năm, Hồ Gươm vẫn thường trực những nguy cơ, đe dọa và vẫn nguyên vẹn niềm hy vọng, ao uớc như Ðồ án đã đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế từng đề cập. Còn riêng tôi, xin dâng tặng Ðồ án cho Thành phố Hà Nội quê hương, nơi tôi luôn không ngừng nghỉ những buồn vui với nó”.




Ngoài kia, vượt qua bốn mùa gian khó, Xuân đã lừng lững trở lại bên Hồ Gươm!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *